Bài 2: Những vần thơ nhen lửa đấu tranh
Đám tang anh Trần Văn Ơn 12-1-1950 |
Được người anh họ dìu dắt, chị tham gia đấu tranh trong phong trào HSSV Sài Gòn lúc 17 tuổi. Chính trong những dịp xuống đường bãi khóa chị đã viết nên những vần thơ kêu gọi lòng yêu nước, chí căm thù giặc, thúc giục thanh niên học sinh đòi quyền sống, quyền dân sinh dân chủ. Chị là nhà thơ Phương Đài – Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.
Xuống đường kêu gọi đấu tranh
Sinh ra ở Vĩnh Long nhưng tuổi thơ Nguyễn Thị Thu Hường (tên thật của nhà thơ Phương Đài) lại gắn bó nhiều hơn với quê nội ở Bến Tre. Thấy những người anh đã theo ba đi kháng chiến nên Hường cũng theo mẹ vào vùng chiến khu ở miền Đông Nam bộ. Năm 16 tuổi Thu Hường về sống ở Sài Gòn và học ở Trường Huỳnh Khương Ninh. Chính trong thời gian này, Hường được người anh họ Phan Văn Thôi dìu dắt và giác ngộ tham gia các phong trào đấu tranh của HSSV Sài Gòn. Chị Thu Hường nhớ lại: “Hồi đó anh Thôi là cháu họ của má tôi quê tận Quảng Ngãi, sinh viên Trường Đại học Sư phạm thường hay đến nhà chơi. Chính trong những khi anh em trao đổi về học tập Thôi đã khuyên tôi tham gia các hoạt động của giới HS, SV như văn nghệ, cứu trợ sau là biểu tình, bãi khóa… Vì thế khi học sinh Trường Huỳnh Khương Ninh có các hoạt động đó tôi đã tình nguyện tham gia và trở thành một trong những người tích cực nhất”. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là cùng các bạn xuống đường dự đám tang anh Trần Văn Ơn ngày 12-1-1950 để từ đó thành một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ trong giới trí thức Sài Gòn. Đây cũng là dấu mốc của con đường đi đến với cách mạng của cô nữ sinh Trường Huỳnh Khương Ninh. Khi về học Trường Gia Long, quận 3 Thu Hường vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội và những phong trào đấu tranh của HSSV thời bấy giờ. Những tiếng hô đấu tranh, những lời ca tiếng hát trong đêm văn nghệ của Thu Hường đã nối thêm vòng tay với các bạn HSSV trong những dịp xuống đường. Xấp truyền đơn rải trên đường đi học, trong các cuộc biểu tình đã làm cho kẻ thù run sợ, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chính trị trên mọi nẻo đường góc phố Sài Gòn. Trong thời kỳ chống Mỹ dù đã có gia đình nhưng được sự dìu dắt của chị Năm Dung và Năm Tú, Thu Hường được các chị giới thiệu vào Ban phụ vận TP hoạt động nửa công khai nửa bí mật tại Sài Gòn. Ngoài việc vận động chị em tham gia các hoạt động xã hội, Ban phụ vận tổ chức hội nghị, các buổi đăng đàn bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi chị em phụ nữ như xóa bỏ tệ nạn mãi dâm, nhục mạ phụ nữ, đòi quyền đi học, quyền tự do của chị em, giải quyết công ăn việc làm cho nữ công nhân…
“Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”
Vốn là một người yêu thích văn thơ nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Thị Thu Hường đã tập sáng tác. Một vài câu thơ, bài thơ của cô nữ sinh Trường Huỳnh Khương Ninh chép vội trong cuốn sổ tay như một tiếng lòng mới mẻ của người thanh niên khi chập chững bước vào đời. Có lẽ ảnh hưởng từ mẹ – nhà thơ nữ Song Thu – một nhà thơ yêu nước và ông ngoại là thượng thư triều Nguyễn Phạm Phú Thứ mà Thu Hường đã có một hồn thơ giàu cảm xúc. Thế rồi thơ của Thu Hường không còn là thế giới tình cảm riêng tư của một cá nhân mà đã trở thành tiếng nói chung của một thế hệ thanh niên nhất là khi chị bắt đầu giác ngộ cách mạng. Với bút danh Phương Đài, chị đã có những vần thơ ghi lại dấu ấn mùa thu lịch sử: “Thuở xưa đó bên dòng sông nghe anh hát/ Tiếng hát lên đàng khắp đất nước thân thương…/ Đoàn quân đi trong mùa thu Tháng Tám/ Có bóng anh trên đường phía trước cờ bay” (Tiếng hát mùa thu). Chính những lần đi đấu tranh trực diện với kẻ thù mà chị đã bị địch theo dõi và bắt giam vào năm 1969 lúc có thai 3 tháng. Hết biệt giam ở Nha cảnh sát đô thành chị lại bị đưa sang nhà lao Thủ Đức và phải sinh nở trong tù. Nhờ làn sóng đấu tranh bên ngoài nên 1970 chị cùng một số chị em nữ tù khác được trao trả tự do. Năm 1972 chị gửi con lại cho chồng nuôi và tham gia vào Đoàn văn mỹ nghệ Phật tử để tiếp tục móc nối với cách mạng. Chị Thu Hường bồi hồi nhớ lại: “Cho đến hôm nay tôi vẫn không quên được những đêm anh chị em tụ tập tại trụ sở số 4 Duy Tân. Người thì tập hát, kẻ đọc thơ, chị em chúng tôi tập múa. Những bài ca Tự nguyện, Dậy mà đi, Nối vòng tay lớn , Hát cho dân tôi nghe… được sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Vạn Hạnh yêu thích và hát vào các đêm tranh đấu. Tôi còn nhớ anh em đã làm một con bồ câu rất lớn bằng bông gòn để minh họa cho tiết mục múa bài Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh. Hai vở kịch được diễn nhiều nhất là Tiếng trống hào hùng và Làm thân cỏ cú vừa thức tỉnh nhục mất nước vừa kêu gọi chiến đấu”.
Tiếp tục dòng quá khứ, chị kể: “Để che mắt địch, Đoàn văn mỹ nghệ phải mượn danh Phật tử tổ chức các đêm văn nghệ cứu trợ nhưng mục đích là để tuyên truyền các bài ca cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước cho đồng bào. Nhiều đêm đoàn đang diễn thì bị địch phá như ném lựu đạn cay, cúp điện. Rất may anh em đã chuẩn bị khăn tay tẩm nước trái chanh để lau mắt, giẻ tẩm dầu đựng trong ống sữa bò rồi sau đó diễn tiếp. Có đêm bị cảnh sát rượt anh em lại chạy vào chùa trốn, rất may cho mọi người là luôn được các nhà sư, ni cô che chở”. Theo lời chị Hường kể lại, phong trào HSSV lúc bấy giờ luôn được đồng bào ủng hộ, nhiều đêm không diễn được yêu cầu bà con trả lại vé nhưng ai cũng từ chối, sẵn sàng ủng hộ đoàn văn nghệ. Những vần thơ của chị thời kỳ này vẫn là lời kêu gọi của sông núi với thế hệ trẻ cứu nước giúp dân: “Hỡi anh trên chặng đường tranh đấu/ Yêu gió phiêu bồng gội nắng sương/ Áo vải cờ hồng theo chân bước/ Nối vòng tay lớn giữ quê hương” (Chí trai). Cùng với những bài ca cách mạng, những lời thơ của người cán bộ nữ góp phần động viên tinh thần đấu tranh của người dân yêu nước làm nên bản hợp xướng của dàn đồng ca yêu dân tộc Việt Nam trong thời đấu tranh chống Mỹ như lời của nhà thơ Sóng Hồng: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.
Ngồi trò chuyện với chị Nguyễn Thị Thu Hường trong một buổi chiều cuối năm, tôi lại được nghe chị đọc lại những câu thơ phảng phất tinh thần yêu nước của người nữ cán bộ một thời cống hiến sức trẻ của mình cho phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh Sài Gòn qua hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Nghe chị cất giọng hát: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng”, tôi thấy trên khuôn mặt chị ánh lên niềm hạnh phúc thật rạng rỡ.
Phan Ngọc Quang
Bình luận (0)