Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vào đại học là thành danh?

Tạp Chí Giáo Dục

Hãy xác định đúng những mục đích của mình để thực hiện và rèn luyện đúng đắn (ảnh mang tính minh họa)
Được đặt chân vào một ngôi trường đại học (ĐH) là niềm mong ước của tất cả học sinh sau 12 năm học tập. Tuy nhiên, có không ít học sinh luôn ảo tưởng vị thế của hai từ “sinh viên (SV)” với suy nghĩ đơn giản: Vào ĐH là sẽ thành danh mà không tập trung vào việc học kiến thức và rèn luyện kỹ năng để rồi kéo theo những hệ lụy không nhỏ khi ra trường.
Chia sẻ vấn đề này, bà Tô Nhi A – Giảng viên tâm lý, Trường CĐ Sư phạm TW TP.HCM – nói: “Đậu vào ĐH chưa phải là điểm dừng cuối cùng và cũng không có gì chắc chắn hay chứng minh rằng: Bạn thực sự tài giỏi. Kết quả đậu ĐH cũng không thể cho ta điều kiện để vạch ra các kế hoạch: Có thể tốt nghiệp sau bốn năm; ĐH là khoảng thời gian chuẩn bị cho một nghề nghiệp hay có tấm bằng trong tay là có được việc làm ổn định… Bởi trên thực tế, kiến thức ở trường chỉ là nền tảng cơ bản và là hành trang cho việc khởi đầu hành trình theo nghề”.
Trong môi trường ĐH đòi hỏi SV phải thực sự thể hiện được tinh thần tự giác học tập, lĩnh hội kiến thức và tu dưỡng bản thân. Điều khác biệt đầu tiên mà các bạn SV phải nhận ra và tìm cách thích nghi đó chính là phương pháp học tập. SV phải biết các kỹ năng quản lý thời gian, lập kế hoạch, làm việc nhóm, giao tiếp… Đây cũng là các kỹ năng yêu cầu khi SV ra trường phải đạt được. Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao các kỹ năng mà SV rèn luyện hơn là thành tích ghi trên tấm bằng. Để có được các kỹ năng này, đòi hỏi chính người học phải lên kế hoạch cho các hoạt động trong học tập và tự bám sát chương trình, bởi sự giám sát của thầy cô trong môi trường ĐH không còn sát sao như bậc phổ thông.
Cũng xuất phát từ vấn đề này, ông Phạm Tấn Hạ – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH – NV TP.HCM – cho biết hàng năm, tỉ lệ SV không được tốt nghiệp ĐH còn rất nhiều (năm 2010, tỉ lệ SV đậu tốt nghiệp đạt 69,3%, một số ngành có tỉ lệ đậu trên 80% là quan hệ quốc tế, báo chí, ngôn ngữ học…). Số sinh viên bị rớt lại vì những lí do rất khác nhau như: chọn chuyên ngành không phù hợp với năng lực, do quá trình rèn luyện chưa đạt yêu cầu… Song, yêu cầu đối với bất kỳ SV nào khi đặt chân vào giảng đường là phải có những kế hoạch học tập, rèn luyện các kỹ năng một cách cụ thể, đầy đủ, đạt được điểm số đủ yêu cầu của nội quy nhà trường. Những kế hoạch này nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cơ bản khi SV ra trường, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Chia sẻ thêm về việc xác định nghề nghiệp cũng như thực hiện việc rèn luyện, bà Tô Nhi A đã nhấn mạnh đến vai trò của phụ huynh. “Những năm học ĐH là quá muộn để bắt đầu chuẩn bị cho tương lai. Cha mẹ nên khuyến khích con cái khám phá niềm đam mê của mình càng sớm càng tốt. Một môi trường gia đình thuận lợi sẽ thúc đẩy trí tuệ và sự ham hiểu biết. Cha mẹ phải hiểu được vai trò quan trọng của mình với tư cách người giám hộ và cố vấn cho con cái trong quá trình học ĐH và xa hơn thế, để đảm bảo thành công trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay”, bà Tô Nhi A nói.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)