Từ thời điểm này, học sinh lớp 12 đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH thông qua phương thức xét học bạ sớm. Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế của phương thức xét tuyển này, các em học sinh cần cân nhắc, tìm hiểu thật kỹ thông tin.
Theo các chuyên gia, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, học sinh cần lưu ý thật kỹ về đề án tuyển sinh của từng trường để gia tăng khả năng trúng tuyển
Hàng loạt trường đã “mở cổng”
Ngay sau khi có kết quả học tập của học kỳ I, Nguyễn Phương Nghi (học sinh lớp 12 Trường THPT Long Trường, TP.Thủ Đức) đã chuẩn bị 10 bộ hồ sơ xét tuyển ĐH bằng phương thức xét học bạ để nộp cho các trường ĐH. Các ngành mà Phương Nghi chọn để đăng ký là kinh tế, marketing. Có trường Phương Nghi nộp đến 2 bộ hồ sơ để xét tuyển vào 2 ngành khác nhau.
“Sức học của em không được tốt như các bạn, vì vậy em tận dụng phương thức xét tuyển học bạ để xét tuyển vào một số trường ĐH, với mong muốn có thể trúng tuyển vào các ngành mà em có nguyện vọng theo học. Phương thức này được thông báo kết quả sớm, lúc đó em cũng sẽ bớt áp lực hơn để có thể tập trung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì phải lo lắng thêm cho việc vào ĐH”, Phương Nghi chia sẻ.
Tương tự, dù là học sinh có học lực giỏi song Tuấn Kiệt (học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, Q.1) vẫn lựa chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ để xét tuyển sớm vào ĐH ở ngành công nghệ thông tin. Tuấn Kiệt cho biết phương thức xét tuyển bằng học bạ giúp gia tăng thêm cơ hội trúng tuyển vào ĐH cho mọi học sinh. “Với những bạn có sức học giỏi, phương thức này sẽ tăng lợi thế hơn do học bạ có điểm đẹp hơn…”, Tuấn Kiệt nói.
Tính đến thời điểm này, hàng loạt trường ĐH đã công bố phương thức xét tuyển sớm thông qua phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ (bao gồm học kỳ I, II lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12). Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM xét tuyển bằng phương thức học bạ đợt đầu tiên đến ngày 31-3. Trong khi đó, từ ngày 6-1, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã mở cổng đăng ký xét học bạ đợt 1 cho 36 ngành đào tạo. Học sinh có thể lựa chọn xét 3 học kỳ hoặc tổ hợp điểm 3 môn lớp 12 với tổng điểm từ 18 trở lên. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng mở cổng nhận hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ từ ngày 1-4 với các trường THPT có ký kết hợp tác với trường, học sinh các trường THPT còn lại bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày 20-5 bằng phương thức xét tuyển học bạ của 6 học kỳ (bao gồm cả học kỳ II lớp 12). Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển học bạ đợt đầu tiên kể từ ngày 20-1 đến hết ngày 30-4 cho hơn 18 ngành đào tạo tại trường. Tương tự, Trường ĐH Gia Định cũng đã mở cổng xét tuyển học bạ THPT để học sinh có thể ứng tuyển. Năm nay, trường này dự kiến tuyển hơn 2.000 sinh viên, dự kiến dành 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ. Học sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên có thể tham gia xét tuyển…
Học sinh cần lưu ý điều gì?
Thầy Võ Thanh Toàn (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức, TP.Thủ Đức) cho hay, theo thống kê, mỗi năm có tới gần 100% học sinh lớp 12 của trường sử dụng phương thức xét tuyển vào ĐH bằng học bạ. Trong đó có nhiều em cùng lúc nộp hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường ĐH khác nhau bằng phương thức này. Mọi năm, khi chưa thi tốt nghiệp THPT nhưng nhiều học sinh nhận được thông báo của trường ĐH là đã… trúng tuyển vào trường.
Hiện nay nhiều học sinh lớp 12 lựa chọn phương thức xét tuyển bằng học bạ để xét tuyển sớm vào ĐH
“Việc các trường ĐH đa dạng phương thức tuyển sinh đã giúp học sinh có thêm nhiều cơ hội để vào ĐH, theo học những ngành mà các em yêu thích. Vài năm nay, ngày càng có nhiều trường ĐH sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ làm phương thức xét tuyển ĐH, vì vậy càng mở rộng thêm cơ hội cho học sinh. Tùy theo năng lực học tập cũng như định hướng nghề nghiệp mà các em chọn phương thức xét học bạ ở các trường phù hợp”, thầy Toàn thông tin.
Dù vậy, thầy Toàn khuyên rằng, khi lựa chọn phương thức xét tuyển ĐH bằng học bạ, học sinh cần tìm hiểu kỹ về đề án tuyển sinh của các trường. Lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực học tập, điều kiện kinh tế gia đình và định hướng nghề nghiệp. Tránh chọn theo bạn bè hoặc chọn theo tâm lý “phòng hờ” vì sẽ gây tốn kém mà lại không cần thiết.
“Bây giờ khi lựa chọn ngành học, trường học xét tuyển bằng phương thức học bạ thì các em vẫn phải chờ đến khi có điểm thi tốt nghiệp THPT và sắp xếp tất cả các nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT theo thứ tự ưu tiên nhất. Vì vậy, học sinh cần cân nhắc thật kỹ khi nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức học bạ để có thể tận dụng hiệu quả nhất phương thức này”, thầy Toàn phân tích.
TS. Lê Thị Thanh Mai (nguyên Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) chia sẻ, trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2024, phương thức xét tuyển bằng học bạ vẫn được nhiều trường ĐH sử dụng là một trong các phương thức xét tuyển chính. Tuy nhiên, để “sàng lọc” chọn được học sinh phù hợp với ngành học, năm nay nhiều trường có thêm các tiêu chí riêng trong phương thức này. Để có thể tăng sức cạnh tranh, tận dụng được phương thức xét tuyển học bạ một cách triệt để nhất, gia tăng cơ hội vào ĐH, đặc biệt với các ngành học, trường học có sức hút thì các em cần phải tìm hiểu thật kỹ đề án tuyển sinh của trường trước khi đăng ký xét tuyển. Không nên nộp theo xu hướng đám đông, bạn bè…
Bài, ảnh: Thành Nam
Bình luận (0)