Phụ huynh (phải) đến nộp hồ sơ cho con vào hệ 9+4 ở Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng và được đại diện nhà trường tư vấn thêm |
Năm học 2015-2016, các trường THPT công lập trên địa bàn TP.HCM chỉ tuyển thêm 3.000 chỉ tiêu vào lớp 10, nhưng số học sinh dự thi chính thức lại tăng khoảng 9.000 em. Qua đó các trường TC nghề, TCCN, CĐ nghề nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp (gọi là trường nghề) hy vọng sẽ có nguồn tuyển sinh dồi dào.
Chưa có điểm chuẩn đã nộp hồ sơ
Từ năm học 2015-2016, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng sẽ tuyển sinh hệ 9+4, tức là sau THCS, học sinh chỉ cần học 4 năm là có bằng tốt nghiệp CĐ. Theo đó, trường bắt đầu tuyển sinh khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm thi vào lớp 10 (khoảng cuối tháng 6). Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, phấn khởi cho biết: “Với hệ 9+4, trường tuyển 660 chỉ tiêu. Dù mới bắt đầu tuyển sinh, học sinh cũng chỉ mới biết điểm thi nhưng đến giờ chúng tôi đã tuyển được hơn 200 chỉ tiêu. Khi có điểm chuẩn vào lớp 10, chắc chắn số lượng hồ sơ nộp vào trường sẽ cao hơn. Nếu vượt quá chỉ tiêu, chúng tôi sẽ đề xuất tăng chỉ tiêu của hệ này và giảm chỉ tiêu hệ 12+3 xuống để đảm bảo nhu cầu học cho học sinh rớt lớp 10 công lập”.
Vừa nhận hồ sơ học sinh sau THCS từ đầu tháng 6 và sẽ kết thúc vào ngày 10-8 nhưng đến thời điểm này, Trường TC Ánh Sáng đã nhận được hơn 2/3 chỉ tiêu cần tuyển. “Năm nay trường tuyển 150 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này đã nhận được khoảng 100 hồ sơ. Khi nào có điểm chuẩn lớp 10, chắc chắn số hồ sơ sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu hồ sơ vượt quá chỉ tiêu chúng tôi sẽ không tuyển thêm”, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Ánh Sáng, chia sẻ.
Năm 2014, Trường TC Nghề Nhân đạo tuyển trên 300 chỉ tiêu sau THCS, vượt hơn 100% kế hoạch đề ra. Năm học này trường bắt đầu tuyển sinh hệ sau THCS từ tháng 4 và đến tháng 8 sẽ kết thúc với khoảng 350 chỉ tiêu. Ông Thái Kim Trọng, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường TC Nghề Nhân đạo, cho hay: “Thời điểm này trường đã tuyển được 100 chỉ tiêu, đối tượng chủ yếu là học sinh rớt lớp 10 từ năm học trước hoặc đang học lớp 10 thì nghỉ do không theo kịp chương trình THPT. Chúng tôi hi vọng sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 sẽ tuyển đủ số lượng còn lại. Vì vừa qua chúng tôi đã phối hợp với các trường THCS tư vấn rất kỹ cho phụ huynh về vấn đề phân luồng sau THCS. Hơn nữa, trong khi số thí sinh dự thi lớp 10 tăng nhiều nhưng chỉ tiêu lại tăng ít nên chúng tôi hi vọng nguồn tuyển năm nay sẽ dồi dào hơn các năm học trước”.
Nhiều chính sách có lợi cho học nghề
Sở dĩ hiện nay phụ huynh bắt đầu quan tâm đến trường nghề nhiều hơn là vì chương trình đào tạo nghề có nhiều điểm thuận lợi, đặc biệt là việc “cởi trói” liên thông. Ông Phạm Hữu Lộc phân tích: “Với chương trình 9+4, sau 4 năm học thì học sinh vừa có bằng tốt nghiệp CĐ, vừa có bằng tốt nghiệp THPT để có thể tham gia vào thị trường lao động. Còn nếu muốn học tiếp lên ĐH, các em có thể học ngay và lấy bằng trong khoảng 1,5 năm chứ không phải chờ đợi 36 tháng như thông tư 55 trước đây. Vì thế, các em chỉ mất 5,5 năm là có bằng ĐH, trong khi đó nếu học lên THPT và lấy kết quả thi THPT quốc gia xét vào ĐH thì các em mất ít nhất là 7 năm mới có bằng ĐH”.
Học sinh sau THCS theo học chương trình CĐ nghề 9+4 sẽ rút ngắn được thời gian lấy bằng ĐH nếu học liên thông. Ảnh: Phụ huynh nộp hồ sơ cho con học chương trình 9+4 tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM |
Trong khi đó ông Đặng Văn Sáng cho rằng: “Để thay đổi nhận thức của phụ huynh về trường nghề thì việc tiên quyết là chương trình đào tạo của các trường phải đổi mới, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, để khi ra trường các em xin được việc làm ngay”.
Năm 2014, Trường CĐ Nghề TP.HCM tuyển hơn 300 chỉ tiêu học sinh sau THCS vào TC nghề (đạt trên 80% kế hoạch). Đây là một trong số ít trường hằng năm tuyển gần đủ chỉ tiêu trong bối cảnh hệ thống trường nghề luôn “èo uột” không tuyển sinh được. Bà Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng trung tâm Tuyển sinh – hướng nghiệp việc làm (Trường CĐ Nghề TP.HCM), cho hay: “Chúng tôi hi vọng năm nay sẽ tuyển đủ chỉ tiêu vì đã làm việc chặt chẽ với từng trường THCS, từ đó những học sinh có khả năng rớt lớp 10 đã được giáo viên chủ nhiệm “khoanh vùng” và tư vấn chuyển sang hướng học nghề”.
Ngoài việc đến các trường THCS tư vấn, nhiều trường dạy nghề còn cử đại diện đến tận… khu phố tư vấn cho phụ huynh. “Hiện giờ các em đã thi xong nên chúng tôi không thể đến trường tư vấn. Tuy nhiên, chúng tôi liên hệ với các tổ chức đoàn thể ở các khu phố (nhất là trên địa bàn Q.3) để xuống tư vấn cho phụ huynh”, bà Trần Thị Thúy Hằng cho biết.
Bài, ảnh: Dương Bình
Để thay đổi nhận thức phụ huynh, ngoài việc đổi mới chương trình đào tạo thì việc tư vấn như thế nào để phụ huynh hiểu rõ “học nghề cũng có tương lai” là cách làm của nhiều trường. |
Bình luận (0)