Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vào đời từ điểm tựa chính mình

Tạp Chí Giáo Dục

Những nhận xét của một nhà tư vấn rút ra từ một hội thảo về định hướng tương lai của những người trẻ.
Chọn đúng nghề sẽ quyết định sự thành công trong nghề nghiệp. Trong ảnh: kỹ sư nông nghiệp Phạm Thu Dung, Viện Lúa đồng băng sông Cửu Long, quan sát mẫu tái sinh cây xanh – Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Thực trạng “gà công nghiệp”
Những số liệu khảo sát sau đây càng làm nóng thêm mối lo ngại của xã hội và làm giật mình những nhà quản lý giáo dục VN ở mọi cấp:
* Hơn 80% giới trẻ ở VN có ước mơ nghề nghiệp nhưng không đủ tự tin nên họ chẳng dám quyết tâm theo đuổi để lập nghiệp.
* Hơn 83% HSSV cho biết dự định tương lai của mình chỉ là học giỏi những môn phải thi, cốt để trúng tuyển.
* Hơn 72% HSSV cảm thấy khó khăn và rất lúng túng trong các kỹ năng mềm, như giao tiếp ứng xử, suy nghĩ tập trung, làm việc nhóm…
* Hơn 75% HSSV sau tốt nghiệp vẫn chưa đủ tự tin để dấn thân lập nghiệp, mà chỉ mong “học nữa học mãi” để có bằng cấp cao hơn…
* Cũng bởi vì có hơn 75% giáo viên không quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp và không có vai trò trong việc định hướng tương lai cho HSSV.
(tổng hợp và trích từ báo cáo đề tài của Viện Nghiên cứu giáo dục tại hội thảo khoa học “Nhận thức và thái độ của HSSV về định hướng tương lai” tổ chức ở Hà Nội, 9-10-2009)
Đến mức này thì Bộ GD-ĐT phải báo động đỏ về thực trạng quá nặng nề của nền giáo dục… Một trong những sự lệch hướng và bất cập nghiêm trọng nhất trong công tác đào tạo là đã biến việc dạy và học trong nhà trường thành “bãi chiến trường” và “lò thi đấu” giữa các sĩ tử chạy theo khoa bảng, đuổi theo bằng cấp. Đến nỗi thầy giáo chỉ biết dạy chữ mà không có tâm giáo dục hướng nghiệp, học trò chỉ biết luyện thi mà không có chí lập nghiệp và lập thân. Nhất là vì không được quan tâm rèn giũa các kỹ năng mềm (giao tiếp, ứng xử, hợp tác, dấn thân, chuyên tâm…) nên khi vào đời lập nghiệp họ ngơ ngác như “gà công nghiệp”!
Làm sao để chọn đúng nghề?
Nhiều học sinh đã đến gặp nhà tư vấn để hỏi rằng có một thực tế rất đời, rất thật, khá phổ biến, khiến nhiều HSSV (kể cả những người học giỏi nhất) phải băn khoăn:
Thứ nhất, nhiều người học rất giỏi nhưng lúc ra trường lại làm một nghề rất dở! Trong khi có người không giỏi mà vào đời lại kiếm được một nghề hay, ngon lành, chẳng tốn công sức, vinh thân phì da, còn được trọng vọng!
Thứ hai, có người ước mơ hoài nhưng không chọn được nghề và làm được việc mình thích! Trái lại, không ít người chẳng mất công mơ ước, không hoài bão lại nghèo đức kém tài, vậy mà được “gió” nên vút lên như diều!
Vậy là sao, cần gì phải hướng nghiệp hay định hướng tương lai? Định hướng có khi thừa. Không định hướng nhiều khi lại “được”, còn được to và “ngon” hơn người đã nhọc công mơ với ước!
Như thế muốn chọn đúng nghề, đâu là những điều kiện cần có trước?
Đó là một loạt tố chất sau đây: tính cách, năng lực, sở trường, năng khiếu, thái độ, sức khỏe của bạn có phù hợp với nghề định chọn hay không. Tất cả những điều kiện cần và đủ đó đều thuộc về các đặc điểm tâm sinh lý cá nhân mà chỉ qua trắc nghiệm khách quan (bằng công cụ test khoa học) mới hi vọng giúp bạn hiểu chính xác về mình.
Mặt khác, chọn nghề mới chỉ là bước khởi đầu của hướng nghiệp. Còn phải dày công học nghề để giỏi nghề, từ đó nhắm đến việc khởi nghiệp và hành nghề trong những tình huống có khi gặp nhiều trắc trở. Điều này cũng cần được tư vấn về nhiều mặt, từ việc tìm nguồn vốn đến những cách vượt khó để qua nhiều cửa ải trong đời. Tất cả còn ở phía trước, nhiều thách thức đang chờ bạn. Miễn rằng bạn đừng vội nản chí khi biết trước tiến trình vào đời bao giờ cũng như một cuộc “leo dốc” mà ai có bản lĩnh mới là người chiến thắng.
Vào đời và lập nghiệp, chọn điểm tựa nào?
Tất nhiên, bạn hoặc ai đó thoáng có ý nghĩ rằng thiếu gì người chẳng cần “leo dốc”, họ chỉ nhờ cậy thế thân quen hay nhờ thời cơ “số đỏ” mà vụt lên hơn diều! Vâng, họ may mắn thật, từ học hành lớt phớt đến nhân cách mờ nhạt… họ bỗng dưng nắm trong tay danh và lợi, chức và quyền. Họ có đủ thứ vật chất nhưng lại thiếu một thứ rất cốt lõi trong nhân sinh. Đó là bản lĩnh sống và làm người.
Bởi vậy, một bài toán đặt ra từ cuộc sống mà các chuyên gia hướng nghiệp thường nhắc đến là vào đời và lập nghiệp. Để thật sự làm chủ bản thân và làm chủ sự nghiệp, bạn nên lấy điểm tựa từ chính mình hay từ người khác, từ “nhất thời nhì thế”, từ “tam quyền tứ chế” hay từ phẩm chất và năng lực làm người của chính bạn?
Đó là bài toán mà chỉ những ai biết tự trọng và tôn vinh những giá trị nhân bản mới chọn được đáp án chuẩn cho việc định hướng.
Mặt khác, không chỉ người ấy chọn, mà xu thế của xã hội văn minh khi đi vào hội nhập với những tiêu chí nhân bản có giá trị khắp toàn cầu cũng theo hướng đó.
Đó là xu thế rất sòng phẳng, công bằng và văn minh của thời đại, của thế kỷ 21. Sự sòng phẳng ấy được xác định là: “Ai biết chăm lo cải thiện nhân cách và biết dựa vào sức mình để vươn lên, người đó sẽ hi vọng đứng vững trước mọi bão tố của cuộc đời” (Jack Scanfield – nhà tư vấn nổi tiếng thời @ của nước Mỹ).
Bởi vậy, trước việc chọn nghề, vào đời hay lập nghiệp… hãy luôn biết tỉnh thức, đừng mù quáng trước sự hào phóng từ ngoại lực mà quên đắp xây từ chính nội lực của mình. Đó là giá trị cao nhất của việc hướng nghiệp. Đó cũng là gốc rễ của cuộc đời và sự nghiệp khi định hướng tương lai… 
QUANG DƯƠNG (nhà tư vấn hướng nghiệp)

Bình luận (0)