Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, năm học 2008 – 2009 sẽ chính thức bắt đầu. Thế nhưng những nhà sách lớn ở Hà Nội vẫn vắng người qua lại.
Vào những ngày này, Nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Nhà sách Tiền Phong – những địa chỉ vốn thu hút đông đảo các bậc phụ huynh mỗi khi vào năm học mới, vẫn thưa thớt người mua sách vở, đồ dùng học tập. Theo những nhân viên của nhà sách Nguyễn Văn Cừ, bằng thời gian này năm trước, các bậc phụ huynh cùng các em học sinh đã nhộn nhịp mua sắm. “Những ngày này năm trước, quầy thu ngân chúng tôi làm việc không ngớt tay. Nhưng năm nay vẫn thấy vắng vẻ”, một nhân viên quầy thu ngân nhà sách Nguyễn Văn Cừ (số 36 Xuân Thuỷ) cho biết.
Năm nay, lượng sách giáo khoa nhập về nhà sách Nguyễn Văn Cừ cũng chậm và ít hơn năm trước. Nguyên nhân chính là từ tháng 5 năm nay, ngay khi Nhà xuất bản Giáo Dục công bố tăng giá sách lên 10%, nhiều phụ huynh đã chuẩn bị trước sách giáo khoa cũng như những đồ dùng học tập cho con em mình vào năm học mới. Cho đến những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhiều người chỉ còn phải bổ sung cho con em mình những loại sách tham khảo.
Chị Phạm Thị Vinh (quê Hưng Yên) hiện đang làm nhân viên bưu điện tại Hà Nội, có con trai học lớp 10 – cho biết: “Sách giáo khoa tôi đã đi xin và mua gần đủ từ cuối năm học trước. Bây giờ tôi chỉ phải mua cho cháu một số sách tham khảo, đồ dùng học tập cũng dùng lại của năm cũ”. Tuy nhiên, chị Vinh vẫn lo lắng: “Giá cả tăng chóng mặt, không biết các khoản đóng góp đầu năm có tăng không?”
Sau khi sách giáo khoa mới tăng giá thì những bộ sách giáo khoa cũ, nhiều bộ vốn được bán lại theo giá giấy vụn (tính bằng kg) cũng tăng giá. Chủ một hiệu sách báo cũ ở đường Trần Quốc Hoàn rao giá bán một số bộ sách giáo khoa cũ với giá gần bằng giá tiền mua bộ sách mới trước đây. Họ lý giải là so với giá sách mới hiện hành thì đã giảm 20%. Khi chúng tôi hỏi mua một bộ sách giáo khoa cũ lớp 11 thì chị T (chủ hiệu sách số 60 Trần Quốc Hoàn) cho biết: “Nếu muốn mua phải hẹn trước và giá thì không giảm”.
Nguyễn Thị Thu Hà (TNO)
Bình luận (0)