Việc đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới sẽ khiến GV vất vả thêm. Ảnh: Anh Khôi
|
Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT (gọi tắt là thông tư 30) về việc ban hành quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học thay thế thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 15-10, tất cả giáo viên (GV) tiểu học đều có nhiều băn khoăn, lo lắng.
Theo thông tư 30, cách đánh giá HS tiểu học có nhiều khác biệt so với trước đây. Về nội dung đánh giá, GV phải đánh giá đến 3 nội dung: Thứ nhất, đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của HS theo chuẩn kiến thức, kĩ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Thứ hai, đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của HS. Thứ ba, đánh giá sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của HS. Ở mỗi nội dung đều có nhiều tiêu chí mà HS phải thực hiện nhưng mỗi nội dung chỉ có 2 mức đánh giá tổng hợp.
Ở nội dung 1: Phần đánh giá thường xuyên hoạt động học tập thì không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà nhận xét bằng lời nói trực tiếp với HS hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của các em. Hàng tháng, GV ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung học tập từng môn học. HS lớp 4, 5 phải học 9 môn học (môn tiếng Việt lại gồm 4 phân môn). Vậy GV phải mất bao nhiêu thời gian và công sức để ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục từng môn học theo yêu cầu: Khi nhận xét, GV cần động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời… Đánh giá thường xuyên thì không dùng điểm số nhưng đánh giá định kì kết quả học tập cuối học kì I và cuối năm học thì cho điểm theo thang điểm 10. Vậy trong suốt nhiều tháng học tập, HS và cả phụ huynh làm sao nắm được các em đang đạt ở mức độ điểm nào trong học tập? Việc không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên thì liệu có phải điều chỉnh, thay đổi chương trình giảng dạy? Chẳng hạn ở phân môn tập làm văn lớp 5, phân phối chương trình ở tuần 5, bài học Luyện tập làm báo cáo thống kê có yêu cầu: “1/Thống kê kết quả học tập trong tháng của em theo các yêu cầu sau: a) Số điểm dưới 5. b) Số điểm từ 5 đến 6. c) Số điểm từ 7 đến 8. d) Số điểm từ 9 đến 10. 2/Lập bảng thống kê kết quả học tập trong tháng của từng thành viên trong tổ và cả tổ” (sách Tiếng Việt 5, tập 1 trang 51) thì sẽ dạy thế nào? Việc đánh giá thường xuyên hoạt động học tập có sự tham gia đánh giá của cha mẹ HS. Hiện nay, sẽ có bao nhiêu phụ huynh có thời gian tìm hiểu rõ cách đánh giá và theo sát việc học tập của con em để có được đánh giá khách quan, chính xác hay chỉ gây thêm mâu thuẫn bất đồng giữa phụ huynh và GV trong nhận xét, đánh giá HS. Tổng hợp đánh giá quá trình học tập của HS ở cuối học kì I và cuối năm chỉ có 2 mức là Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Như thế thì làm sao động viên, khuyến khích được các em cố gắng học giỏi bởi điểm 5 cũng như điểm 10.
Ở nội dung 2 – Đánh giá sự hình thành và phát triển một số năng lực của HS và nội dung 3 – Đánh giá thường xuyên sự hình thành và phát triển phẩm chất của HS đều có nhiều tiêu chí. GV cũng lại tốn nhiều thời gian, công sức để hàng tháng ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Tổng hợp đánh giá cuối học kì I và cuối năm ở 2 nội dung này cũng chỉ có 2 mức độ là Đạt hoặc Chưa đạt. Vậy, nếu các em không thực hiện 1-2 tiêu chí của nội dung đánh giá đề ra thì đánh giá thế nào cho chính xác?
Theo thông tư 30, hồ sơ đánh giá HS từng năm học của mỗi em bao gồm: Học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, bài kiểm tra định kì cuối năm học, phiếu hoặc sổ liên lạc, giấy chứng nhận thành tích học tập của HS. Như thế, GV lại tiếp tục “bội thu” hồ sơ sổ sách và “tập chép” lời nhận xét chi chít từ sổ này sang sổ khác.
Lê Phương Trí
(GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4, TP.HCM)
Thời gian gần đây, GV tiểu học quá vất vả với những thông tư, quy định thay đổi liên tục của ngành. Chúng tôi luôn mong muốn một sự đổi mới toàn diện nhưng khả thi và bớt đi phần nào gánh nặng công việc mà người GV tiểu học hiện nay phải đảm nhận. |
Bình luận (0)