Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Vật vã Nam tiến

Tạp Chí Giáo Dục

Người dân đang chờ mua vé tàu (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Từ mùng 6 Tết (nhằm ngày 15-2) đến nay, người lao động từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung lục đục trở lại TP.HCM sau những ngày dài về quê ăn Tết. Cũng lại cái cảnh chầu chực, chen lấn để có được một vé vào Nam như những năm trước…
Ngủ đêm ngoài đường chờ xe
Sau hơn 2 ngày bị nhồi nhét trên chuyến xe khách từ Thái Bình, vợ chồng chị Vân – giáo viên tiểu học ở huyện Hóc Môn cũng vào tới TP.HCM lúc 20 giờ mùng 9 Tết (nhằm ngày 18-2). Chị Vân kể: “Theo quy định của trường, ngày mùng 9 Tết là bắt đầu đi dạy nên sáng mùng 6 chúng tôi ra quốc lộ bắt xe. Từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, hàng trăm chiếc xe vào TP.HCM chạy qua nhưng không xe nào chịu dừng, bởi khách đã chật cứng. Cuối cùng chúng tôi quyết định ngủ luôn ngoài đường để chờ xe. Sáng ngày mùng 7, mặc dù theo quan niệm của nhiều người thì đó là “ngày xấu” – chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba nhưng mãi đến gần trưa chúng tôi mới bắt được xe. Lúc lên xe, hai vợ chồng ngồi 2 ghế nhưng dọc đường xe liên tục dừng để bắt khách nên đến Vinh (Nghệ An) thì hai vợ chồng phải ngồi một ghế…”.
Chưa tới 6 giờ sáng ngày mùng 7 Tết, anh Chung và 4 người bạn cùng ở xã Hoằng Lưu, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có mặt ở đầu cầu Hoàng Long để bắt xe vào TP.HCM. Cả 5 người đều là công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần, Thủ Đức, TP.HCM. “Xe vào Nam thì nhiều nhưng không dễ đón. Mãi đến gần 3 giờ chiều, có một chiếc xe cấp cứu biển số 53… chạy qua chúng tôi vẫy đại, ai ngờ họ dừng. Lúc lên xe, chúng tôi thấy có 7 hành khách. Bác tài xế nói: “5 người, 6 triệu, đồng ý thì đi, không thì thôi”. Bây giờ mình đang cần người ta nên biết là đắt hơn bình thường 4-5 trăm ngàn đồng/người nhưng vẫn phải đi…”.
Bắt được xe đã khổ, chuyện ăn uống dọc đường còn cực hơn nhiều. Vợ chồng anh Đức (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) – công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, cho biết, anh chị đi chiếc xe mang biển số 37… từ 2 giờ chiều mùng 6 Tết, vào đến TP.HCM là trưa mùng 8 Tết. Trong quá trình này, xe dừng lại 5 lần để hành khách ăn cơm. “Tới quán ăn nào cũng vậy, chủ quán cứ lấy lý do là Tết để “chém đẹp”. Một dĩa cơm chỉ có một miếng cá kho bé tẹo, vài cọng rau giá 50 ngàn đồng, một bát phở lõng bõng nước với vài miếng thịt bò mỏng lét giá 45 ngàn đồng…”, anh Đức than thở.
Đi tàu, máy bay cũng… khổ
Không phải chịu cái cảnh 2 người/ghế, ăn cơm giá cao như đi xe, nhưng những hành khách đi tàu, đi máy bay trong dịp Tết cũng chẳng sung sướng gì.
Ngày 5-2 (nhằm ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thìn), gia đình anh Đông – nhân viên Cảng Sài Gòn đã đi chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM ra Thanh Hóa. Gia đình cũng mua 4 vé khứ hồi từ Thanh Hóa vào TP.HCM mùng 6 Tết (nhằm ngày 15-2). Theo thông báo, đúng 9 giờ sáng mùng 6 Tết, gia đình anh có mặt tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cứ ngỡ, buổi trưa cùng ngày sẽ có mặt ở TP.HCM. Nào ngờ… Gia đình anh cùng gần 200 hành khách khác nhận được “hung tin” của nhân viên sân bay: “Do thời tiết xấu, máy bay không hạ cánh xuống Sân bay Thọ Xuân, Thanh Hóa được nên phải hạ cánh ở Sân bay Nội Bài, Hà Nội. Vì vậy những hành khách đi trên chuyến bay từ Thanh Hóa vào TP.HCM phải ra Hà Nội để bay vào TP.HCM”. Sau đó, gia đình anh được trả lại 1,2 triệu đồng để bắt xe ra Hà Nội. “Để kịp chuyến bay, chúng tôi phải thuê taxi chạy từ Thọ Xuân, Thanh Hóa ra Sân bay Nội Bài, Hà Nội hết 2 triệu đồng. Bỗng dưng mất đứt 8 trăm ngàn, lại cũng phải ngồi xe mấy tiếng đồng hồ ra Hà Nội. Cứ tưởng mua được vé khứ hồi, có sân bay gần nhà là sướng, ai ngờ…”, anh Đông chán nản nói lại.
Anh Trường (quê Hà Nội) – nhân viên Ngân hàng Á Châu cũng thừa nhận: “Giờ bay trễ 2-4 tiếng, thậm chí là cả ngày trong dịp Tết là chuyện tôi thường gặp. Cứ tưởng đi máy bay là sướng, nhưng không phải chuyến bay nào cũng suôn sẻ”.
Còn chị Dân – bảo mẫu một trường THPT tư thục ở Q.Tân Bình về quê Quảng Trị ăn Tết, khi trở lại TP.HCM bằng tàu phải ngồi ghế súp. Chị bức xúc kể: “Cũng mất tiền mua vé nhưng lại không có được chỗ ngồi cho ra hồn. Nhà tàu cho một cái ghế nhựa đặt giữa lối đi, mỗi khi có người đi lại phải xách ghế đứng nép vào một chỗ nào đó, thậm chí còn đứng cả trong nhà vệ sinh. Buổi tối, ngủ ngồi cũng không có chỗ để ngủ nữa…”.
Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)