Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Vất vả giảm béo cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú ăn trưa theo thực đơn của dự án “Bữa ăn học đường”

Tỷ lệ học sinh (HS) thừa cân, béo phì tại TP.HCM ngày càng tăng cao. Mặc dù vậy, không chỉ HS mà ngay cả phụ huynh vẫn cứ vô tư “nạp” thực phẩm nhiều đạm cho con, trong khi rau củ quả lại bị khước từ… Đó là những vấn đề được đưa ra tại Hội nghị sơ kết dự án “Bữa ăn học đường” năm 2016 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức vào cuối tuần qua.

Gần 42% HS thừa cân

Theo báo cáo của Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tỷ lệ thừa cân béo phì ở HS TP là 41,4% (trong đó, béo phì chiếm 19%). Tăng gần 4,5 lần so với năm 2003 (9,3%).

Trong khi cân nặng tăng theo cấp số nhân thì chiều cao lại nhích rất khiêm tốn. Số liệu của Viện Nghiên cứu dinh dưỡng quốc gia cho thấy, năm 2010 chỉ số chiều cao trung bình người Việt là 1,5m (nữ) và 1,64m (nam). Với chiều cao này, thanh niên Việt Nam độ tuổi 18 kém 13,1cm (nam), 10,7cm (nữ) so với chuẩn quốc tế. Thậm chí ngay cả với Nhật Bản (một quốc gia mà trước đây vẫn bị nói là… lùn) thì nam thanh niên của chúng ta kém 8,3cm, nữ kém 4,0cm. Còn với các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Singapore thì cả nam và nữ đều kém khoảng 3-4cm.

Để cải thiện tình trạng này, đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc của người Việt giai đoạn 2011-2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã được thực hiện. Theo đó, đến năm 2030, chiều cao trung bình của nam 18 tuổi là 1,686m và nữ là 1,575m.

Có thể nói, lứa tuổi HS tiểu học là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa các tiềm năng di truyền liên quan đến thể lực và trí tuệ, giai đoạn tích lũy chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ dậy thì. Nếu tiếp tục cho HS tiểu học duy trì chế độ dinh dưỡng như hiện nay thì tình trạng thừa cân, béo phì của các em khó được cải thiện. Nhận thấy vấn đề cấp bách là phải cải thiện chiều cao, cân nặng cho HS, đặc biệt là HS tiểu học nên từ 2012, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai dự án “Bữa ăn học đường” cho các trường tiểu học tổ chức bán trú.

Phụ huynh sợ con ăn không đủ no

Thống kê của Sở GD-ĐT TP cho thấy, hiện mới chỉ có 234 trường tiểu học công lập và ngoài công lập thực hiện “Bữa ăn học đường”. Khảo sát 151 trường tiểu học công lập thực hiện “Bữa ăn học đường” thì chỉ có 33 trường áp dụng 100% bộ thực đơn (chiếm 22%), 10 trường áp dụng 50% thực đơn (chiếm 7%) và 108 trường áp dụng thực đơn theo hình thức chọn món ngẫu nhiên và chưa áp dụng (chiếm 71%). Vậy lý do nào khiến các trường chậm triển khai hay khó áp dụng 100% bộ thực đơn như vậy?

Bà Huỳnh Kim Thoa – chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh – cho biết: Dự án đã được triển khai đến 3 trường tiểu học có bếp ăn tập thể trên địa bàn nhưng gặp nhiều khó khăn từ phía phụ huynh. Các ông bố, bà mẹ phản ánh lại rằng, con họ đã quen ăn đạm nên khi ăn thực phẩm như đậu, rau, khoai thì không quen nên thức ăn thì dư còn bụng lại đói. Đối với những trường đặt suất ăn sẵn, Phòng GD-ĐT cũng triển khai cho các trường đưa bộ thực đơn này vào các suất ăn công nghiệp. Tuy nhiên, các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp nói rằng, suất ăn ở Q.Bình Thạnh là 25.000 đồng/HS nên để thực hiện trọn bộ thực đơn của dự án là rất khó, họ chỉ có thể sắp xếp được 1 ngày/tuần.

Cô Châu Minh Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, Q.Bình Thạnh thừa nhận: “HS tiểu học thường không thích ăn rau nên thực đơn có nhiều rau củ là dư nhiều, các em ăn không no về phụ huynh lại ý kiến”.

“Nhiều phụ huynh thấy bữa ăn của con không có thịt cá mà chỉ toàn rau là rau nên phản ứng liền”, thầy Quách Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Phú, huyện Củ Chi – cho biết thêm.

Nói vậy không có nghĩa là tất cả các trường đều phải “đầu hàng”. Đơn cử như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1. Cô Lâm Hồng Lãm Thúy – Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ kinh nghiệm: “Khi mới áp dụng, do chưa quen nên HS phản ứng liền. Tuy nhiên, nhà trường đã lựa chọn một vài món để HS ăn quen dần rồi từ từ tăng cường các món khác trong thực đơn. Đến nay toàn bộ HS khối 2, 3, 4, 5 đã quen với thực đơn này, chỉ có lớp 1 là phải áp dụng từ từ”.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, đại diện Phòng GD-ĐT Q.10 cũng chia sẻ bí quyết: “Khi thực hiện nên nhìn lại thực đơn để điều chỉnh cho hợp khẩu vị từng vùng miền, chẳng hạn như khoai môn kho với gà, bánh đa ăn với đồ xào nếu HS không thích thì có thể thay thế lại món khác cùng hàm lượng chất dinh dưỡng”.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Minh – Trưởng phòng Công tác HS-SV, Sở GD-ĐT TP – cho rằng: “Các trường nên đeo bám, chủ động học kinh nghiệm lẫn nhau khi thực hiện. Đồng thời truyền thông cho phụ huynh, bảo mẫu và cả giáo viên hiểu rõ về tầm quan trọng của việc áp dụng thực đơn “bữa ăn học đường” để họ hiểu và ủng hộ nhà trường nhiều hơn”.

Bài, ảnh: D.Bình

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)