Ngày 22-7, Bộ GD-ĐT thông báo, bắt đầu từ 14 giờ 30 ngày 22-7, thí sinh cả nước có thể truy cập các trang mạng để xem điểm thi. Theo đó, ngoài việc các sở GD-ĐT gửi giấy báo điểm cho thí sinh theo địa chỉ thí sinh nộp hồ sơ dự thi, thí sinh có thể tra cứu kết quả thi tại các trang mạng của Bộ GD-ĐT, các cụm thi và các báo điện tử được Bộ GD-ĐT công bố. Như vậy, đây đã là một sự thay đổi chóng vánh của Bộ GD-ĐT. Bởi trước đó, Bộ GD-ĐT đã khiến dư luận ồn ào vì yêu cầu các cụm thi không công bố điểm thi. Sau khi công luận đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ, Bộ GD-ĐT đã quyết định để một số cụm thi công bố kết quả như trong thông báo ngày 22-7.
Tuy nhiên, cả chiều qua, thí sinh và phụ huynh cả nước, giới báo chí đã vô cùng “vật vã” mà vẫn không thể xem được điểm thi, vì website xem điểm thi của Bộ GD-ĐT cũng như thông qua các kênh báo chí gặp sự cố truy cập, chưa cho ra kết quả điểm thi THPT 2015. Từ hồi hộp, thí sinh và phụ huynh chuyển sang bức xúc. Tại nhiều thời điểm trong chiều 22-7, trang web của Bộ GD-ĐT có thể truy cập được và hiện ra ô tra cứu điểm thi bằng cách nhập số báo danh và mã xác nhận của hệ thống. Tuy nhiên, khi gõ số báo danh cần tra cứu, hệ thống lại gửi lại thông điệp: “Hiện Bộ GD-ĐT vẫn đang cập nhật dữ liệu kỳ thi THPT quốc gia nên chưa có dữ liệu để thí sinh và nhân dân tra cứu. Đề nghị các thí sinh và nhân dân tiếp tục theo dõi”. Sau đó, trang web xem điểm thi của Bộ GD-ĐT không thể truy cập được nữa và báo lỗi “504”. Cho đến cuối ngày 22-7, việc truy cập điểm thi vẫn lúc được lúc không.
Câu hỏi đặt ra là tại sao năm nay, việc công bố điểm thi lại bỗng dưng nhiêu khê như vậy? Và tại sao, quyền được biết điểm thi sớm nhất của thí sinh lại trở lên khó khăn như vậy? Khác với mọi năm, thi tốt nghiệp xong là các tỉnh công bố kết quả; thi ĐH-CĐ xong là các trường công bố kết quả. Năm nay, lần đầu tiên chúng ta thực hiện kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, vì thế cùng với nhiều đổi mới khác, việc công bố điểm thi Bộ GD-ĐT cũng có quy định mới. Theo đó, thay vì để các trường công bố điểm thi như trước đây, Bộ GD-ĐT là đơn vị duy nhất nắm dữ liệu và công bố điểm thi THPT quốc gia 2015, các kênh báo chí đóng vai trò “cầu nối” giữa thí sinh với cổng thông tin tra cứu dữ liệu điểm thi của bộ. Tức là các báo điện tử muốn giúp thí sinh tra cứu điểm thi thì cũng phải thông qua cổng http://thi.moet.gov.vn; sử dụng mã nhúng, để nhúng liên kết http://thi.moet.gov.vn vào trang tra cứu điểm của báo điện tử, theo giao diện mà bộ đã lập. Bộ GD-ĐT lưu ý, các báo không đặt biểu tượng vào giao diện chuẩn.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, điều này với mục đích để tất cả các thí sinh có thể tra cứu điểm thi của mình bắt đầu từ một thời điểm nhất định, bảo đảm chính xác hoàn toàn, tránh xảy ra trường hợp thí sinh ở cụm này biết trước, trong khi cụm kia biết sau gây cảm giác sốt ruột cho nhiều thí sinh. Điều đó có nghĩa, khi nào Bộ GD-ĐT công bố điểm thi, thí sinh mới có thể truy cập được website trên. Còn theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), khi xây dựng cổng thông tin, đã tính toán để đảm bảo thông suốt. Bộ GD-ĐT dự đoán, thí sinh sẽ truy cập điểm thi nhiều trong 3 ngày đầu tiên. Bộ GD-ĐT không dám chắc sẽ thông suốt 24/24 giờ của cả quá trình mà không tắc nghẽn, nhưng sẽ đảm bảo cho thí sinh tra cứu thuận lợi nhất… Thế nhưng thực tế thì nhiều giờ sau khi Bộ GD-ĐT thông báo thí sinh có thể truy cập điểm thi thì hàng ngàn thí sinh vẫn phải “bó tay” vì không thể xem được điểm thi.
Điều này đã khiến rất nhiều người bức xúc. Gần 1 triệu thí sinh cùng với khoảng 2,5 triệu người dân (là bố, mẹ, người thân của thí sinh) sẽ phải đối mặt với tâm lý chầu chực ngày đêm để vào mạng xem điểm. Đó là lý do mà nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT “cần phải thấy được sự không ổn và sửa lỗi sai của mình gấp” bằng cách yêu cầu các cụm thi công bố kết quả thi, gửi kết quả về cho các trường THPT sớm để học sinh, tránh sự quá tải khi truy cập mạng, bảo đảm cho thí sinh có đủ thời gian nghiên cứu kết quả thi phục vụ cho việc xét tuyển ĐH-CĐ. Quan trọng hơn, là không thể để tâm lý căng thẳng cho thí sinh.
Rõ ràng, lý giải của Bộ GD-ĐT về việc phải thống nhất công bố điểm thi nhằm bảo đảm chính xác, không gây tâm lý hồi hộp cho thí sinh là không thuyết phục. Kết quả chấm thi do cụm thi gửi về Bộ GD-ĐT để công bố thì không thể nói là sợ thiếu chính xác. Các cụm thi công bố điểm trước hay sau là bình thường, không thể nói là sợ thí sinh hồi hộp! Có nên không khi Bộ GD-ĐT “thâu tóm” công bố điểm thi, càng làm càng rối, không đảm bảo được thông suốt, lại gây chậm trễ… Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ: có hay không với tình trạng này, xã hội không thể giám sát kết quả thi năm nay?
Theo Lâm Nguyên/ SGGP
Bình luận (0)