Kỳ thi đang đến gần, không muốn ép con học hành căng thẳng nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải cho con học thêm. Bất chấp quy định của ngành giáo dục, các lò học thêm vẫn có nhiều lý do để tồn tại.
Dù học 2 buổi/ngày, nhiều học sinh tiểu học vẫn phải học thêm . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Chị Thu (tập thể 62 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) là phụ huynh học sinh của một trường tiểu học ở quận Ba Đình, Hà Nội. Không muốn ép con học hành căng thẳng, nhưng khi con lên lớp 5, chị vẫn phải cho con học thêm tại nhà cô giáo dịp cuối tuần.
Tự nguyện như cưỡng bức
Tự nguyện như cưỡng bức
Gần đây cháu Ng. – con chị Thu không thích đi học thêm, với lý do "cô toàn dạy trước bài ở lớp". Điều này khiến chị khó xử. Bởi đang học rồi lại bỏ thì cô giáo hiểu là học sinh chê cô dạy dở, điều này ảnh hưởng không tốt cho mối quan hệ cô – trò. Được một số phụ huynh khác tư vấn, chị bịa ra một lý do để xin cho con nghỉ học, cô giáo vui vẻ đồng ý.
Nhưng sau Tết, cô giáo mấy lần gọi điện đến nhà chị, lần thì để thông báo hôm nay các con được nghỉ học thêm, lần thì nhắc hôm nay các con sẽ học thêm từ lúc mấy giờ. "Suốt học kỳ I, chưa bao giờ cô gọi điện đến nhà tôi. Tôi không nghĩ cô giáo quên việc tôi đã xin cho con nghỉ, mà chắc chắn là một thái độ không buông tha!", chị Thu tâm sự.
Nhiều phụ huynh khác cho biết, họ cảm thấy rất khó khăn khi không cho con học thêm tại nhà cô giáo của con. Phụ huynh một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân kể: "Có lần tôi đi đón cháu, cô giáo buông câu hỏi thăm, Th.A (tên con của vị phụ huynh này) học kém tập trung mà không thấy Th.A đi học thêm nhỉ! Tôi lấy cớ cô tổ chức học thêm thứ bảy, bố mẹ cháu vẫn phải đi làm nên không có người đưa đón con. Nhưng cô giáo bảo, bố mẹ các bạn khác toàn nhờ xe ôm đưa đón con đấy thôi!".
Cách đây không lâu, phóng viên nhận được khiếu nại của một số phụ huynh lớp 9 trường THCS N.T, quận Thanh Xuân phản ánh một cô giáo chủ nhiệm dạy thêm ngay tại trường trong giờ chính khoá.
Lấy lý do học sinh cần tăng cường ôn tập thi dạy ôn thêm môn Toán cho cả lớp vào tất cả buổi sáng giờ học chính khoá, buổi chiều cô tiếp tục dạy thêm theo lịch nhà trường sắp xếp. Số tiền học sinh phải đóng cho ba tuần học thêm trong giờ chính khoá là 720.000 đồng/ em (lớp có 40 học sinh). Khi bị Ban giám hiệu nhà trường phát hiện, cô giáo này đã yêu cầu các phụ huynh viết đơn tự nguyện… xin học thêm.
Sợ bị trù dập
Sợ bị trù dập
Một phụ huynh nói: "Cả tuần các cháu học 5 tiết văn, còn lại là học toán. Có hôm con tôi về kêu mụ mị hết cả người vì vừa học xong 5 tiết toán liên tục. Nhưng không học không được vì đó là giờ học chính khoá, vả lại thi cử đến nơi rồi, chẳng phụ huynh nào dám cho con nghỉ khi chính cô giáo chủ nhiệm bảo cần phải học".
Một phụ huynh khác cho biết, cô giáo đó nổi tiếng bởi thái độ trù dập học sinh, không đi học thêm là không xong với cô. Một vị lãnh đạo trường THCS N.T cũng xác nhận, có năm cô giáo đó cho gần nửa số học sinh của một lớp điểm kém (dưới 3,5 điểm) do không đi học thêm. Học kỳ I, học sinh đó đi học thêm thì được trên 8 điểm; học kỳ II không đi học thêm điểm tổng kết chỉ trên 5 điểm.
Nhiều phụ huynh cho con đi học thêm không hẳn do lo ngại giáo viên trù dập con mình mà vì nhiều lý do phức tạp khác. "Hôm nào tôi đến lớp cô giáo cũng phàn nàn con tôi viết chữ xấu quá, làm toán chậm quá, bố mẹ phải chú ý kèm con. Tôi thấy rát mặt nên cho con đi học thêm ở nhà cô, từ đó mỗi lần gặp tôi cô đều khen con rất ngoan, rất tiến bộ", anh Khánh, một phụ huynh trường Tiểu học N.T.C, quận Đống Đa kể.
"Con tôi mới học lớp 2, nhà trường tổ chức học 2 buổi/ ngày, vậy mà cô giáo vẫn thấy chưa đủ, phải học thêm! Thế mà trên báo đài, Bộ GD&ĐT cứ bảo là đã giảm tải, tôi chẳng hiểu họ giảm tải kiểu gì!".
Anh Hoàng, phụ huynh một học sinh trường THCS có tiếng quận Ba Đình cho biết, khi con anh vào lớp 6, ban đại diện phụ huynh thuê phòng để mời giáo viên chính khoá của các cháu dạy thêm vào buổi chiều. "Lớp học chính khóa quá đông (60 cháu), chỉ có 45 phút/ tiết, làm sao các cô bao quát được hết các cháu. Phải tổ chức học thêm để cô giảng lại những phần các cháu chưa hiểu và nâng cao kiến thức để các cháu thi vào THPT", anh Hoàng nói.
Quý Hiên / TPO
Bình luận (0)