Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vào hè, đồ chơi bạo lực tràn ngập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Siêu nhân” Bi đang “làm nhiệm vụ”!

Cậu bé nhỏ xíu, gầy nhom hét vào tai bé gái câu gì đó rồi hai tay rút hai súng nhựa đen kịt từ hai túi quần và kề vào đầu bé gái… bóp cò “tạch tạch”. Cậu bé hả hê “chết mày chưa”. Ai dám đảm bảo đứa bé này lớn lên sẽ không có những thói quen bạo lực?
“Súng ống” đồ chơi, các chợ lớn nhỏ đều có
Trưa ngày 17-4, tại Bình Phước, súng đồ chơi phát nổ làm chết một trẻ em. Theo người nhà nạn nhân, hai em Vũ Đức Linh và Phạm Văn Nghĩa cùng ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng sang nhà hàng xóm chơi và được hai người lạ mặt cho một khẩu súng ngắn bằng nhựa màu đen, có xuất xứ từ Trung Quốc. Nghĩa và Linh mang về nhà gần đó mở ra, trong lúc đang gắn pin vào thì súng phát nổ. Linh thì bị thương nặng và chết trên đường đến bệnh viện. Đây là vụ súng đồ chơi trẻ em phát nổ làm chết người gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên, những vụ đồ chơi trẻ em gây ra hậu quả như súng bắn đạn nhựa, đạn cao su, đao kiếm… làm hỏng mắt trẻ là không hiếm.
Dạo quanh các chợ, các điểm bán đồ chơi trẻ em tại TP.HCM trong những ngày đầu hè, nếu chỉ quan sát bề ngoài thì hầu hết là các mặt hàng “hiền” như búp bê, bộ ghép hình, ô tô… Tuy vậy, đồ chơi thứ “dữ” như súng đạn, dao kiếm cũng không phải hiếm nhưng bán kín đáo hơn, e dè hơn. Tại siêu thị Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, ở quầy đồ chơi trẻ em rất phong phú các mặt hàng. Tuy nhiên, không khó để tìm thấy cảnh cậu bé chưa đến tuổi vào lớp 1 lục lạo trong mớ súng lớn bé đủ loại. Cậu bé thử hết khẩu súng này đến khẩu súng khác. Tuy là súng nước nhưng mô phỏng các loại súng AK, súng trường to đùng khiến cậu bé thích thú đòi mẹ mua bằng được. Giá mỗi khẩu súng nước như vậy không hề rẻ, khoảng 100 ngàn đồng.
Tại chợ Thủ Đức, hàng đồ chơi trẻ em bày bán la liệt. Trong vai người mua “hàng” cho con, một chị bán hàng vồn vã giới thiệu các loại súng nhựa, dao kiếm. Nào là kiếm lắp pin, kiếm phát ra âm thanh, ánh sáng hay các loại súng nhựa. Chị đưa tôi thử từng loại kiếm, súng nhưng hầu hết chỉ là những mẫu đơn giản, trẻ con không thích mấy. Giá của các loại dao kiếm, súng đạn này dao động từ hơn 10 ngàn đến gần 50 ngàn đồng. Thấy tôi lắc đầu và hỏi mua “hàng thứ dữ” thì chị cho biết “Súng bắn đạn nhựa, đạn cao su thì ở đây không bán, nguy hiểm lắm”. Tôi hỏi “Thế chị có biết mua mấy loại súng đó ở đâu không vậy?”. Thay vì trả lời, chị lại than vãn “Phụ huynh kỳ quá, cái gì cũng chiều trẻ con. Hầu như phụ huynh nào cũng vậy, đến đây là hỏi súng đạn, mà phải “thứ dữ” kìa, thứ có tia laser, gây thương tích mới chịu. Còn mấy mặt hàng có tính giáo dục, lành mạnh thì chẳng ai thèm hỏi tới. Trẻ con đòi mua súng cho giống siêu nhân, phụ huynh cũng chiều theo thành ra mặt hàng súng đạn, dao kiếm bán chạy nên nhiều người lén bán loại hàng thứ “dữ” này”.
 Tại chợ Bến Thành, hàng đồ chơi trẻ em khá phong phú. Một tiểu thương ở đây cho biết các mặt hàng lành mạnh, có tính giáo dục và phù hợp với lứa tuổi, tâm hồn trẻ em tuy phong phú nhưng rất khó bán, lại lời rất ít. Chỉ có hàng súng đạn, dao kiếm, xe tăng là bán chạy và lời nhiều. Chính vì lợi nhuận nên nhiều người vẫn lén bán những đồ chơi “bạo lực” cho những cậu ấm nhí!
Không phải lỗi của trẻ con
TS Huỳnh Văn Sơn – Trưởng bộ môn Tâm lý học ĐHSP TP.HCM cho rằng “Trước môi trường xã hội như vậy, chúng ta không thể cấm các em, cũng không thể nhốt các em trong “lồng kính” mà gia đình phải quan tâm, theo sát để giáo dục hành vi cho trẻ. Súng ống, dao kiếm, gậy gộc do đâu mà có? Trong việc giáo dục và định hướng lối sống, hành vi của trẻ em, vai trò của gia đình là rất lớn, chỉ nhà trường không chưa đủ”.
Bằng nhiều con đường, nhiều nguồn khác nhau, những đồ chơi “thừa bạo lực thiếu giáo dục” vẫn đến tay trẻ con. Nhìn cậu bé Bi con chị Hoa ở KP6, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức hai tay cầm hai súng, hai túi quần trước nhét hai súng, hai túi quần sau lận hai súng, cậu bé thao tác thành thục với từng khẩu súng. Trong khi “chiến đấu” với người anh họ hơn vài tuổi và cô em gái, Bi “diễn” rất đạt vai sát thủ, tay súng khủng bố hay siêu nhân. Bi không ngần ngại kề súng vào đầu em gái và bóp cò. Bi tỏ ra “chuyên nghiệp” với súng đạn, dao kiếm nhưng với chữ nghĩa, học hành thì Bi rất í ẹ. Cứ mỗi tối chị Hoa phải gào khản cổ, túc trực tại bàn để kèm Bi học nhưng hình như không có chữ nào lọt vào đầu Bi. Chị Hoa than vãn “Không hiểu sao thằng này học dốt quá. Cả buổi tối không thuộc nổi một câu nhưng lại rất giỏi đánh đấm, cung kiếm. Hễ thả nó ra là nó lục lạo tìm súng đạn, chưa bao giờ thấy nó tự lấy tập ra học”.
Trong khi các “cậu ấm” vừa hiếu động vừa bị tiêm nhiễm đủ các loại súng ống, hình ảnh bạo lực thông qua phim ảnh, truyện tranh thì nhiều phụ huynh cũng “góp phần” hình thành tính bạo lực ở con mình. Chị Hiền ở quận Tân Bình cho biết “Nó thấy trên phim ảnh, game có đua xe, đấu súng là bắt chước y hệt. Ngày nào cũng làm siêu nhân, cũng đòi súng ống cho giống siêu nhân, mà phải súng to, có lắp pin, có tia laser mới chịu. Mình không mua nó không chịu ăn cơm, khóc lóc và bà nội đã mua cho nó”. Một vị đại diện hội cha mẹ học sinh nói “Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng tràn ngập những hình ảnh bạo lực, việc này có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, ứng xử của các cháu. Chính sự quản lý lỏng lẻo của xã hội về văn hóa đã tạo điều kiện cho bạo lực đầu độc tâm hồn trẻ em. Nhà trường, gia đình cần phải có chương trình riêng để giáo dục, định hướng cho các cháu”.
Bài và ảnh: Công Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)