Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vận tải hành khách công cộng: Xe lam sẽ bị loại khỏi “cuộc chơi”

Tạp Chí Giáo Dục

Sau nhiều ngày đi thực tế bằng phương tiện “xe buýt” nhỏ, loại 12 chỗ ngồi mà người dân thường gọi là Dasu, xe lam (sau đây gọi chung là xe lam), chúng tôi ghi nhận hoạt động rất hiệu quả của loại xe này.

Vì nhỏ gọn, không gây kẹt xe, xe lam len lỏi được vào các tuyến đường hẹp, đáp ứng nhu cầu đi lại đa dạng của người dân. Tuy nhiên, loại xe này đang bị loại dần ra khỏi “cuộc chơi” vì không có tên trong quy định!

Hiệu quả

Sáng 10.11, chúng tôi bắt xe lam biển số 53U–1824, chạy tuyến số 146 từ bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) – bến xe Hiệp Thành (quận 12) thuộc hợp tác xã Bà Chiểu. Khi xuất bến, trên xe có năm khách. Sau khi chạy được 15 phút, xe có thêm sáu hành khách khác. Cứ thế vài phút lại có hành khách lên xe và xuống xe. Hầu hết khách trên xe đều lên, xuống ở các tuyến đường hẹp mà xe buýt lớn không đi được như Dương Quảng Hàm, Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)… Tổng số khách lên xuống trong lượt đi là 19 người và mất khoảng 45 phút để xe đi hết tuyến dài 17km. Lượt về, xe nhận thêm 15 khách. Tổng cộng cả chiều đi về xe rước 34 lượt khách.
“Xe lam” nhỏ gọn, được đánh giá là hiệu quả trong điều kiện đường sá đông đúc, nhỏ hẹp như TP.HCM nhưng đang bị loại dần khỏi hệ thống vận tải công cộng.
Tài xế Trịnh Văn Lộc cho biết, mỗi một ngày như vậy xe chạy tổng cộng mười chuyến. Nếu ngày bình thường, bán được khoảng 130 vé, còn ngày cao điểm bán được trên 200 vé. Mỗi vé giá 4.000 đồng, trừ hết chi phí xăng dầu kiếm được vài trăm ngàn đồng. “Hầu hết khách lên xe và xuống xe là những nơi ít có xe buýt lớn qua lại. Cũng có khách đi vài cây số rồi xuống xe vì cả tuyến đường đó chỉ có xe nhỏ như thế này là hoạt động được”, tài xế Lộc nói thêm.
Trước đó, sáng 9.11, chúng tôi lên xe lam biển số 53U–1988 chạy tuyến số 51, khởi hành từ bến xe Miền Đông đi Bình Hưng Hoà dài khoảng 18km. Khi xuất bến, xe chỉ có bốn khách nhưng dọc đường liên tục có khách lên xe. Tổng lượt khách có được trong toàn chuyến (cả đi và về) là 27. Suốt hành trình, dù xe đi qua những tuyến đường nhỏ hẹp như Phan Đình Giót, Xuân Hồng, Trần Quốc Hoàn (quận Tân Bình)… nhưng vẫn chạy khá nhanh, không gây ùn tắc.
“Tại sao chị không chọn đi xe buýt lớn khi tuyến này cũng có xe buýt lớn chạy song song?” Chị Thanh, một hành khách trên xe trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Cùng một đoạn đường nhưng đi xe lam tiết kiệm được cả 20 phút. Khi đi xe lam tôi không phải lội bộ cả cây số mỗi khi xuống xe về nhà như đi xe buýt lớn. Như vậy tội gì phải đi buýt lớn”.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC), cho rằng, xe loại này mới thực sự đáp ứng đúng điều kiện đường sá và đặc tính đi lại của người dân thành phố, còn xe buýt lớn ngoài việc khai thác kém hiệu quả còn là một trong những tác nhân gây ra kẹt xe vào giờ cao điểm. “Vào lúc 17 giờ 20 ngày 29.10.2011, trên một đoạn chưa đầy 200m của đường Phổ Quang (quận Tân Bình), có bảy xe buýt loại lớn, một xe khách lớn, gần mười xe hơi nhỏ và taxi đi cùng chiều, đồng thời có bốn xe buýt khác đi theo chiều ngược lại. Những chiếc xe buýt tránh nhau đã tạo nên cảnh ùn ứ giao thông. Nghịch lý ở đây là số người ngồi trong xe buýt ít hơn nhưng lại chiếm phần đường nhiều hơn nên, chính xe buýt lại là tác nhân chính gây kẹt đường”, TS Nguyên phản ánh.
Bị loại dần khỏi cuộc chơi!
Trong khi người dân và nhiều nhà khoa học công nhận sự tiện ích của loại xe nhỏ này và muốn chính quyền nhân rộng thì mới đây, trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đề xuất với sở Giao thông vận tải về việc giảm mạnh trợ giá; ngưng trợ giá và cắt tuyến đối với khoản tiền trợ giá cho xe lam chạy trên 20 tuyến xe buýt có trợ giá.
Tại cuộc họp với đại diện các hợp tác xã xe buýt, trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC đã đưa ra mức đề xuất cắt giảm trợ giá thấp nhất là 40,1%, cao nhất lên tới 77,47% so với mức trợ giá hiện tại đối với 17 tuyến xe lam; ngưng không trợ giá đối với tuyến xe buýt bến xe Miền Tây – khu công nghiệp Lê Minh Xuân, và cắt tuyến đối với hai tuyến từ bến xe Chợ Lớn đi sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực Bình Hưng Hoà. Trên thực tế, từ ngày 1.11, tuyến xe buýt bến xe Chợ Lớn – Tân Sơn Nhất đã bị tạm ngưng hoạt động.
Trả lời trên các phương tiện truyền thông, trung tâm quản lý điều hành VTHKCC cho rằng, do hệ thống xe lam hoạt động kém hiệu quả, khó kiểm soát. Ngoài ra, việc cắt giảm trợ giá xe lam còn nhằm giảm tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt hàng năm đối với ngân sách nhà nước.
Cũng theo lập luận của sở Giao thông vận tải, xe 12 chỗ không phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt theo quy định của Chính phủ. Nghị định 91/2009 quy định xe buýt phải có sức chứa từ 17 chỗ ngồi trở lên và phải có diện tích sàn xe dành cho khách đứng. UBND thành phố đã kiến nghị và được Chính phủ cho phép duy trì hoạt động của xe lam đến khi hết niên hạn sử dụng, để các chủ xe chuyển đổi mô hình hoạt động cũng như đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân.
Trái với lý do mà trung tâm Quản lý điều hành VTHKCC đưa ra, hầu hết các hợp tác xã có xe lam chứng minh, trong khi khách đi xe buýt lớn giảm thì khối lượng vận chuyển hành khách trên các tuyến buýt 12 chỗ tăng liên tục, đạt bình quân từ 0,8 – 1,4 hành khách/km. Và điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế khảo sát của chúng tôi.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, chủ nhiệm hợp tác xã Bà Chiểu – Chợ Lớn, đơn vị có năm tuyến xe lam, phân tích: “Đường sá TP.HCM đa phần nhỏ hẹp, không phù hợp cho xe lớn trong khi hệ thống xe lam đóng vai trò rất lớn trong việc vận chuyển hành khách từ các tuyến đường xương cá, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại bằng xe buýt. Xe 12 chỗ đang chạy hiện nay sẽ hết niên hạn sau ba – bốn năm nữa, nếu loại bỏ hẳn thì lấy gì thay thế, trong khi xe buýt lớn không thể phục vụ tốt ở những tuyến xe lam đang hoạt động”.
Ông Nguyễn Viết Hiếm, tài xế xe số 53U–1988 (tuyến 51) bức xúc: “Xe chúng tôi vào được những nơi xe buýt lớn không vào được, thuận lợi cho người dân nhưng không hiểu sao bây giờ tiền trợ giá lại bị cắt đi và tới đây còn bị thay thế. Đây là điều hết sức vô lý, đi ngược thực tế”. Ông Hiếm đặt vấn đề, tại sao các tuyến xe buýt lớn có mã số như 31, 64, 111, 62… hiện nay hoạt động chỉ có vài ba khách/chuyến lại vẫn được trợ giá như thường. Nhà nước cần phải xem lại và tính cho công bằng.
Đào Lê – Từ An
SGTT.VN

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)