Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vẫn thất nghiệp dù đã “rải” hồ sơ

Tạp Chí Giáo Dục

“Rải” hồ sơ ứng tuyển quá nhiều nơi chưa hẳn đã tăng cơ hội việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí các em còn có thể ra về mà chẳng được nhận vào chỗ nào…

Sinh viên tham gia phỏng vấn ứng tuyển việc làm tại Ngày hội phỏng vấn tuyển dụng 2016 vừa được tổ chức ở Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM

Không ít sinh viên tham dự Ngày hội phỏng vấn tuyển dụng 2016 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TP.HCM tổ chức đã bất ngờ khi các doanh nghiệp chỉ ra điều này. Trong suy nghĩ của sinh viên trước giờ, nộp hồ sơ vào nhiều nơi càng có lợi, nếu không được chỗ này gọi thì sẽ có chỗ khác kêu.

Dễ… rối!

“Một bộ phận bạn trẻ hiện nay thất nghiệp do mang tâm lý thử nghiệm quá nhiều. Xuất phát từ việc bản thân không xác định được mình muốn làm gì, cứ vài tháng họ lại nhảy việc”, bà Thanh Nguyễn (Tổng Giám đốc Công ty CP Anphabe) nói.

Trên thực tế, ông Phạm Phú Trường (Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu – GIBC) cho rằng, ứng viên “rải” hồ sơ nhiều quá sẽ dễ rơi vào trường hợp bị động, rối tung rối mù khi nhiều đơn vị tuyển dụng gọi phỏng vấn cùng một lúc. Khi đó, sự chuẩn bị của ứng viên sẽ trở nên sơ sài, vội vã, thiếu tập trung, dẫn đến “mất điểm” và dĩ nhiên cả… mất việc. Ông Trường khuyên các sinh viên mới tốt nghiệp nên có sự chọn lọc lĩnh vực công việc kỹ càng, phù hợp trước khi gửi hồ sơ ứng tuyển.

Bà Thanh Nguyễn (Tổng Giám đốc Công ty CP Anphabe) chỉ ra thêm, một bộ phận bạn trẻ hiện nay thất nghiệp do mang tâm lý thử nghiệm quá nhiều. Xuất phát từ việc bản thân không xác định được mình muốn làm gì, cứ vài tháng họ lại nhảy việc. Điều này gây bất lợi cho chính các bạn trẻ trong phát triển nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng.

“Nên chọn lọc công việc phù hợp khi ứng tuyển. Tránh trường hợp mơ mộng những vị trí công việc quá “đẹp”, thu nhập tốt tại công ty có tiếng nhưng lại yêu cầu rất cao, xa tầm với, vượt cả khả năng của chính các em. Thực tế, những vị trí công việc tốt như thế luôn có nhiều ứng viên cùng ứng tuyển, sinh viên mới ra trường chưa dày dạn kinh nghiệm khi phỏng vấn, tỷ lệ trượt sẽ cao và thường xuyên, từ đó các em dễ nảy sinh tâm lý thất bại, ngày càng thiếu tự tin”, ông Nguyễn Bá Ngọc (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty NBN Media – Host) lưu ý.

Chịu khó trải nghiệm từ việc nhỏ

Đừng “diễn” quá sâu khi xin việc

Một số nhà tuyển dụng lưu ý, bên cạnh trang phục chỉn chu, nghiêm túc, đúng giờ…, khi đi phỏng vấn ứng tuyển việc làm, ứng viên cần thể hiện thái độ thành thật. Bởi sự thành thật là nền tảng để xây dựng mối quan hệ làm việc lâu dài. Các nhà tuyển dụng cũng khuyến cáo ứng viên đừng vì áp lực “ghi điểm” với nhà tuyển dụng mà “diễn quá… sâu” sẽ để lại ấn tượng không tốt.

Tiếp xúc doanh nghiệp, nhiều sinh viên cũng liên tục bất ngờ vì những lý do gây mất thiện cảm đối với nhà tuyển dụng hóa ra đều không… to tát như các em tưởng. Bà Thanh Nguyễn đơn cử, một trường hợp sinh viên mới ra trường mang hồ sơ xin việc rất đẹp đến công ty. Khi được hỏi em mong muốn ứng tuyển vào vị trí nào nhất, câu trả lời của em này là làm… quản lý. Sinh viên trên bị loại chỉ sau… 5 phút phỏng vấn. Theo bà Thanh Nguyễn, đơn vị tuyển dụng luôn đánh giá cao những sinh viên có chí hướng, mục tiêu cao nhưng biết chịu khó lăn lộn, bắt đầu từ những vị trí công việc thấp nhất. Chính quá trình “vượt khó” đó cho người làm cơ hội trải nghiệm.

Ông Nguyễn Bá Ngọc chia sẻ thêm, hồ sơ xin việc đạt chuẩn của sinh viên thường hội tụ các yếu tố: kiến thức chuyên ngành vững, thái độ tốt, quá trình trải nghiệm phong phú… Trong đó, việc tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi ngồi ghế giảng đường hết sức quan trọng. Ông Ngọc đánh giá, hiện nhiều sinh viên đang rất lãng phí thời gian. 3 năm đầu, các em chỉ… nhởn nhơ học, cho đến năm cuối mới cuống cuồng trang bị kỹ năng, ngoại ngữ và dò tìm các thông tin việc làm…

Đại diện một doanh nghiệp khác dẫn chứng chính câu chuyện của bản thân, ông chỉ ra, thất bại đầu đời của ông chính là thiếu khả năng ngoại ngữ. Khi đi làm, va chạm với công việc, ông càng nhận ra mình chưa từng sử dụng đúng quỹ thời gian. Chính vì vậy, có nhiều thứ ông lại phải tiếp tục học ngay khi đã bước vào thực tiễn công việc. Qua đó, ông nhắn nhủ, các sinh viên cần tranh thủ trải nghiệm, có thể bắt đầu từ những vị trí công việc giản đơn nhất, ngay cả chấp nhận làm tình nguyện viên, làm việc không lương…

Đồng quan điểm, bà Thanh Nguyễn cũng cho rằng, để có kinh nghiệm, rất cần ứng dụng kiến thức. Trong trường hợp sinh viên không xin làm việc toàn thời gian ở công ty được do vướng lịch học, có thể tham gia vào làm các dự án hoặc cùng bạn bè học cách khởi nghiệp bằng những dự án riêng.

Bài, ảnh: M.Tâm

Bình luận (0)