Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Vào rừng Định Quán săn… “ma cà rồng”

Tạp Chí Giáo Dục

Tháng 11, bầu trời Định Quán, Đồng Nai trong vắt. Nắng vàng rải nhẹ. Từ km122 quốc lộ 20 cách bìa rừng không xa, nhóm khảo sát bốn người đeo đèn đội đầu, nón bảo hộ chuẩn bị tiến vào hang. 

Vào rừng Định Quán săn... “ma cà rồng”
Đặt bẫy harp trap. Công việc "phục kích" dơi diễn ra ban đêm và kết thúc khi trời sáng (ảnh lớn). Mỗi con dơi thu về làm mẫu được đánh số hiệu riêng (ảnh nhỏ) – Ảnh: TƯỜNG HÂN

Đây là hang nham thạch, dấu tích phun trào của núi lửa từ cổ xưa. Hang dài, bốc lên mùi hôi khắm, nồng khó chịu.

Dẫn đầu đoàn khảo sát là tiến sĩ Joe Chun-Chia Huang, làm việc tại Học viện Sinica, Đài Loan với 14 năm kinh nghiệm nghiên cứu về dơi. Đi cùng là thạc sĩ Trương Bá Vương, Viện sinh học nhiệt đới và Hoàng Thị Ngọc Minh, sinh viên năm cuối ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH 
Quốc gia TP.HCM.

Kéo dài từ tháng 11 qua tháng 12, chuyến khảo sát là hoạt động nằm trong chương trình nghiên cứu về dơi ở miền Nam Việt Nam trải qua các hang động, vườn quốc gia, rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Định Quán và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Câu hỏi mà nhóm tìm kiếm là vai trò sinh thái của dơi đối với nông nghiệp, đặc biệt là cây trồng chủ lực địa phương như cà phê, cao su, tiêu, điều… và có hay không tác động từ các đồn điền đến nơi ở, tập tính sinh sống và số lượng thành phần loài dơi.

Harp trap – 
đàn hạc bẫy dơi

Trước khi xuống hang, ông Sáu phân dơi – người dân địa phương lâu nay làm nghề hốt phân dơi – dặn dò chúng tôi về việc đừng đi quá sâu: “Càng vô sâu càng hôi, tối, khó thở. Lúc nào thấy ngộp ngộp là đi ra sớm, lỡ ngất xỉu trong đó không ai hay mà lôi ra”.

Trưởng đoàn khuyến khích mọi người bỏ áo vào quần, xịt thuốc chống muỗi quanh các vị trí hở, đeo găng tay, mang bốt cao su và không lớn tiếng trong hang làm dơi thức giấc.

Mất khoảng một giờ để nhóm khảo sát địa chất, cảnh quan trong hai hang, thu thập mẫu vật liên quan, đánh giá sơ bộ hệ động thực vật ngoài cửa hang. 14g30, nhóm tiến hành lắp bẫy.

Harp trap là tên gọi loại bẫy đặc dụng bắt dơi, mô phỏng đàn hạc với bốn lớp dây cước trong suốt dựng thành bức tường cao gần 2m, đủ thưa để không cản sóng âm do dơi phát ra, đủ dày để dơi bay vào sẽ mắc lại. Phía dưới khung dây cước là tấm bạt hứng dơi rơi xuống.

Nói thì đơn giản nhưng không dễ như vậy. Bẫy giăng xong lại bung ra, cả nhóm chỉnh sửa, tháo ra lắp lại. Ba người chạy đua với mặt trời để hoàn thành harp trap trước khi dơi thức giấc…

Qua ngày thứ hai, khi đã quen với chiếc bẫy, nhóm lắp đặt trong một loáng 30 phút.

Nhưng do địa hình phức tạp, ông Joe yêu cầu: “Giờ Minh sẽ là người quyết định chiếc bẫy thứ hai đặt ở đâu, như thế nào. Nên nhớ là khi mới bay ra khỏi hang, dơi cần khởi động quanh khu vực cửa hang. Vì vậy hãy chọn vị trí đón đầu nó”.

17g, rừng cây giá tị tối hẳn. Bẫy đã ổn. Nhóm nghiên cứu tránh xa cửa hang, ngồi chờ dơi và “làm mồi” cho muỗi.

Yên lặng, những đợt dơi đầu tiên bay ra. Hai luồng đen kịt phả vào nhau từ hai cửa hang đối diện, bay vút lên cao, lượn quanh cây cối. Hàng ngàn con dơi xông vào giữa màn đêm mà không hề va đụng, chỉ nghe tiếng cánh đập nhẹ và đều.

Joe chỉ ra hai dấu hiệu: mùi hôi thỉnh thoảng xộc lên từ trong hang đó là khi dơi thức giấc và muỗi ngớt dần là khi dơi bắt đầu dùng bữa.

Dơi rơi bẫy. Không gian chật hẹp bên trong tấm bạt cho phép dơi tiếp tục bay nhảy. Mỗi người phải dùng găng tay và có kỹ thuật để tóm được dơi.

Vừa thuyết phục tôi bắt thử, ông Joe vừa nói: “Dơi sẽ cắn vào tay người để tự vệ nhưng không hút máu như trong phim đâu. Có chăng là một loài dơi ở Mỹ Latin, còn lại chúng chỉ ăn trái cây và côn trùng. Tội nghiệp, người phương Tây cứ nhìn dơi là nhắc đến ma cà rồng, điềm xui xẻo”.

Mỗi đêm, nhóm thu 15-20 con dơi, cố gắng xử lý mẫu nhanh chóng. 21g, tại khách sạn, nhóm cân đo kích thước dơi, quan sát hình dáng, mặt mũi, màng da trên cánh, đo sóng siêu âm và hàng chục thông tin khác để nhận diện loài.

Một vài mẫu phân dơi được lưu giữ trong dung dịch cồn, chờ đem về phòng thí nghiệm phân tích để biết dơi ăn gì. Với những con chết vì yếu được ngâm vào ethanol bảo quản. Bước cuối cùng là đặt vòng số trên từng cá thể và cho dơi uống nước.

Sáng hôm sau, nhóm quay lại chỗ cũ thả dơi về hang.

Cà phê, dơi và con người

Từng nghiên cứu về dơi tại Malaysia, Indonesia, Đài Loan, TS Joe cho biết số loài dơi tìm thấy ở Đài Loan là 36, Mỹ 46, Trung Quốc xấp xỉ 100, Indonesia khoảng 200, Việt Nam hơn 120 (năm 2013).

Hằng năm, hoạt động mở rộng đồn điền dần dần làm các loài dơi rừng mất “nhà”, phải thích nghi và thay đổi tập tính để tồn tại. Diện tích đất trồng cà phê, tiêu, điều, cao su ở Việt Nam thuộc hàng lớn nhất nhì thế giới là một bối cảnh phù hợp cho nhóm nghiên cứu.

Hội tụ các yếu tố rừng, vườn quốc gia, núi, hang và dơi, Đồng Nai được chọn làm địa điểm nghiên cứu chính trong năm nay. Trong năm 2017, nhóm dự kiến mở rộng khảo sát ở các tỉnh vùng cao nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng.

Ngoài dơi, nhóm còn thu thập các yếu tố khác như côn trùng gây hại trên cây điều, cao su, cà phê, lúa, trái cây quanh khu vực dơi sống, nhưng chưa có kế hoạch nghiên cứu về hoạt động của con người trực tiếp tác động lên dơi.

Từ dữ liệu, mẫu vật khảo sát, một chuyên gia khác về đa dạng sinh học dùng thuật toán thống kê và mã vạch ADN để xác định tình trạng đa dạng sinh học loài, tìm ra điểm khác biệt giữa dơi rừng và dơi đồn điền, phân tích tập tính thích nghi của dơi trước môi trường sống thay đổi.

Nhưng với kinh nghiệm, ông Joe cho biết: “Mỗi đợt dơi bay ra tầm 15 con, tính riêng hai hang ở km122 có 4.000-5.000 con, mỗi đêm tiêu thụ ít nhất 20kg 
côn trùng”.

Ông Nguyễn Trần Vỹ, cán bộ Viện Sinh học nhiệt đới từng đi tiền trạm cùng ông Joe, cho biết: “Không chỉ là thiên địch của nhiều loài côn trùng gây hại trong nông nghiệp, một số loài dơi ở vùng Ma Thiên Lãnh (Tây Ninh) còn giúp cây sầu riêng thụ phấn về đêm. Ngoài ra khi đến Bảo Lộc, chúng tôi được thử cà phê… dơi do người dân nhặt trong vườn. Rất ngon!”.

Qua tìm hiểu, một trang web của Anh rao bán cà phê chồn Bali (Indonesia) với giá 22 bảng Anh/50g, cà phê dơi Costa Rica 17 bảng Anh/50g. Mặc dù vậy, ông Joe không khuyến khích việc này vì sợ dơi sẽ bị bắt nhốt để… sản xuất cà phê như chồn.

Nói về mục đích chương trình nghiên cứu, TS Joe mong muốn thay đổi suy nghĩ của người dân, chính quyền địa phương về vai trò, lợi ích của dơi với môi trường và nông nghiệp, mở ra hướng bảo vệ, quản lý đàn dơi hiệu quả thông qua dữ liệu, mô hình khoa học.

Dù vậy, ông Joe thừa nhận điều tra sinh thái là nghiên cứu tốn nhiều thời gian, chi phí, chưa được nhiều quốc gia quan tâm. Nhưng đó là con đường giúp phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với tự nhiên.

Bảo vệ dơi, bảo vệ môi trường

Vào rừng Định Quán săn... “ma cà rồng”

Tiến sĩ Joe nhắc nhở quy tắc an toàn trước khi vào hang dơi – Ảnh: Tường Hân

Chương trình nghiên cứu về dơi ở miền Nam Việt Nam do nhóm chuyên gia đến từ Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học (Học viện Sinica, Đài Loan), Viện sinh học nhiệt đới (Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và bộ môn sinh thái – sinh học tiến hóa (ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP.HCM) phối hợp tổ chức.

Mục tiêu là xác định vai trò, lợi ích của dơi với môi trường và nông nghiệp, mở ra hướng bảo vệ, quản lý đàn dơi hiệu quả thông qua dữ liệu, mô hình khoa học.

TƯỜNG HÂN/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)