Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vào trung cấp – ra đại học

Tạp Chí Giáo Dục

Từ trước đến nay, dư luận xã hội cũng như thí sinh thường dành cho giáo dục chuyên nghiệp, cụ thể là các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) sự thiếu thiện cảm, e dè. Thí sinh chỉ coi TCCN như con đường cuối cùng trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Nhưng thời gian gần đây, với các chương trình liên thông, ngành học đa dạng, đáp ứng nhu cầu “ăn ngay” của thị trường, TCCN đã dần trở thành sự lựa chọn của nhiều thí sinh.
Không tốt nghiệp THPT vẫn vào được trường nghề
Điểm đặc biệt của hệ TCCN, theo ông Phạm Như Nghệ – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, đó là xét tuyển cả học sinh chưa có bằng tốt nghiệp THPT. Theo quy chế tuyển sinh TCCN, chỉ cần là đối tượng đã tốt nghiệp THCS thì có thể được xét tuyển vào hệ này. Đối tượng tốt nghiệp THCS khi vào học TCCN sẽ phải học các môn văn hóa trước khi học chuyên môn nghề nghiệp (thời gian học các môn văn hóa khoảng 1 năm), nhưng với học sinh trượt tốt nghiệp THPT khi vào học TCCN sẽ được các trường xét công nhận, chuyển đổi kết quả học tập, rèn luyện ở phổ thông và miễn trừ không phải học lại các môn văn hóa (theo yêu cầu đào tạo TCCN) với những môn có điểm tổng kết từ 5,0 trở lên. Các trường sẽ tổ chức ôn tập và tổ chức thi tốt nghiệp 3 môn văn hóa (theo yêu cầu đào tạo TCCN) cho học sinh. Như vậy, học sinh trượt tốt nghiệp THPT vẫn có thể được vào học TCCN và được miễn trừ không phải học lại các môn văn hóa.
Không những thế, cửa vào TCCN rộng hơn rất nhiều so với cửa vào ĐH, CĐ. Ông Nghệ cho biết, Bộ GD-ĐT quy định các cơ sở đào tạo TCCN chỉ thực hiện hình thức xét tuyển để tuyển sinh trên cơ sở căn cứ vào kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 của thí sinh (trừ các ngành đào tạo năng khiếu thì có thể tổ chức thi tuyển môn năng khiếu và xét tuyển môn văn hóa). Như vậy thí sinh sẽ không phải dự thi mà chỉ cần lấy kết quả học tập ở phổ thông hoặc kết quả thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 của mình gửi về trường nơi mình đăng ký dự tuyển để các trường làm căn cứ xét tuyển vào TCCN. Thí sinh cũng có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng tùy thích. Đồng thời, năm 2009, Bộ GD-ĐT quy định các cơ sở đào tạo TCCN có thể xét tuyển nhiều đợt trong năm để thực hiện kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Như vậy, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào học TCCN, kể cả sau khi có kết quả trượt kỳ thi ĐH, CĐ.
Vào trung cấp – ra đại học
Để tạo cơ hội được tiếp tục học tập cho học sinh sau khi tốt nghiệp TCCN cũng như sức hấp dẫn của TCCN, từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 06/2008/QĐ-BGD-ĐT ngày 13-2-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Ông Nghệ cho hay, đối với đào tạo liên thông từ TCCN lên CĐ người tốt nghiệp TCCN loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp, người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất một năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Đối với đào tạo liên thông từ TCCN lên ĐH phải có ít nhất ba năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo thì mới được tham gia dự tuyển. Như vậy, cơ hội được học ĐH đối với những người học TCCN đã được mở ra. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số khó khăn. Bản thân lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy, một số trường TCCN đào tạo các ngành đặc thù thường gặp khó khăn trong đào tạo liên thông do không liên kết được với các trường ĐH, CĐ phù hợp. Điều này cũng gây cản trở cho thí sinh và cho bản thân trường.
Bên cạnh những khó khăn đặc trưng đó, TCCN còn có một lợi thế hơn hẳn các trường ĐH, CĐ đó là thời gian đào tạo ngắn, chi phí ít hơn và khi ra trường cơ hội việc làm của người học nhiều hơn. Theo ông Phạm Như Nghệ, năm 2009, hệ TCCN được phép tuyển sinh 460.799 chỉ tiêu, tăng gần 10% so với năm 2008. Hiện tại cả nước có 530 cơ sở đào tạo trình độ TCCN, bao gồm các trường TCCN và các trường ĐH, CĐ có đào tạo hệ TCCN. Trong những năm gần đây, các lĩnh vực đào tạo có đông học sinh đăng ký vào học TCCN là: y tế, du lịch – dịch vụ, tài chính – ngân hàng – kế toán, sư phạm, giao thông – xây dựng, cơ khí, điện – điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ may và thời trang, công nghệ chế biến… Thu nhập của rất nhiều ngành TCCN không thấp. Cụ thể đối với những người làm ngành hàn bậc cao (6G) thu nhập bình quân từ 6 – 10 triệu đồng/tháng, tương đương lương kỹ sư chất lượng cao.
Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò, vị trí của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp trong giáo dục quốc dân, đặc biệt trong hệ thống giáo dục dạy nghề. Học ĐH hay học CĐ mục tiêu cuối cùng cũng là việc làm và thu nhập. Hiện nhu cầu lao động phổ thông của Việt Nam rất lớn. Mặc dù vậy, để “hút” được người học, hệ thống TCCN cũng phải thay đổi tích cực để thích ứng với nhu cầu thị trường hơn. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên, cần phải được chuẩn bị đủ về số lượng và đáp ứng được chất lượng.
Thiên Lam

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)