Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vào ĐH bằng đường liên thông

Tạp Chí Giáo Dục

Các em học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức năm 2012

Học lực trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn… nhiều học sinh buộc phải đi đường vòng vào ĐH.
Hiện TP.HCM có rất nhiều trường đào tạo liên thông đạt chất lượng, vì thế tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm ổn định tương đối cao.
Nhiều cơ hội cho học sinh trung bình
Trong các buổi tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức trước đây, rất nhiều học sinh băn khoăn “các em có học lực trung bình liệu có thành công trong cuộc đời hay không?, nếu không đỗ ĐH thì phải làm gì để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội?”. Một học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm phân vân: “Học lực của em chỉ ở mức trung bình nhưng gia đình kỳ vọng vào em rất cao. Em không biết làm thế nào để có được tấm bằng ĐH, đáp ứng được sự kỳ vọng của gia đình cũng như bản thân, dù học lực của em chưa tốt?”.
Đối với những trường hợp này, TS. tâm lý Vũ Gia Hiền, chia sẻ: “Nếu không đỗ ĐH, các em học sinh cứ yên tâm vì vẫn còn hàng ngàn cơ hội mở ra trước mắt, chỉ cần các em quyết tâm là sẽ thành công. Đậu ĐH là mơ ước của hàng triệu học sinh nhưng không phải ai cũng làm được. Vì vậy, nếu không đỗ ĐH các em có thể tìm nhiều hướng đi khác như ôn thi lại hoặc học trung cấp rồi học liên thông lên CĐ và ĐH. Để lấy được tấm bằng ĐH khi học liên thông, các em sẽ trải qua quãng thời gian dài hơn khi học chính quy, phải đi đường vòng nhưng con đường này không quá khó nếu mình chăm chỉ. Hơn nữa, nhiều trường đào tạo liên thông vào buổi tối nên các em có thể vừa học vừa làm để trang trải chi phí cho cuộc sống”.
Nhiều học sinh biết rằng có thể lấy được tấm bằng cử nhân, kỹ sư bằng cách học liên thông nhưng lo ngại vì tấm bằng liên thông sẽ khác chính quy và khi học liên thông chắc chắn sẽ khó xin việc hơn. Nguyễn Hải Anh, học sinh Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, thắc mắc: “Bằng liên thông sẽ khác với bằng ĐH chính quy như thế nào? Nếu em chọn con đường liên thông thì phải phấn đấu ra sao để các nhà tuyển dụng chú ý”. Hay một em học sinh khác chia sẻ: “Em nghe nói học liên thông mất nhiều thời gian mà ra trường vẫn khó xin được việc làm. Xin cho biết là nguyên nhân vì sao?”.
“Bằng CĐ hay ĐH liên thông không có gì khác so với bằng cấp của sinh viên theo học hệ chính quy. Nếu có khác thì nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra năng lực, tay nghề và kỹ năng của sinh viên như thế nào thôi. Vì vậy, khi học liên thông, ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành thực tế, các em cần trang bị cho mình vốn ngoại ngữ tốt, cộng với trau dồi các kỹ năng trong cuộc sống…”, ThS. Đoàn Anh Tú, Chuyên viên tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Tài chính Marketing cho biết.
Thành công từ việc học liên thông
Trường CĐ Kinh tế TP.HCM có kinh nghiệm đào tạo liên thông từ 5 năm nay, hàng ngàn sinh viên ra trường đã có việc làm ổn định. Thầy Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế TP.HCM cho biết: “5 năm nay trường đều tuyển hệ liên thông từ trung cấp lên CĐ dành cho tất cả các đối tượng nếu xét hồ sơ đúng yêu cầu chứ không chỉ tuyển sinh viên của trường. Các em đều trải qua kỳ thi tuyển do trường tổ chức rất chặt chẽ và công bằng. Khi học liên thông, các em đều được hưởng các chế độ chính sách miễn, giảm học phí do chính quyền địa phương trả như sinh viên hệ chính quy”.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định: Học viên học TCCN, sau đó liên thông lên hệ CĐ và ĐH đều được hưởng các chính sách miễn, giảm học phí chung của Nhà nước. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể ở TP.HCM còn có nhiều chính sách khác để khuyến khích học sinh đi vào con đường TCCN”.
Tuy nhiên, vấn đề xin việc làm sau khi tốt nghiệp CĐ, ĐH bằng con đường liên thông vẫn là điều lo ngại nhất của học sinh. Về vấn đề này, thầy Nguyễn Phước Hải chia sẻ: “Hầu hết sinh viên học xong CĐ của trường đều thi liên thông lên ĐH. Một số em xin việc làm luôn, theo tìm hiểu của chúng tôi thì các em đều có việc làm ổn định, thu nhập khá cao”.
Cách đây hơn một năm, anh Nguyễn Thành Danh (Q.7) tốt nghiệp Khoa Cơ khí chế tạo theo chương trình đào tạo liên thông do ĐH Bách khoa TP.HCM mở. Hiện anh là kỹ sư chuyên về đảm bảo chất lượng và sản phẩm cho Công ty Khuôn mẫu và sản phẩm kim loại Vina (Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7). Anh Danh kể: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi học Trung cấp Kỹ thuật Cao Thắng (tốt nghiệp 2005). Sau đó tôi đi làm một thời gian rồi đăng ký thi tiếp vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ban ngày tôi vẫn đi làm bình thường, còn buổi tối thì cắp sách đến trường học. Vừa học vừa làm rất mệt nhưng cuối cùng tôi đã lấy được tấm bằng kỹ sư và đã được công ty bố trí vào một vị trí khá ổn định”.
Bài, ảnh: Minh CHâu
“Để lấy được tấm bằng ĐH khi học liên thông, các em sẽ trải qua quãng thời gian dài hơn khi học chính quy, phải đi đường vòng nhưng con đường này không quá khó nếu mình chăm chỉ” – TS. Vũ Gia Hiền.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)