Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vằn vện đến lớp sau nghỉ Tết

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những kiểu đầu vằn vện xanh đỏ, cua, dựng, bốc, nham nhở, một mất một còn… đang là thứ mốt của nhiều học sinh THPT ở Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết dài. Hiệu trưởng, giáo viên các trường THPT ở Hà Nội thực sự lo ngại xu hướng kỳ dị này của học trò.

Mái tóc kỳ dị của một học sinh. Ảnh: Vietnamnet.

Kỳ dị
Buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, học sinh lớp 12D…, trường THPT Phạm Hồng Thái không khỏi ngạc nhiên, tò mò với mái đầu kỳ dị của H. hai bên mái cạo trắng, từ gáy lên đến đỉnh đầu tóc chải dựng đứng lên nom như chiếc bờm ngựa. Sau hai ngày mới bị giám thị nhà trường phát hiện, H. mới vội vàng quay về với kiểu đầu gọn gàng truyền thống.
Hình ảnh học sinh ăn mặc kỳ dị như thế cũng diễn ra ở nhiều trường THPT ở Hà Nội. Nghỉ Tết là một dịp để nhiều học sinh thể hiện phong cách sành điệu, ăn diện. Số tiền đầu tư cho việc chưng diện này với nhiều em lên đến hàng triệu đồng. “Nhiều kiểu đầu buồn cười lắm: đầu dựng, đầu bốc, đầu nham nhở, đầu một mất một còn… Màu sắc thì vô cùng sinh động: màu vàng óng, màu rượu chát, màu trắng xoá… Không chỉ tóc, móng tay các em cũng sơn đủ màu đen, đỏ”- giáo viên một trường THPT nói.
Theo cán bộ quản lý các trường THPT, trong ngày đi học đầu tiên của năm mới, giáo viên chủ nhiệm, giám thị các trường thường lờ đi trước trang phục, đầu tóc dị hợm của các em. Đến ngày thứ hai, từng em sẽ được gọi lên để nhắc nhở trước lớp. Những hôm sau nữa, những em không chịu thay đổi sẽ được nhà trường sử dụng các biện pháp giáo dục thích hợp.
“Hôm 10 – 2, tôi vừa trực tiếp gọi hai học sinh lên yêu cầu ăn mặc, để đầu tóc phù hợp với nội quy của nhà trường. Nói chung nhà trường không sử dụng biện pháp kỷ luật nào cả, nhưng việc bị hiệu trưởng đích danh nhắc nhở đủ giúp các em hiểu mức độ nghiêm trọng của sự việc”, thầy Nguyễn Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng – Đoàn Kết, nói.
Trường THPT Trần Hưng Đạo – Thanh Xuân cũng nới lỏng yêu cầu điều chỉnh với các em đến hết tuần. “Hôm 11- 2, chúng tôi vừa đi rà soát một lượt rồi ra thông báo: thứ hai tuần tới em nào chưa thực hiện đúng quy định về trang phục, đầu tóc thì sẽ phải lao động vệ sinh sân trường”, một cán bộ quản lý trường này cho biết.
Gà gật trong lớp
Theo nhận xét của ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, sau kỳ nghỉ Tết năm nay các trường THPT ít gặp biến động về sĩ số, ngay cả những trường đóng ở khu vực nóng (nhiều lễ hội). Sở yêu cầu các trường phải tổ chức dạy học luôn ngay từ tiết học đầu tiên hôm thứ ba (mùng 6 Tết) vừa rồi.
Các trường cho biết, giáo viên và học sinh đều được quán triệt yêu cầu này, nhưng việc “lên dây cót” cho học sinh sau một kỳ nghỉ dài ngày không phải bỗng chốc có thể thực hiện được ngay. Giáo viên một trường THPT kể: “Tôi có dạy cho một trường THPT dân lập, thấy bên đó các em ngủ la liệt. Trường tôi (trường công lập – PV) thì đỡ hơn, nhưng mỗi lớp cũng có khoảng chục em vừa học vừa gà gật. Có em ngủ mệt đến nỗi tôi đến tận nơi lấy viên phấn ngoáy ngoáy nơi vành tai, cả lớp cười lăn lộn mà em ấy không thể nào mở mắt ra nổi”.
Việc nhiều học sinh ngủ gật hơn trong lớp sau kỳ nghỉ Tết (nhất là với học sinh học ca sáng) được các giáo viên xác định là trường hợp khá phổ biến. Tuy nhiên, quan điểm chung của các giáo viên là kiên nhẫn đợi đến lúc các em thích nghi được với hoạt động học tập của ngày thường.
“Trừ những em ngủ gật thường xuyên, còn lại đa số các em là do quán tính của những ngày nghỉ Tết. Những ngày đó các em thường thức rất khuya, sáng thì 9 – 10 giờ mới dậy. Do đó khi đi học, 6 giờ – 6 giờ 30 đã phải dậy rồi, các em không cưỡng lại được cơn buồn ngủ dù ngồi trong lớp học. Đành phải thông cảm với các em vì ghi sổ đầu bài, kỷ luật chẳng để làm gì! Thậm chí có trường hợp tôi để cho ngủ đẫy giấc mới gọi dậy. Điều quan trọng là mình trao đổi với phụ huynh để họ chăm sóc, kiểm soát được lịch sinh hoạt của con em họ tốt hơn”, cô giáo Như Hương, trường THPT Phạm Hồng Thái nói.
Trạng thái phấn chấn của học sinh sau một kỳ nghỉ kéo dài cũng ảnh hưởng tới nề nếp học tập trong các trường học. Có em ngồi trong lớp mải mê… đếm tiền mừng tuổi. Nhiều em gặp lại bạn học thì không thể phanh lại nhu cầu… buôn chuyện. Cá biệt, có trường hợp… mất hết sách vở. “Có em đi học chỉ mang theo độc một cuốn vở. Các thầy cô vẫn thấy em ghi ghi chép chép, đến khi kiểm tra thì hoá ra tất cả các môn em ấy ghi hết vào một cuốn vở. Hỏi đến sách vở em đâu thì ấp úng trả lời là để đâu tìm chưa ra!”, thầy Nguyễn Tùng Lâm, trường THPT Đinh Tiên Hoàng kể.
“Trường nào cũng vậy thôi, phải sau vài ba ngày đầu tiên nề nếp học tập mới ổn định. Tôi cho rằng việc đến lớp đầy đủ là một biểu hiện của sự cố gắng đó. Một khi người lớn vẫn mải mê đi chúc tụng, đi hội, đi lễ lạt, thậm chí có gia đình còn cáo ốm cho con để con bỏ học đi chơi với mình thì không thể yêu cầu quá cao ở các em được”, thầy Lâm nói.
Quý Hiên / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)