Kỳ thi THPT quốc gia 2016 được cho là vắng điểm 10 hơn các năm trước. Ở nhiều cụm thi, có khá nhiều điểm giỏi nhưng rất hiếm điểm 10, thậm chí có nhiều cụm thi không có điểm tuyệt đối. Nhưng nhìn chung, điểm phổ biến là từ 4-6. Điều này nên nhìn nhận như thế nào?
Thí sinh xem lại đề thi môn lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại điểm thi ĐH Sài Gòn. Ảnh: D.Bình |
Trước hết, về lý thuyết, kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, do đó cần có sự phân hóa cao, nhằm xác định đối tượng đủ điều kiện tốt nghiệp hoặc để trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Do đó, trong đề thi bao giờ cũng gồm một số câu hỏi ở mức trung bình và một ít câu thuộc dạng khó, có khả năng chọn lọc những thí sinh có sự chuẩn bị tốt hơn, có kiến thức vững, có tư duy tốt… Có thể thấy, mức độ khó của các câu hỏi “dành cho” việc tuyển sinh cũng như mức độ phân hóa ở đề thi năm nay có xu hướng cao hơn. Như vậy, tính chất của một kỳ thi “2 trong 1” có thể coi là đạt tích cực.
Mặt khác, điểm 10 giảm hơn các năm cũng nằm trong xu hướng điểm có thấp hơn các năm, số điểm liệt khá nhiều. Điều này có thể là kết quả của 2 nguyên nhân: thứ nhất, chất lượng thí sinh năm nay không thực sự tốt. Nếu điều này xảy ra, có thể coi là một sự cảnh báo cho các trường học nói riêng (đặc biệt là các trường THPT) và ngành giáo dục nói chung, cần có sự điều chỉnh để nâng cao chất lượng việc dạy và học. Thứ hai, đề thi năm nay khó hơn các năm trước. Thực tế cho thấy, ngay sau kỳ thi, đã có ý kiến cho rằng đề toán năm nay khó hơn. Việc đề thi khó hơn cũng là điều cần thiết để vừa tạo sự phân hóa cao vừa nâng chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ.
Điểm thấp đi cũng là biện pháp phòng chống bệnh thành tích trong giáo dục vốn khá nặng nề trong thời gian qua. |
Do đó, nhìn ở nhiều góc độ, việc vắng điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia cũng là điều tốt. Giảm điểm tuyệt đối cũng có thể giảm ảo tưởng về sức học của học sinh, về chất lượng giáo dục bậc trung học nói riêng và giáo dục phổ thông nói chung. Điểm thấp đi cũng là biện pháp phòng chống bệnh thành tích trong giáo dục vốn khá nặng nề trong thời gian qua. Đồng thời, giảm điểm thi có thể ít nhiều cảnh báo đầu vào của các trường ĐH, CĐ, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Trên thực tế, điều kiện giảng dạy và học tập cũng như sức học của học sinh ở các địa phương không giống nhau, nhất là giữa các đô thị lớn và các tỉnh vùng miền núi, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, việc sử dụng cùng một đề thi, nhất là các đề thi có nội dung vận dụng thực tiễn nhiều, có sự thoát khỏi sách giáo khoa, sẽ gây khó khăn đáng kể cho thí sinh ở địa phương vùng sâu, vùng xa. Dĩ nhiên, việc cộng điểm ưu tiên ở mức vừa phải là cần thiết nhưng nếu sự phân hóa trong đề thi quá lớn thì điểm ưu tiên có thể không bảo đảm những học sinh được cộng điểm có thể trúng tuyển. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần khảo sát kỹ vấn đề này để có một cấu trúc đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia thật sự phù hợp với nhiều đối tượng vùng miền, dân tộc… Trong đó, cần có một tỉ lệ hợp lý những câu hỏi bám sát sách giáo khoa và chương trình giảng dạy, bảo đảm thí sinh ở vùng thành thị hay nông thôn, ở miền Bắc hay miền Nam, ở vùng đồng bằng hay miền núi cũng có thể làm được, bên cạnh các câu hỏi mang tính gợi mở, đòi hỏi kiến thức thực tiễn hay những vấn đề thời sự.
Bản thân các trường THPT sau kỳ thi THPT quốc gia cần rà soát lại chất lượng đào tạo của mình qua việc xem điểm thi ở từng môn của học sinh trường mình như thế nào. Cần nghiên cứu kỹ với cấu trúc đề, dạng câu hỏi đó thì điểm số của học sinh trường mình ra sao, từ đó có biện pháp điều chỉnh phương pháp dạy và học, cũng như việc ra đề kiểm tra thường xuyên để học sinh có thể làm quen.
Trúc Giang
Bình luận (0)