Theo Bloomberg, trong phiên giao dịch vào ngày 13-1 tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao tháng 2 của Mỹ đã chạm mức đáy mới khi tiếp tục giảm 3,3%, xuống mức 44,52 USD/ thùng.
Có thể xuống mức 40 USD/thùng
Đây là lần sụt giảm kỷ lục của giá dầu trong 6 năm trở lại đây. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 2 cũng giảm 4,15%, ở mức 45,46 USD/ thùng. Trái ngược với giá dầu là giá vàng lại có mức tăng cao. Giá vàng giao ngay có thời điểm vọt lên 1.235,90 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 10-12-2014. Còn giá vàng giao tháng 2-2015 tăng 1,4% lên 1.232,80 USD/ounce.
Những biến động mới trên thị trường dầu mỏ đã diễn ra ngay sau khi Goldman Sachs mạnh tay hạ mức giá dự báo rằng giá dầu thế giới có thể giảm xuống còn 40 USD/thùng nửa đầu năm nay, để kiềm chế hoạt động khai thác dầu đá phiến, giúp thị trường sớm cân bằng trở lại. Việc dự trữ dầu dư thừa và khả năng tăng cường sản lượng khai thác có thể khiến tình trạng dư cung trên thị trường dầu thế giới kéo dài hơn so với trong quá khứ.
Đổ xăng tại một trạm xăng ở Miami, Mỹ
Bất chấp lời kêu gọi của Venezuela yêu cầu các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) lên kế hoạch thúc giá dầu quay đầu trở lại, đại diện của Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Kuwait đã nhấn mạnh OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng để chặn đà giảm của giá dầu. Theo các chuyên gia từ Barclays và Commerzbank AG, OPEC đang dần đạt được mục đích là đẩy giá dầu tiếp tục đi xuống và cuối cùng là buộc các công ty khoan dầu đá phiến của Mỹ phải cắt giảm sản lượng. OPEC sẽ không thay đổi quyết định giữ nguyên sản lượng của mình ngay cả khi giá dầu giảm xuống mức 20 USD vì lo ngại dầu đá phiến của Mỹ sẽ nhân cơ hội vươn lên chiếm lĩnh thị trường bất chấp tình trạng dư cung trên thế giới.
Thực tế đã cho thấy một số nhà khai thác dầu đá phiến cỡ nhỏ của Mỹ đã phá sản trong bối cảnh mức giá thế giới của món “vàng đen” giảm cực mạnh. Ngày 9-1 vừa qua, công ty đầu tiên chuyên khai thác dầu mỏ đá phiến và khí đốt ở Mỹ là WBH Energy đã tuyên bố phá sản.
Lo ngại kinh tế toàn cầu
Theo các nhà kinh tế, nếu dầu thô vẫn ở dưới mức 60 USD/thùng trong quý này, lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 1,5% kể từ khi suy thoái kinh tế toàn cầu kết thúc vào năm 2009. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) có thể sẽ chứng kiến giảm phát, trong khi mức lạm phát tại Anh, Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ thấp hơn khoảng 0,5%. Mặc dù nhiên liệu rẻ hơn có thể kích thích nền kinh tế toàn cầu, nhưng theo các nhà phân tích của Citigroup Inc cho biết, nó cũng có thể làm trầm trọng và căng thẳng tình hình chính trị ở một số quốc gia bằng cách siết chặt ngân sách chính phủ và phúc lợi xã hội.
Ông Anatoly Aksakov, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Nga đã cảnh báo nguy cơ về làn sóng phá sản sắp diễn ra tại Nga khi các công ty nước này đang cạn tiền. Ông Aksakov thúc giục giảm lãi suất tháng này xuống 15% so với mức 17% hiện tại. Lý do là lãi suất cơ bản 17% cũng đồng nghĩa với việc nhiều công ty đang phải đi vay với mức lãi 30%. Năm nay, dự kiến, nền kinh tế Nga dự kiến sẽ thu hẹp hơn so với mức 4,7% trong năm ngoái nếu giá dầu tiếp tục giảm mạnh. Con số thiệt hại khoảng 100 tỷ USD mỗi năm do giá dầu giảm mới chỉ là ước tính ban đầu, bởi doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 50% ngân sách của Nga. Đó còn chưa kể tới tình trạng thất thoát vốn ra nước ngoài.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ giờ đây được đánh giá đã giành lại được vị thế vốn có là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 2014 là năm đầu tiên kể từ năm 1999 tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ không bị xếp sau tốc độ phát triển chung của kinh tế toàn cầu, dự kiến tăng trưởng ở mức 3,2%.
THANH HẰNG tổng hợp
(SGGP)
Bình luận (0)