Singapore là quốc gia láng giềng với Việt Nam, có nền giáo dục được xếp vào hàng tiên tiến trên thế giới. Khi du học Singapore, người học được hưởng thụ nền giáo dục ưu việt nhưng chi phí lại thấp hơn so với du học ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh khác. Vì vậy, đây là lựa chọn được nhiều phụ huynh tin tưởng cho con em.
Học sinh tìm hiểu thông tin du học tại một ngày hội tổ chức ở TP.HCM (ảnh minh họa). Ảnh: N.Thanh
Có nhiều năm công tác và làm việc trong lĩnh vực du học tại Singapore, ông Lê Công Bình (Giám đốc Công ty du học Gopal Edu) cho biết Singapore là đảo quốc có nền giáo dục rất thịnh. Chi phí học tập tại đây không quá cao so với những quốc gia nói tiếng Anh. Với hướng đi du học bậc THPT thì người học có thể lựa chọn chương trình Dự bị ĐH. “Đây là quốc gia duy nhất cho phép chương trình Dự bị ĐH cho người học mới tốt nghiệp THCS. Tức là chỉ cần hoàn thành xong chương trình THCS, người học có thể lựa chọn học Dự bị ĐH trong thời gian 8 tháng. Kết thúc 8 tháng học, người học sẽ được chuyển lên bậc ĐH”, ông Bình cho biết.
Theo lộ trình học chương trình Dự bị ĐH, 19 tuổi người học đã có thể tốt nghiệp ĐH. Tuy nhiên, theo ông Bình, với nhiều điểm ưu việt như thế nên chương trình này đòi hỏi rất khắt khe với người học. “Yêu cầu đầu vào của chương trình này không cao, chỉ cần người học tốt nghiệp THCS. Trong vòng 1 năm đầu, người học sẽ được tập trung đào tạo tiếng Anh sao cho thuần thục các kỹ năng, ngôn ngữ. Kết thúc 1 năm này, nếu tiếng Anh không đạt yêu cầu người học sẽ không thể tiếp tục theo học và buộc phải về nước”, ông Bình nhấn mạnh.
Về chương trình chuyển tiếp từ Dự bị ĐH lên ĐH, ông Bình cho hay chương trình học ĐH sẽ kéo dài 3 năm. Trong thời gian này người học có thể lựa chọn học 1 năm ở Singapore và 2 năm chuyển tiếp sang quốc gia khác như Úc. Sau khi tốt nghiệp sẽ nhận bằng của quốc gia này.
Với chương trình Dự bị ĐH, ông Bình lưu ý đây là khóa học dành cho người du học tự túc chưa đủ khả năng để vào học các chuyên ngành chính trong chương trình ĐH. Khi tốt nghiệp chương trình dự bị ĐH, người học sẽ đăng ký theo học ngành mà mình đã định hướng khi học dự bị. Vì vậy người học cần phải cân nhắc kỹ để đưa ra lựa chọn ngành đúng với khả năng và niềm yêu thích ngay từ ban đầu. Đồng thời người học cũng cần phải phân biệt các khóa học dự bị vào trường tư và dự bị để thi vào trường công lập. Bởi nếu bạn đăng ký học 1 khóa Dự bị ĐH tại trường tư thì chứng chỉ nhận được sẽ không có khả năng để xét vào các trường ĐH công lập ở Singapore. Muốn xét vào ĐH công lập tại Singapore, người học vẫn phải thi và xét điểm như học sinh nước này.
Một lưu ý nữa, theo ông Bình, các khóa học Dự bị ĐH chỉ thường cho phép người học vào một số trường ĐH nhất định, với các khóa học khác nhau. Do đó người học cũng cần phải kiểm tra, tìm hiểu thật kỹ về thông tin các trường ĐH nào, khóa học nào chấp nhận chương trình dự bị ĐH để đăng ký cho phù hợp. “Lựa chọn học Dự bị ĐH sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, giúp bạn sớm có thời gian thích nghi với tiếng Anh và môi trường ở Singapore. Nhưng người học cũng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ”, ông Bình nói.
Một hướng đi khác khi du học bậc THPT tại Singapore, theo ông Bình, đó là người học có thể tìm hiểu các trường THPT công lập. Thế nhưng hệ thống trường công lập tại Singapore rất kén chọn đầu vào và không phải trường nào cũng có nhu cầu “tuyển du học sinh quốc tế”. Do đó khi lựa chọn trường công lập, người học phải có bảng điểm tốt, yêu cầu tiếng Anh cao và thi đầu vào. Ngược lại, theo ông Bình, những trường THPT tư ở Singapore lại rất chào đón du học sinh quốc tế. Với lựa chọn này, ông Bình lưu ý người học nên căn cứ vào nhãn hiệu Edu Trust của trường để đăng ký học. Edu Trust là nhãn hiệu mà Bộ Giáo dục Singapore công nhận các trường đủ năng lực tuyển sinh du học sinh quốc tế. “Dù lựa chọn chương trình học nào thì người học cũng cần phải có một nền tảng tiếng Anh nhất định. Du học sớm tại Singapore không yêu cầu người bảo lãnh, vì vậy người học phải có khả năng tự lập cao. Phụ huynh và học sinh cần tham khảo và cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn chương trình du học”, ông Bình khuyên.
Long Quân
Bình luận (0)