Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Vào rạp là để xem phim

Tạp Chí Giáo Dục

Lựa chọn đến rạp chiếu phim, nhưng không hẳn ai cũng có mục đích chính là để xem phim. Nhiều khán giả thích lướt mạng xã hội, trò chuyện với bạn bè trong rạp. Và trong không ít trường hợp, chiếc điện thoại thông minh lại trở thành công cụ để quay, chụp và tiết lộ nội dung phim.

Vào rạp là để xem phim

Hồng Ngọc (ngụ quận 8, TPHCM) kể lại: “Không chỉ một lần mà rất nhiều lần mình đi coi phim gặp trường hợp người phía trước mở điện thoại. Càng đáng nói hơn, họ không hề giảm độ sáng màn hình, chiếu thẳng vào mắt người ngồi sau, cảm giác rất khó chịu. Những người tế nhị, nếu có điện thoại cần phải trao đổi, họ sẽ rời rạp. Nhưng một số cứ ngồi thế nhắn tin, không nghĩ điều đó đang ảnh hưởng đến những người xung quanh”. Theo Hồng Ngọc, sự vô tâm đó nhiều khi kéo dài, phải có người nhắc nhở, họ mới dừng lại.

Cũng vì lý do tương tự, chị Ngọc Hương (ngụ quận 4, TPHCM) chọn biện pháp cứng rắn hơn, quyết định “cạch mặt”, không rủ một người bạn đi xem phim cùng. “Bạn tôi có thói quen hay sử dụng điện thoại trong rạp, mình nói miết họ cũng không thay đổi. Theo tôi, cách tốt nhất là không rủ họ đi xem phim nữa”, chị cho biết. Cũng theo chị Ngọc Hương, có những khi có công việc chưa giải quyết xong, chị thường chọn hàng ghế cuối cùng (đặc biệt là ghế sweet box – ghế đôi) để đỡ làm phiền mọi người.

Gần đây, dù không có thống kê đầy đủ, nhưng có thể thấy, với tốc độ phát triển của khoa học – công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội, việc sử dụng điện thoại trong rạp chiếu vẫn khá phổ biến. Không khó để bắt gặp hình ảnh những màn hình điện thoại sáng đèn trong không gian im lặng, khi tất cả mọi người cùng chăm chú thưởng thức bộ phim.

Ngoài sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhắn tin làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, việc quay lén và phát tán phim, đặc biệt với phim Việt vẫn diễn ra phổ biến. Nếu như trước đây, những người quay lén này livestream (phát trực tiếp) trong rạp chiếu, thì nay họ chuyển qua hoặc quay và cắt thành các phân đoạn nhỏ, đăng tải lên các mạng xã hội, đặc biệt là TikTok.

Nhiều năm làm trong lĩnh vực truyền thông về phim ảnh, anh Trần Xuân Phúc cho biết, không ít lần gặp trường hợp khán giả bật màn hình điện thoại quá sáng khi đèn rạp đã tắt. Lựa chọn của anh là nhắc nhở vị khán giả đó. Nhưng cũng có không ít người khá ngại ngần, chấp nhận im lặng và chịu ấm ức.

Trên thực tế, trước khi bất kỳ bộ phim nào được trình chiếu, hầu hết các rạp đều có quy định: không quay phim, chụp ảnh, tắt chuông điện thoại, không sử dụng điện thoại khi xem phim… Một số rạp phim còn trang bị camera an ninh. Tuy nhiên, theo anh Xuân Phúc, quy định chỉ là trên giấy tờ.

“Quy định là quy định nhưng rạp không có đủ nhân viên giám sát. Nhân viên có được báo cũng giải quyết qua loa để tránh làm phật lòng khách hàng và hiếm có trường hợp bị xử lý nặng tay”, anh Phúc nêu quan điểm. “Tôi nghĩ chỉ trông chờ vào ý thức thôi” là câu nói đầy cảm thán của chị Hồng Ngọc.

Nhưng nó dường như đang rất đúng với hiện trạng sử dụng điện thoại một cách vô ý thức, thậm chí phạm luật của một bộ phận khán giả khi đi xem phim hiện nay. Đành rằng việc bỏ tiền mua vé xem phim đồng nghĩa mỗi người có đặc quyền riêng. Nhưng cũng như bất cứ hình thức giải trí ở nơi công cộng nào, luôn cần được đặt để trong những quy tắc ứng xử chung.

Theo Văn Tuấn/SGGPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)