Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Vào rừng đước viết tiếp ước mơ đến trường

Tạp Chí Giáo Dục

Len lỏi trong rừng đước bắt cúmLà một trong những huyện nghèo nhất của TP.HCM, Cần Giờ có tỉ lệ trẻ em bỏ học khá cao.

Cái nghèo đã khiến nhiều em không được học hành đến nơi đến chốn. Mùa hè đến, nhiều em đã phải bươn chải trên bãi biển, trong rừng ngập mặn để năm học mới có thể viết tiếp ước mơ đến trường.

Hè trong rừng đước

Giữa trưa nắng, Huỳnh Thanh Sang cùng Nguyễn Văn Lợi đang len lỏi trong rừng đước, tay liên tục sục xuống bùn để mò chem chép và bắt cúm. Người dính đầy sình, mồ hôi nhễ nhại nhưng hai cậu bé vẫn miệt mài với công việc của mình. Vừa làm, các em vừa hồn nhiên nói cười, trêu chọc nhau.

Sang cho biết, em đang là học sinh lớp 9 của trường PTCS Long Hòa (Cần Giờ). Nhà khó khăn nên hàng ngày một buổi đi học, một buổi em vào rừng bắt cúm mang bán để có tiền đưa mẹ mua gạo. Mùa hè, không phải đi học, em có nhiều thời gian len lỏi vào sâu trong rừng, có khi xa đến mấy chục cây số, nên số tiền kiếm được cũng nhiều hơn.

Ngày nhiều em kiếm được 50-60 ngàn, ngày ít khoảng 20-30 ngàn. Cũng có ngày đi mãi mà chẳng bắt được con cúm nào, đành về không. Mùa hè nào bắt được nhiều thì dành dụm được ít tiền để mua quần áo, sách vở. Năm nào ít tiền thì chỉ mua vở thôi, không mua quần áo, còn sách thì mượn của những anh chị năm trước.

Chia chiến lợi phẩm Sang giải thích cho chúng tôi hiểu: cúm là một loại giống với cua, nhưng thịt ngon hơn nên bán cũng được giá, mỗi ký 50 ngàn đồng. Nhưng bắt giống này mệt hơn bắt cua nhiều. Nếu chúng mà kẹp vào tay thì có sấm động cũng không nhả ra. Mỗi lần bị kẹp, em thường phải bẻ càng đi, rồi cắn dập càng mới gỡ khỏi tay được. Máu chảy nhức buốt đến mấy ngày luôn.

Nhưng em Trần Văn Lợi, đi cùng Sang cho biết, cúm kẹp cũng không sợ, sợ nhất là gặp rắn đẻn. Đây là một loại rắn cực độc, nếu ai bị cắn là chết ngay. Rồi ong mặt quỷ nữa. Mỗi lần thấy bọn chúng là phải chạy thật xa. Nhiều người do không để ý nên bị chúng tấn công, chết ngay lập tức.

Khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của mình, Lợi ngậm ngùi: Nhà em rất nghèo, mẹ bị bệnh tim nên khó càng thêm khó. Em phải bỏ học ở nhà kiếm sống giúp gia đình. Nhìn cái tướng nhỏ xíu của Lợi, không ai nghĩ em đã 14 tuổi. Có lẽ tại phải vất vả từ nhỏ, ra đời mưu sinh sớm nên em trở nên quắt queo.

Không chỉ đi bắt cúm, Sang kể có lần em còn thử luồn sâu vào rừng tìm ong lấy mật. Nếu tìm được tổ ong thì bán cũng có tiền nhưng đây là công việc đối với người lớn cũng là vất vả, nguy hiểm, huống gì trẻ con, nên đi một vài lần em bỏ, không đi nữa. Thế mới biết, “rừng vàng biển bạc” nhưng mưu sinh cũng đâu có dễ, nhất là với những trẻ em đang độ tuổi đến trường.

Cũng như Sang, như Lợi, mùa hè đến, Nguyễn Huy Hoàng (học sinh lớp 10, trường PTTH Cần Thạnh) cũng phải đi bắt ốc, mò cua để kiếm sống. Hoàng cho biết, tiền kiếm được, một phần đưa cho mẹ mua gạo, một phần em giữ lại để vào năm học mới có tiền mua sách vở. Em chỉ mong ngày nào cũng bắt được nhiều ốc, nhiều cua để năm học mới có đủ tiền mua sách và mua một bộ quần áo mới đi học.

Mưu sinh trên biển đêm

Mỗi đêm em phải đi cả hơn chục cây số để viết tiếp ước mơ đến trường. 10 giờ đêm, bờ biển tối đen nhưng vẫn có từng tốp người lặng lẽ tiến ra mép nước. Ánh sáng từ chiếc đèn nhỏ gắn trên đầu họ chớp tắt trong đêm. Vừa đi, họ vừa rì rầm trò chuyện về những nỗi lo toan trong cuộc sống thường nhật. Đó là những người mưu sinh bằng nghề bắt ốc trên biển. Theo chân họ một đêm mới thấy được sự vất vả, bấp bênh của những con người sống nhờ vào biển.

Lẫn vào trong số những người lớn đang cặm cụi dán mắt xuống chân mong tìm thấy những con ốc mỡ nằm trong cát là những em bé độ tuổi 13-14 theo cha mẹ kiếm sống khi đang nghỉ hè.

Trần Minh Chiến, học lớp 8 trường PTCS Cần Thạnh (Cần Giờ) cho biết: Bắt đầu nghỉ hè là em theo mẹ đi bắt ốc. Trong năm học cũng đi nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi vì có hôm phải đi cả đêm, sáng ra không đi học được.

Chiến cho biết, bắt ốc không cố định theo giờ mà theo con nước. Có khi con nước xuống vào buổi sáng thì đi đến trưa là về. Nhưng cũng có khi con nước lên thành con nước xuống vào buổi chiều hoặc đêm như hôm nay thì nếu có ốc phải 3-4 giờ sáng mới vào bờ. Mỗi ngày, con nước lên cách nhau một tiếng đồng hồ, cứ canh giờ như vậy mà đi chứ không phải đi giờ nào cũng được.

Theo bước chân của em, chúng tôi thấy không phải dễ gì mà bắt được ốc mỡ. Của trời cho có hạn mà người sống nhờ vào chúng thì nhiều nên có khi em đi không biết bao nhiêu bước mà không bắt được con ốc nào. Chiến bảo hôm nay ít ốc quá, có lẽ phải về sớm. Đêm qua đã chẳng bắt được gì rồi vì buổi chiều mưa suốt, bùn đục ngầu nên không bắt được ốc phải quay về không.

Nguyễn Văn Thành, học sinh lớp 10 trường PTTH Cần Thạnh (Cần Giờ) vừa chăm chú nhìn xuống chân, vừa kể cho chúng tôi nghe: Mỗi đêm em phải đi cả chục cây số trên bãi biển, có khi ra xa bờ 4-5 cây số. Đi xa thế nên phải để ý canh giờ mà vào không thủy triều lên là chạy không kịp.

Mải đi theo Chiến và Thành, đến khi quay ra nhìn thì chúng tôi hầu như mất phương hướng không biết đâu là bờ, đâu là biển vì đêm tối đen. Quay qua hỏi Thành, ngay lập tức em chỉ cho chúng tôi hướng vào bờ. Khi chúng tôi tỏ ý thán phục, Thành chỉ cười: Có gì đâu, đi nhiều rồi quen thôi. Cứ lấy một điểm nào đó làm dấu mốc thì đi xa cỡ mấy cũng vào được đúng điểm xuất phát.

Tạm nghỉ giữa biển đêm. Mỗi một đêm như thế, nếu hôm nào nhiều, Chiến và Thành có thể bắt được 1 đến 2kg, mỗi kg bán được 60.000 đồng. Nhưng cũng có hôm chỉ bắt được vài con thậm chí nhiều hôm biển động hoặc mưa thì chẳng được gì. Bấp bênh thế nên số tiền kiếm được cũng chẳng bao nhiêu, có khi 1 ngày có bù cho 2,3 ngày không có nên cuộc sống khá khó khăn. Thành buồn rầu nói với chúng tôi: Như hôm nay, đi cả mấy tiếng đồng hồ rồi mà chỉ bắt được chưa tới nửa ký. Chắc phải vào bờ sớm thôi. Không có ốc, được về sớm đỡ mệt thật nhưng không có tiền. Không khéo mùa hè lại kéo dài ra mãi…

Nguy cơ bỏ học sau mùa hè

Ở một vùng quê nghèo như Cần Giờ, vất vả mưu sinh là thế nên nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng, nhất là sau mỗi mùa hè hay mỗi mùa bão lũ. Nguyễn Văn Lợi cho biết em phải bỏ học từ năm lớp 4. Đến nay, gần như em chỉ còn nhận được mặt chữ thôi chứ chẳng nhớ tí gì những kiến thức đã học. Không chỉ Lợi mà rất nhiều trẻ em đang mưu sinh trên biển cũng không còn đến trường nữa.

Nguy cơ trẻ em thất học ở vùng đất nghèo khó này là rất cao. Lê Trung Kiên, học sinh lớp 6 cho biết: Hết hè, nếu em và ba không kiếm được nhiều tiền để trả nợ xây nhà thì chắc em phải nghỉ học. Mới lớp 6 nhưng mùa hè này, ngày nào em cũng theo cha đi ghe. Nhìn cái dáng nhỏ thó ngồi sau xe cha, người ướt sũng, môi tím tái vì lạnh của em mà thương. Biết rồi năm học mới em sẽ tiếp tục được cắp sách đến trường hay lại bỏ học để theo cha ra khơi.

Hầu như trẻ em ở đây không biết mình sẽ học đến đâu, có ước mơ nhưng cũng không dám nghĩ tới. Huỳnh Thanh Sang khi được hỏi em sẽ học đến khi nào em chỉ cười: Chẳng biết nữa, khi nào còn điều kiện thì còn đi học, gia đình không lo nổi nữa thì nghỉ học thôi. Sang cho biết, em có ước mơ lớn lên làm họa sĩ nhưng đó chỉ là ước mơ xa vời, không biết bao giờ sẽ thành hiện thực.

Cố lên nào! Với Sang, với Kiên vẫn còn chút hi vọng mỏng manh được tiếp tục cắp sách đến trường nhưng còn bao em nhỏ khác đã phải nghỉ học ở đi kiếm sống. Chị Trần Thị Mai (Cần Thạnh, Cần Giờ) cho biết: Nhà chị nghèo quá, con trai đầu phải nghỉ học từ năm lớp 3 để theo chị đi bắt ốc, bắt cá. Thằng lớn thì đã vậy, thằng nhỏ năm nay vào lớp 1 rồi không biết tương lai chị có thể lo cho nó học được đến đâu. Cứ nghĩ đến điều đó, một người mẹ như chị lại cảm thấy xót xa.

Với những trẻ em nghèo ở vùng biển này, không học thì không có lối thoát. Chính vì thế mà mò cua bắt ốc gần như một “nghề gia truyền”. Anh Trần Văn Út cho biết: Nhà tôi mấy đời sống nhờ vào biển rồi. Cha của tôi cũng từng đi bắt ốc, cào nghêu ở biển, giờ đến tôi và con trai anh cũng lại tiếp tục công việc đó. Mấy đời nay nghèo vẫn hoàn nghèo.

Và đó là cái vòng luẩn quẩn mà người dân xứ này vẫn chưa thoát ra được. Với những trẻ em nghèo ở Cần Giờ thì mùa hè dường như là cuộc chạy đua để có thể tiếp tục viết tiếp ước mơ đến trường khi bắt đầu niên học mới.

Hà Dịu – Kim Toàn (vietnamnet.vn)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)