Mục đích của việc dạy môn ngữ văn trong nhà trường là nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về văn học cho học sinh. Từ đọc thông viết thạo đến đọc hay, hấp dẫn và viết trôi chảy, lôi cuốn… Nhưng trong thực tế việc dạy văn, chúng ta quá chú trọng về “văn viết”, tức văn thiên về kiểm tra cách viết, sử dụng từ ngữ, câu cú, kết cấu một bài văn. Văn viết được thể hiện trên trang giấy, nhiều khi không phải là kiến thức của học sinh mà là “chắp nhặt dông dài”; viết lại lời dạy, sự cảm thụ của người khác. Vì không chú trọng thỏa đáng với “văn nói” mà dẫn tới thực trạng nhiều người khi phát biểu, dù là một vấn đề đơn giản cũng phải cầm giấy đọc. Nhiều người trả lời phỏng vấn nói ngắc ngứ, không đủ từ ngữ để diễn đạt ý tưởng, suy nghĩ của mình. Muốn nói lưu loát, trôi chảy cần sự rèn luyện tích cực, có phương pháp cơ bản… Có người cho rằng “nói trôi chảy, nói hấp dẫn” là do năng khiếu. Điều đó chỉ đúng một phần; “khiếu nói” chỉ là một yếu tố chứ không quyết định tất cả.
Việc rèn luyện trong nhà trường thông qua những tiết văn nói vô cùng quan trọng. Ở đây, chương trình sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản về văn nói, về cách diễn đạt, cách lập ý và cả những cách xử lý tình huống ngoài dự kiến. Trước khi phát biểu, cần có dàn ý của bài nói. Đó là những ý chính, gạch đầu dòng. Ý lớn, ý quan trọng xếp lên đầu, cứ theo dàn ý để triển khai bài phát biểu theo tuần tự. Ý cuối cùng là kết luận, cần mang tính khái quát, nâng cao… Chúng ta chú trọng việc sử dụng văn viết nhưng thử hỏi trong thực tế hàng ngày, mọi người sử dụng “viết” hay “nói” nhiều hơn? Viết một lá đơn (xin phép nghỉ, xin việc…) thì đã có mẫu in sẵn, không thể làm khác được. Không ai nói viết một lá đơn hay, hấp dẫn vì đã có mẫu quy định. Bài viết ở lớp (văn viết) chẳng qua là ghi lại, nhớ lại, tái hiện lại những điều thầy cô giảng hoặc những ý tham khảo từ văn mẫu. Còn bài phát biểu (văn nói) phải linh hoạt, hướng tới đối tượng nào, nói như thế nào cho hay, cho lôi cuốn… Từ những suy nghĩ trên, cần nghiên cứu, xem xét thỏa đáng sự hài hòa giữa “văn nói” và “văn viết” trong bộ môn ngữ văn; bởi chúng ta hiện nay quá chú trọng, quá nghiêng về “văn viết” mà xem nhẹ “văn nói”. Bên cạnh học bài bản “văn nói”, cần có sự rèn luyện bền bỉ, kiên trì, đam mê mới có được thành công.
Lê Đức Đồng
Bình luận (0)