Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Vắng như… “chùa Bà Đanh”

Tạp Chí Giáo Dục

Những ai có ý muốn vãn cảnh chùa chiền, chiêm bái nhưng ngại cảnh chen lấn, xô đẩy thì có thể viếng thăm chùa Bà Đanh, ngôi chùa mệnh danh là "đệ nhất vắng". Đặc biệt, cái không gian thanh tịnh càng trở lên u tịch khi du khách tới thăm vào lúc chiều muộn hoặc những ngày lất phất mưa bay của tiết trời đầu xuân xứ Bắc.

Chùa Bà Đanh, núi Ngọc là cụm di tích thắng cảnh quốc gia tại xã Ngọc Sơn, Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa có tên chữ là Bảo Sơn Tự, nằm bên tả ngạn sông Đáy. Theo người dân trong vùng, xa xưa, chùa có tên là chùa Bà làng Đanh (làng Đanh Xá nay thuộc xã Ngọc Sơn) nhưng không biết tự bao giờ, chùa được gọi tắt là chùa Bà Đanh.

Mặt trước tam quan hướng ra sông Đáy, hầu như quanh năm đóng cửa, khách vào chùa đi cổng phụ bên cạnh tam quan.

Vượt đoạn đường khoảng 15km từ thị trấn Đồng Văn, chúng tôi tới chùa vào lúc nhá nhem tối một ngày cuối đông, không gian vắng lặng càng trở lên u tịch trong tiết trời u tối, mờ ảo. Không gian vắng lặng, không khói nhang, cổng chính của ngôi chùa im lìm như bức tường gỗ chắn đường khách thập phương. Phía sau cánh cổng chính thường xuyên được đóng chặt là quần thể kiến trúc của ngôi chùa với hơn 40 gian nhà.

Khách thập phương cũng như người trong chùa, đi lại bằng cửa nhỏ phụ, sát cạnh cổng chính.

Chùa quay mặt ra hướng nam mạn sông Đáy. Phía ngoài cùng, giáp với đường đi và gần bờ sông là cổng chùa. Cổng có ba gian (tam quan), hai tầng. Tầng trên có hai lớp mái, lợp bằng ngói nam, xung quanh sàn gỗ hàng lan can và những chấn song con tiện, tầng này sử dụng làm gác chuông, ba gian dưới có cánh cửa bằng gỗ lim. Phía ngoài cửa, hai bên là hai cột đồng trụ được xây nhô hẳn ra. Cánh cửa tam quan gồm nhiều tấm gỗ lim ghép lại theo lối xưa gọi là cửa "bức bàn"; chính giữa có chạm hình 5 con dơi ngậm chữ thọ (ngũ phúc). Trên nóc tam quan có đắp một đôi rồng chầu mặt nguyệt bằng vôi cát và mảnh sứ, mang phong cách rồng thời Nguyễn.

Đáng chú ý nhất ở tam quan là đôi rồng đá và đôi hổ đá được bố trí dọc theo hai bên bậc lên xuống, theo thế đối xứng, chầu vào bái đường. Hai bên cổng chính là hai cổng nhỏ có tám mái, cửa phía trên lượn cong hình bán nguyệt. Chỉ khi nào nhà chùa có đại lễ thì cửa chính ở giữa mới được mở; ngày thường du khách thập phương sẽ vào chùa bằng lối cổng nhỏ.

Khuôn viên chùa bao gồm tổng thể các tòa nhà lên tới hơn 40 gian. Tuy nhiên, ngày thường, hầu hết các tòa nhà đều đóng cửa. Khuôn viên chùa có đủ các loại hoa, nhiều nhất là phong lan, cây và hoa đều mập nhưng tuyệt nhiên người tới đây chỉ lặng lẽ ngắm, lặng lẽ đi lại khiến không khí đã lặng càng thêm vắng.

Qua tam quan là khuôn viên gồm khu vườn hoa, sân lát gạch, hai dãy hành lang hai bên, bái đường, trung đường và thượng diện… Bái đường là nơi hành lễ thường ngày của chư tăng và phật tử; có 5 gian, lợp ngói nam. Trung đường có 5 gian hai đầu xây bít dốc, lợp ngói nam, cửa đức bàn nối liền với toà bái đường. Thượng diện có 3 gian, hai bên xây tường bao, phía trước là hệ thống cửa gỗ lim…

Theo lời của người giúp việc trong chùa, tại đây, tập trung toàn bộ nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc của ngôi chùa. Ngôi nhà rộng năm gian với khung gỗ lim. Trên nóc nhà của bái đường có hệ thống tượng đắp nổi theo đề tài “Tứ long chầu nguyệt”. Cả bốn con rồng, từ kiểu dáng thân hình uốn lượn, đến mắt, râu, vuốt, vây đều được các nghệ nhân xưa thể hiện như đang vờn nhau cùng bay lượn nhưng vẫn giữ được sự oai phong. Bởi tới chùa vào lúc chiều muộn, lại là ngày thường nên chúng tôi không có may mắn được chiêm ngưỡng những nét điêu khắc đặc biệt trong khu nhà bái đường.

Hai đầu nhà bái đường có hai cột trụ cao vút; trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh.

Liền với bái đường là hai dãy hành lang; phía hai đầu có hai cột trụ cao vút, sừng sững, uy nghi. Trên mỗi cột đều đắp nổi hình tứ linh: long, lân, quy, phượng theo thế đối xứng, gợi cảm giác hài hoà, cân đối, vững bền.

Điểm đặc biệt của chùa Bà Đanh so với các ngôi chùa khác, theo lời người giúp việc trong chùa, chính là chùa có pho tượng của tín ngưỡng địa phương là Pháp Vân (Phật bà Man Nương) đứng đầu tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Sự tích Pháp Vân được chép trong bản “Cổ châu tứ pháp ngọc phả” bằng chữ Hán do tiến sỹ Đỗ Huy Liệu soạn vào ngày 15 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (1918) hiện còn lưu giữ ở chùa.

Không biết từ bao giờ, người bốn phương đã quen thuộc với câu nói “vắng như chùa Bà Đanh”; nhưng việc vượt qua một triền đê, chạy qua con đường dưới chân núi lại không có được may mắn chiêm ngưỡng những nét chạm khắc đặc biệt trong lối kiến trúc chùa khiến chúng tôi tiếc nuối. Không thể ở lại qua đêm nơi thanh tịnh và u tịch (nửa vì sợ bởi chùa có tiếng là linh, nửa vì ngại bởi đã quá muộn để tính chuyện ở lại) chúng tôi tạm biệt chùa Bà Đanh để tiến về thành phố Phủ Lý tìm chỗ nghỉ đêm.

Cây đào tiên trong khuôn viên chùa sai trĩu quả.

Trên đường về, ba người trong nhóm chúng tôi mới dám nói với nhau về cảm giác rờn rợn khi lần đầu tiên chứng kiến một khung cảnh quá đỗi thanh vắng (không mùi hương khói, cũng không tiếng mõ, tiếng chuông). Việc cây bưởi bên cạnh cổng chùa dù rất sai nhưng những người trong chùa cũng như dân làng gần đó không ai dám hái; cây đào tiên, một loại cây rất ít quả và khó sống lại rất tốt và sai quả khi được trồng trong khuôn viên ngôi chùa khiến chúng tôi càng thấy cảm giác rất khác lạ ở nơi này. Vì sợ tiếng cười, tiếng bước chân phá vỡ cảnh thanh vắng nơi này nên ai tới thăm cũng cố đi thật nhẹ, cười thật khẽ, thậm chí cũng không dám thở mạnh khiến cảnh đã vắng, càng thêm vắng.

Nếu chưa từng tới chùa Bà Đanh, những ai muốn khám phá và thích vãn cảnh chùa, nên đến thăm một lần để thấy nó không giống như những nơi chùa khác mà chỉ khi tới tận nơi mới có thể cảm nhận hết. Du khách bốn phương cũng có thể tới chùa vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, ngày dân làng tổ chức lễ hội chùa. Lối đi dễ nhớ và cũng nhanh nhất để có thể tới chùa Bà Đanh là từ thị xã Phủ Lý, qua cầu Hồng Phú, theo đường 21, đến cây số 7, qua cầu Quế, đi thêm 2 cây số là đến chùa. Cũng có thể tới chùa từ thị trấn Đồng Văn nhưng đường đi ngoằn nghoèo, lại rất khó và không thể đi bằng ô tô tới tận chùa.

(TBKTSG Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)