Giá vàng thế giới sáng nay tiến sát mức 1.600USD/Oz đã khiến giá vàng trong nước nhảy vọt qua mức 39 triệu đồng/lượng – đánh dấu mức tăng kỉ lục của lịch sử giá vàng trong nước.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn cập nhật lúc 10 giờ 45 có giá mua vào 38,98 triệu đồng/lượng, bán ra 39,04 triệu đồng/lượng. Trước đó, thời điểm lúc 09 giờ 12, công ty niêm yết giá giao dịch là 39,0 – 39,07 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng hiệu Phượng Hoàng PNJ-DAB của công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận lúc 10 giờ 40 mua vào 38,95 triệu đồng/lượng, bán ra 39,05 triệu đồng/lượng. Trong lần điều chỉnh giá thứ năm, hệ thống Sacobank nâng giá vàng miếng SBJ lên 38,97 – 39,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại Hà Nội, vàng miếng hiệu Rồng Thăng Long của công ty Bảo Tín Minh Châu lúc 10 giờ 45 mua vào 38,91 triệu đồng/lượng, bán ra 39,02 triệu đồng/lượng. So với cùng thời điểm hôm qua, giá vàng trong nước đã tăng hơn 500.000 đồng/lượng, đồng thời tăng khoảng 400.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa cuối ngày 13-7.
Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do ngân hàng nhà nước công bố là 20.608. Tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại là 20.550 – 20.610 (mua – bán).
Thị trường vàng thế giới lại lên cơn sốt, với giá vàng giao ngay giao dịch tại thị trường châu Á sáng ngày 14-7 chạm mức kỉ lục mới 1.590USD/Oz, sau khi hàng loạt các nền kinh tế lớn từ Mỹ đến châu Âu đang bị ảnh hưởng xấu bởi tình trạng nợ xấu kéo dài, khiến giới đầu tư lo ngại, đẩy mạnh chuyển vốn sang vàng.
Diễn biến kinh tế toàn cầu hai ngày qua khá căng thẳng. Tại Mỹ, khi biên bản cuộc họp định kỳ của Ủy ban thị trường Mở liên bang Hoa Kỳ (FOMC) chính thức được công bố, đại diện Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), chủ tịch Ben Bernanke cho biết sẵn sàng cân nhắc một chương trình “nới lỏng số lượng thứ ba” nếu lạm phát trong nước giảm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao.
Điều này có nghĩa là khả năng một lượng tiền lớn sẽ lại được bơm vào hệ thống tài chính Mỹ, để lèo lái con tàu kinh tế Mỹ phục hồi, nhưng đồng thời sẽ khiến đồng USD ngày càng mất giá và đẩy tỷ lệ lạm phát leo thang.
Tại châu Âu, ngay sau khi Ý, Bồ Đào Nha và Ireland bị tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody hạ hạn mức đầu tư, thì quốc gia mới nhận được gói giải cứu tài chính là Hy Lạp, lại rơi vào diện cảnh báo vỡ nợ, sau khi một tổ chức xếp hạng tín dụng tên tuổi khác là Fitch Ratings hạ hạn mức tín nhiệm của nước này xuống mức thấp nhất: CCC. Lý do mà Fitch Ratings đưa ra là họ không đánh giá cao vai trò của các công ty, tập đoàn cho vay tư nhân trong nỗ lực cam kết hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp.
Những thông tin xấu như một đòn giáng mạnh lên đà phục hồi yếu ớt của thị trường. Trên mặ trận tiền tệ, đồng euro ổn định trở lại và phục hồi nhẹ, trong khi USD bị bán tháo. Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Á sáng ngày 14-7, USD tiếp tục hạ ngày thứ hai so với đồng euro, đồng thời giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng so với yen Nhật, đưa tỷ giá EUR/USD tăng từ 1,4167 lên 1,4231.
Đồng bạc xanh suy yếu đã hỗ trợ các loại hàng hóa tăng mạnh, đặc biệt là vàng và dầu thô. Chốt phiên giao dịch đêm 13-7 tại New York (Mỹ), vàng giao sau tháng tám tăng 22,50USD lên 1.584,80USD/Oz, vàng giao ngay tăng 17,20USD lên 1.585USD/Oz. Đà tăng của kim loại quý vẫn được tiếp tục củng cố và nó đã tiến sát mức 1.600USD/Oz trong phiên giao dịch tại châu Á (sáng 14-7). Riêng dầu thô ngọt, nhẹ giao sau tháng tám tăng lên 97,90USD/thùng.
James Moore, chuyên gia phân tích tại FastMarkets.com nhận định “biên độ tăng của vàng dường như không có giới hạn, do giới đầu tư vẫn đang tìm kiếm kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh nợ công tại nhiều quốc gia diễn biến phức tạp, đặc biệt là sau khi Dịch vụ xếp hạng tín nhiệm Moody hạ hạn mức tín nhiệm của Ireland và ngày 2-8 tới đây là thời hạn cuối cùng để nâng trần nợ của Mỹ”.
Theo Thúy Yên
Tiền Phong
Bình luận (0)