Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn nghệ sĩ “ngoại” đón Noel tại TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Michael Hachey (hàng đứng, thứ 2 từ phải sang) “hóa thân” thành ông già Noel tặng quà cho trẻ em ở Mái ấm Tam Thôn Hiệp năm 2009 (ảnh nhân vật cung cấp)

Đạo diễn người Hàn Quốc Kim Eui Sung nói về cảm giác đón Noel xa nhà: “Đón Noel ở TP.HCM cũng có cái thú vị riêng của nó!”. Cảm giác này không chỉ có ở Kim Eui Sung mà còn với rất nhiều văn nghệ sĩ “ngoại” đang sống, làm việc và học tập tại TP.HCM.
Đạo diễn Kim Eui Sung: Vui chơi suốt đêm… sáng ngủ bù
Noel ở TP.HCM không còn xa lạ với tôi nữa vì tôi đã đón Noel ở đây hai năm rồi. Tôi rất thích mùa Noel bởi không khí mát mẻ, nhà nhà trang hoàng rất đẹp, mọi người cũng rất vui tươi. Người Hàn Quốc chúng tôi vui nhất là Tết Trung thu (ngày rằm tháng 8 âm lịch) và ngày Noel. Món ăn chính trong hai ngày này là món thịt nướng. Nhiều bạn trẻ ngoài việc đến nhà thờ, họ thường đi thả diều. Năm nay, dự tính của tôi là sáng 24 tranh thủ gửi thiệp, nhắn tin chúc mừng bạn bè, người thân. Tối Noel khoảng 23h ghé vào nhà một người bạn Việt Nam có đạo để ăn món lagu gà khoai tây chấm bánh mì, uống chút rượu và bánh kem do mẹ của người bạn này làm rất ngon. Sau đó, mỗi người cũng chuẩn bị một món quà nhỏ tặng cho nhau rồi cùng bóc quà, ca hát, vui chơi suốt đêm, sáng hôm sau sẽ ngủ bù… (cười).
Yoko (Người Nhật – nghệ sĩ piano tự do): Muốn tìm hiểu lối sống người Việt
Tôi chơi thân với MC Thanh Bạch và hay sang Việt Nam biểu diễn khi có lời mời. Đây là năm thứ hai tôi đón Noel tại TP.HCM. Ở nước Nhật, vui nhất là trước và sau đêm Noel, mọi người tấp nập đi nhà thờ cầu nguyện, đi du lịch, múa hát, ăn uống và chúc tụng nhau, không khí rất náo nhiệt. Năm rồi, trưa ngày 24-12, tôi cùng nhóm bạn người Nhật đi một số nhà thờ; còn buổi tối, sau khi diễn xong, tôi hòa cùng dòng người đến Nhà thờ Đức Bà, Công trường Mê Linh thảy kim tuyến lên người của nhau rất vui. Năm nay, cũng sẽ như thế, sau đó về nhà một số người bạn Việt Nam cùng ăn tiệc và hát karaoke… Tôi chọn đón Noel tại Việt Nam để vui chơi, đồng thời cũng muốn tìm hiểu lối sống và văn hóa của người Việt qua các lễ hội, phong tục.
Xơn-phan (người Lào – sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM): Tùy vào sự ngẫu hứng…
Đây là năm đầu tiên tôi đón Noel xa gia đình, vì vậy mà tôi đang chờ đợi những bất ngờ và thú vị đến với mình. Ở nước tôi thì ngày Tết vui hơn Noel, gọi là Tết Bunpimay, mọi người mừng năm mới bằng cách tát nước lên người nhau, ai ướt sũng là người đó được nhiều phước. Khi đến thăm viếng nhau, thường được chủ nhà cột sợi chỉ vào tay để chúc phước. Tôi nghe một số bạn sinh viên Lào sang Việt Nam học trước kể về không khí đón Noel ở TP.HCM vui lắm, còn tôi chưa chuẩn bị gì cả, có lẽ còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và ngẫu hứng nữa. Một vài người bạn Việt Nam rủ tôi tối 24 đi dạo một vòng khu Nhà thờ Đức Bà rồi sang xóm đạo ở đường Phạm Thế Hiển – quận 8 chơi, cuối cùng là đi ăn. Mùa Noel năm nào tôi cũng rất “siêng năng” gửi thiệp, nhắn tin, chúc mừng bạn bè, người thân, mong mọi sự an lành đến với mọi người.
Michael Hachey (người Mỹ, diễn viên múa tự do kiêm sinh viên Khoa Tiếng Việt Trường ĐHKHXH-NV TP.HCM): “Hóa thân” thành ông già Noel
Tôi có thói quen chờ đợi ngày Noel hàng năm. Với tôi, đây không chỉ là một ngày tốt lành mà còn gợi nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ của mình. Hồi nhỏ, tôi thích được ông già Noel tặng quà, khi thì quần áo, bánh kẹo, đồ chơi. Lớn lên, năm nào ngày Noel, tôi thường tự tay mình làm cây thông, hang đá, tuy cực một chút nhưng rất vui. Đêm Noel năm 2009, tôi gia nhập vào nhóm công tác từ thiện xã hội của Thành đoàn TP.HCM, “hóa thân” thành ông già Noel vui chơi và tặng quà cho trẻ em lang thang cơ nhỡ ở Mái ấm Tam Thôn Hiệp – huyện Cần Giờ. Năm nay, tôi sẽ cùng với một số ca sĩ – nghệ sĩ, sinh viên tình nguyện vui Noel với trẻ em nghèo kém may mắn ở quận Gò Vấp. Tôi muốn làm những điều thật sự có ý nghĩa để nhớ mãi quãng đời sinh viên của mình tại Việt Nam.
Bài, ảnh: Đại Nghĩa

Bình luận (0)