Vàng mã tí hon lên ngôi
Năm hết Tết đến, nhiều gia đình đều sắm sửa vàng mã theo nếp cũ. Vàng mã phản ánh tiến trình lịch sử mỹ thuật, tư duy thẩm mỹ và nét tài hoa của nghệ nhân. Tuy nhiên, việc đốt vàng mã ẩn chứa hiểm họa khôn lường, dễ gây hỏa hoạn. Quá trình đốt vàng mã phát tán hạt bụi, kim loại nặng cùng các khí độc gây ô nhiễm môi trường không khí và làm tổn hại đến cơ quan hô hấp. Những năm gần đây, thay vì mua bộ vàng mã kích thước lớn, không ít gia đình tìm đến vàng mã mini (siêu tí hon).
Họa sĩ Yến Năng là người góp công sáng tạo, đưa vàng mã mini thành một nét văn hóa gần gũi với người tiêu dùng. Đồ mã tí hon được nghệ nhân Yến Năng bắt tay sản xuất từ năm 2019, đa dạng không kém loại vàng mã kích cỡ bình thường. Tiền vàng, áo tứ thân, áo dài giấy, ngựa giấy tối giản,… đủ loại màu sắc cho khách lựa chọn.
“Rất có thể ký ức tuổi thơ đẹp đẽ về con ngựa vàng mã trong một dịp cúng lễ nào đó là nguyên nhân sâu xa để tôi thiết kế vàng mã mini. Còn nguyên nhân trực tiếp rất thực tế. Khoảng sáu năm trước, bạn tôi là họa sĩ Lê Đức Hùng nghĩ ra ý tưởng thu nhỏ tất cả các loại vàng mã nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống nhưng lại giảm thiểu mọi nhược điểm như cồng kềnh, lãng phí, ô nhiễm, hỏa hoạn… Chính tính thiết thực và hữu ích của ý tưởng này thuyết phục tôi bắt tay vào thực hiện dự án vàng mã mini”, anh Yến Năng nói.
Anh khẳng định, đó cũng chính là lý do mà những năm gần đây, người dân càng ngày càng ưa chuộng vàng mã mini. Nó thuyết phục được người tiêu dùng, vẫn đầy đủ mọi thứ mà lại đơn giản, tiện lợi và văn minh hơn.
“Muốn được người tiêu dùng chấp nhận, người thực hiện phải rất chuyên nghiệp. Vàng mã là mặt hàng thuộc về tâm linh, với thói quen hàng trăm năm, khó khăn lớn hơn rất nhiều. Có thể nói đây là một thách thức. Sau gần hai năm đánh vật, chúng tôi đã thành công”, nghệ nhân kể.
Chuỗi sản xuất của anh hiện tại vận hành khá trơn tru, đi từ công đoạn hoàn thiện bản thiết kế trên máy tính, gửi đối tác in ấn, chuyển phôi giấy để làng nghề gia công và đóng gói, cuối cùng giao thành phẩm cho các đơn vị bán hàng.
Vàng mã mini được bán rôm rả qua hình thức trực tuyến, có cả trang web riêng cho khách ngắm nghía. Đồ được đóng gọn trong hộp nhỏ như cuốn sách, phân loại cụ thể tùy mục đích sử dụng như cúng giỗ ông bà, cúng tất niên, rằm tháng Giêng hay động thổ, nhập trạch,… Mỗi hộp là một lễ, giá cả hộp dao động từ 30 đến 110 nghìn đồng.
Đồ vàng mã tí hon được sản xuất theo quy trình chuyên nghiệp. Ảnh: NGUYỄN MẠNH HÀ
Khai thông bế tắc
Nghệ nhân Yến Năng chia sẻ, hai năm trở lại đây, quy trình cho ra sản phẩm tương đối hoàn thiện. Anh không trực tiếp tham gia khâu sản xuất và kinh doanh. Hàng đi từ nhà in, đến hộ gia đình gia công rồi đến thẳng các đơn vị bán lẻ theo quy trình linh hoạt nên khó thống kê được số lượng bán thực. Tuy nhiên, anh khẳng định, số lượng khách hàng tăng lên hằng năm, dễ nhận thấy vào dịp Tết Nguyên đán. “Có thể Tết Giáp Thìn 2024, tổng lượng bán ra lên đến vài chục nghìn bộ”, anh Yến Năng chia sẻ.
Trên thị trường, vàng mã truyền thống vẫn là chủ đạo, vàng mã mini tuy nhiều ưu điểm nhưng không có nhà đầu tư lớn phủ sóng thị trường, chỉ phát triển theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy vậy, không thể phủ nhận, vàng mã mini là một xu hướng mới, sẽ trở thành làn sóng thay thế vàng mã truyền thống trong tương lai gần.
Tất cả các sản phẩm vàng mã thu nhỏ đều được làm bằng giấy mỏng nhẹ, sạch, nói không với giấy bạc, không chặt tre. Người thợ chỉ tinh mắt và khéo tay là dễ dàng hoàn thành một bộ sản phẩm đạt chất lượng cao trong một giờ đồng hồ. |
“Năm nay kinh tế khó khăn, theo lẽ tự nhiên, mọi người chi tiêu tiết kiệm hơn. Có thể mọi năm người ta mua vàng mã, nhà lầu xe hơi to lớn rình rang, năm nay sẽ thay thế bằng vàng mã mini. Vẫn có đủ tất cả những thứ ấy, nhưng vàng mã mini nhỏ xíu và tiết kiệm hơn nhiều”, anh Năng bày tỏ. Với anh, vàng mã mini ra đời như một cách khai thông bước đầu bế tắc của một phong tục lâu đời.
TS. Hoàng Văn Chung (Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, đốt vàng mã là cách tỏ bày lòng biết ơn, kính ngưỡng đối với các vị thần thánh, những người có công, ông bà, tổ tiên. Việc chúng ta ứng xử với thế hệ đi trước cũng là một cách để giáo dục cho thế hệ sau ứng xử tốt đẹp lại với chúng ta. Lối sống biết tri ân, nhân nghĩa ấy góp phần xây dựng hành vi ứng xử tốt đẹp trong xã hội. Con người gửi gắm niềm tin rằng, thế lực tâm linh ấy sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn, đạt được sự thịnh vượng trong cuộc sống.
Tuy vậy, hiện nay, không ít trường hợp lạm dụng đồ mã với kích thước và số lượng lớn tại một số cơ sở thực hành tín ngưỡng bản địa như đền, phủ, miếu để phô trương, thu hút nhiều tín đồ đến chiêm bái, từ đó, dẫn đến sự ganh đua không đáng có giữa các cơ sở thờ tự.
“Đốt vàng mã với số lượng ít như một thói quen, một nét văn hóa thể hiện niềm tin, tình cảm với người đã khuất vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện tình trạng ganh đua đốt vàng mã với số lượng rất lớn, gây hiểu sai về niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng, lãng phí tài nguyên, không khí, ô nhiễm môi trường”, TS. Hoàng Văn Chung nói.
Sự xuất hiện của vàng mã mini trên thị trường cũng góp phần giảm thiểu đáng kể những mối nguy hại do quá trình đốt vàng mã gây ra. Vàng mã mini cũng là lựa chọn tương đối an toàn, trong bối cảnh việc cấm đốt vàng mã ở di tích, nơi công cộng chưa hoàn toàn triệt để. Người dân không dễ để từ bỏ thói quen lâu đời.
Theo Ngọc Ánh/TPO
Bình luận (0)