Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vào mùa bọ xít hút máu người

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-6, PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, khoảng một tháng trở lại đây khi thời tiết bắt đầu vào mùa hè nóng bức, tại nhiều khu dân cư của Hà Nội lại xuất hiện loại bọ xít hút máu người.

Các ổ bọ xít hút máu người thường sinh sống ở những khu vực ẩm thấp, bỏ hoang, có vải vụn hoặc gỗ mục và có nhiều chuột. Tuy nhiên qua thực tế, bọ xít hút máu người nay đã phát tán ra khắp Hà Nội, ngay những nơi có môi trường sạch sẽ như khu chung cư cao cấp cũng đã xuất hiện loại bọ xít này.

Theo nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, trước đây thời gian phát tán loại bọ xít này thường bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 thì nay xuất hiện từ tháng 5 và có thể kéo dài tới tháng 9. Trước đây, khi bị bọ xít đốt, thường chỉ có dấu hiệu sưng, ngứa, phù nề, hiện nay có những trường hợp phải cấp cứu. Đáng lo ngại, hiện nay chưa có thuốc đặc trị loài côn trùng này. Khi đốt, chúng tiết ra một chất gây tê, nên chúng ta không có cảm giác bị đốt. Thời gian hút máu kéo dài 14-15 phút. Để ngăn chặn bọ xít hút máu người, gia đình thường xuyên vệ sinh trong và ngoài nhà, đặc biệt là khu vực giường ngủ, nơi mà bọ xít hút máu ẩn nấp và tấn công.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, thông thường loại bọ xít này nếu đã hút máu người, chỉ 1-2 ngày sau nó sẽ đẻ trứng. Mỗi đợt đẻ khoảng 150-200 quả. Trứng bọ xít hút máu nhỏ, rất khó phát hiện, khoảng 16 ngày sau trứng sẽ nở thành hàng trăm cá thể bọ xít non và sau khoảng 20 ngày, trong nhà có thể có hàng trăm cá thể bọ xít hút máu người xuất hiện.

MINH KHANG

(SGGP)

Bình luận (0)