Tìm các giải pháp giúp DN sản xuất và XK gắn kết với nhau, không gây xáo trộn trong XK gạo.
“Số doanh nghiệp (DN) chưa được cấp phép xuất khẩu (XK) gạo còn quá nhiều, nếu không đẩy mạnh tiến trình cấp giấy chứng nhận sẽ ảnh hưởng tới XK gạo trong thời gian tới” – ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực VN, cho biết như vậy tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành công thương tổ chức ngày 1-8. Theo ông Huệ, thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh gạo, hiện nay Bộ Công Thương mới cấp 23 giấy chứng nhận trong khi sáu tháng đầu năm có 211 DN tham gia kinh doanh XK gạo.
Áp lực tăng giá từ Thái Lan
Ông Huệ cho biết tình hình thị trường đang diễn biến phức tạp, nhu cầu XK tăng mạnh nên lúa gạo vụ hè thu tiêu thụ nhanh. Bên cạnh đó, giá cả cũng đang tăng cao, giá lúa hạt dài đang tăng 6.700-6.800 đồng/kg lúa khô. Đây là mức giá rất cao. “Giá gạo Thái Lan tăng đã ảnh hưởng đến thị trường VN, dự báo giá gạo Thái Lan XK còn tiếp tục tăng ở mức 850 USD/tấn. Không biết đến lúc đó giá gạo VN còn tăng lên bao nhiêu” – ông Huệ lo ngại.
Theo ông Huệ, việc tăng giá gạo của Thái Lan cũng là cơ hội để VN mở rộng thị trường và nâng cao giá trị XK nhưng cũng là thách thức với chúng ta bởi lượng XK của VN có hạn. Nếu XK vượt mức cân đối và giá tăng quá cao thì sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương cần tính toán kế hoạch XK gạo cho cuối năm và tính đến đầu năm 2012. Thông thường gạo gối đầu cho quý I năm sau từ 800 đến 1 triệu tấn. Quý I là thời điểm không có thu hoạch, chủ yếu là thu hoạch sớm của vụ đông xuân, đồng thời đây là thời điểm nhu cầu cao cần có lượng tồn kho từ năm trước chuyển sang năm sau.
Đa số DN muốn xuất khẩu gạo đều không đáp ứng được quy định về kho bãi, cơ sở xay xát theo quy chuẩn của Bộ NN&PTNT.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết đến ngày 1-8, Bộ Công Thương đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK cho 29 DN. Ngoài ra, 15 bộ hồ sơ đủ tiêu chuẩn đang trình lãnh đạo Bộ Công Thương ký. Theo khảo sát của Bộ Công Thương về tình hình kho bãi, cơ sở xay xát, có khoảng 50-60 DN đủ điều kiện kinh doanh XK gạo, phù hợp tính toán của ban soạn thảo khi ra Nghị định 109.
Sẽ tháo gỡ cho DN trước ngày 1-10
Giải đáp những vướng mắc của DN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng các DN có chín tháng để triển khai các quy định của Nghị định 109 về kinh doanh, sản xuất gạo. Tuy nhiên, phần lớn DN không đáp ứng được quy định này, nhất là về kho bãi, cơ sở xay xát theo quy chuẩn của Bộ NN&PTNT. Cụ thể, DN muốn được cấp giấy chứng nhận kinh doanh gạo phải đáp ứng đủ ba điều kiện gồm được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ NN&PTNT ban hành; có ít nhất một cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Tuy nhiên, theo ông Biên, có một thực tế là lâu nay các nhà máy xay xát đều nằm ở vùng nguyên liệu. Do đó, các thương lái thu mua lúa của nông dân thì mang ngay đến nhà máy để chà lúa thành gạo. Sau đó mang đến cho những nhà máy lớn để đánh bóng lại và đóng quy cách XK. Vì vậy, DN kinh doanh XK gạo chỉ đầu tư vào nhà máy lau bóng gạo chứ chưa đầu tư vào nhà máy xay lúa và kho chứa lúa.
“Mục đích của nghị định này là gắn thương mại sản xuất, DN và nhà nông nhưng chưa tính tới yếu tố thị trường trong khi năm 2011 có nhiều điểm quan trọng, quyết định đầu ra hạt gạo của VN. Dựa vào thực tế trên, Bộ Công Thương đã thống nhất tổ chức hội nghị nghe ý kiến các DN, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra hướng tháo gỡ cho DN từ nay tới 1-10. Bộ Công Thương lưu ý những DN đã làm hồ sơ nhưng không đáp ứng được quy định mới của Bộ NN&PTNT thì Hiệp hội Lương thực và Sở Công Thương thống kê lại số DN gửi hồ sơ về Bộ để tìm các giải pháp dung hòa giúp DN sản xuất và XK gắn kết với nhau, không gây xáo trộn trong XK gạo” – Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.
Không có chuyện ồ ạt XK nông sản qua biên giới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng thông tin thương nhân nước ngoài gom hàng nông sản XK qua đường tiểu ngạch không bị đánh thuế là chưa chính xác. “Tôi thấy chỉ có XK chính ngạch và cư dân biên giới XK hàng hóa chứ không có chuyện XK tiểu ngạch trốn thuế” – ông Tú khẳng định.
Theo ông Tú, trước việc thương nhân nước ngoài mua hàng trên thị trường VN, chúng ta cần nghiên cứu cam kết của VN về quyền kinh doanh và phân phối của thương nhân nước ngoài, chứ không thể nói tất cả hình thức thu mua của nước ngoài là sai. Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường và Vụ Thương mại miền núi có trách nhiệm kiểm tra làm rõ vấn đề này.
|
TRÀ PHƯƠNG
Theo Pháp luật
Bình luận (0)