Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Vất vả xoay xở bữa ăn cho trẻ mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, rất nhiều trường mầm non (MN) đã phải thoả thuận với phụ huynh học sinh tăng tiền ăn cho trẻ, từ mức thấp nhất là 5.000 đồng lên mức trung bình 10.000 – 15.000 đồng/ngày. Một số trường tư thục thu ở mức cao 35.000 đồng/ngày.

Nội thành: Phụ huynh đồng lòng với nhà trường
Hầu hết các trường công lập tăng tiền ăn thêm từ 2.000 – 5.000 đồng/ngày. Trường MN 8.3 tăng từ 12.000 đồng/ngày lên 15.000 đồng/ngày từ sau tết. Trường MN B thì đã tăng từ đầu năm học, từ mức 10.000 đồng/ngày lên 20.000 đồng/ngày cho 2 bữa phụ và 1 bữa chính…
Giá thực phẩm tăng đã ảnh hưởng tới bữa ăn của học sinh mẫu giáo.
Tại các trường MN tư thục, tiền ăn thường đã gấp đôi, gấp rưỡi trường công lập, nhưng từ sau tết cũng đã phải thu thêm. Như Trường MN tư thục Just Kids tăng tiền ăn từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/ngày, trường MN tư thục Minh Hải tăng tiền ăn từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/ngày…
Thực tế, trước tình hình giá cả tăng cao, tăng tiền ăn với nhiều trường là điều khó tránh khỏi, nên việc thoả thuận giữa nhà trường với phụ huynh hầu như không gặp khó khăn. Thậm chí, chị Thu Tâm – ở phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, có con học tại Trường MN 8.3 – nhận xét, với 2 bữa ăn 1 chính 1 phụ như hiện nay thì 15.000 đồng “vẫn còn ít” vì “cho bé ra ăn một bát cháo ngoài hàng cũng đã hết ngần đấy tiền”. Còn bà Bùi Thị Hải – Hiệu trưởng Trường MN B – thì vẫn cho rằng “với mức thu 20.000 đồng/ngày nhà trường vẫn không thể giữ được chất lượng bữa ăn như trước. Hiện nay các cô nuôi rất vất vả khi phải xoay xở chi tiêu với số tiền đã tăng mà vẫn hạn chế này. Các cô nuôi thường xuyên phải thay đổi món ăn theo hướng tăng các món ăn giàu dinh dưỡng từ thực vật như lạc, vừng…, giảm các loại đồ ăn đắt tiền như hải sản”.
Có trường chưa tăng ngay tiền ăn như Trường MN Cát Linh thì đã thông báo cho phụ huynh biết trường chuyển tiền sữa 2.000 đồng/ngày sang bữa chính của các cháu, phụ huynh sẽ tự lo khẩu phần sữa cho con.
Ngoại thành: Cái khó ló cái… chăm
Việc tăng tiền ăn ở khu vực ngoại thành gặp khó khăn hơn. Hiện các trường MN ở Gia Lâm có mức thu tối thiểu là 10.000 đồng/ngày. Theo ông Nguyễn Văn Quý – Trưởng phòng GDĐT huyện Gia Lâm – thì đây là ngưỡng để đảm bảo mức dinh dưỡng tối thiểu cho trẻ.
Tuy nhiên, với một địa bàn còn nhiều gia đình có điều kiện kinh tế quá khó khăn, thì một số trường vẫn không thể thu được mức này đối với toàn bộ học sinh trong trường. Những trường hợp này, theo ông Quý, “chúng tôi phải giải quyết bằng các yêu cầu nhà trường đảm bảo việc học tập, sinh hoạt khác cho những cháu này trên lớp, còn gia đình sẽ lo bữa chính cho các cháu ở nhà”.
Một “gương” khác ở khu vực ngoại thành đang được các trường MN xem xét học tập là Trường MN Mai Đình A, huyện Sóc Sơn. Bà Nguyễn Thị Toàn – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, trường đã vận động phụ huynh bán các loại thực phẩm tự chăn nuôi, trồng trọt của gia đình cho nhà trường với mức rẻ hơn ngoài thị trường vài giá. Hiện nhà trường có hơn 600 học sinh thì đã có gần 50% nhu cầu thực phẩm được cung cấp từ phụ huynh.
Theo bà Toàn, sở dĩ trường nhận được sự ủng hộ cao như vậy vì nhà trường đã tuyên truyền giải thích, phụ huynh cũng hiểu việc làm này là để tạo điều kiện đảm bảo dinh dưỡng cho chính con em mình. Bên cạnh đó, trường còn khuyến khích các cô nuôi trồng rau, trồng nấm trên đất của trường. Các cô làm từ 4 – 6 giờ chiều, được hưởng phần trăm sản phẩm cung cấp cho trường bù cho công làm việc.
Năm học này sắp kết thúc. Theo đa số các hiệu trưởng trường MN thì việc tăng tiền ăn ở mức “cầm chừng” cũng như việc áp dụng một số biện pháp khác để duy trì mức ăn hiện nay của trẻ thực tế mới chỉ là tạm thời. Vào năm học mới 2011 – 2012, nếu giá thực phẩm cũng như giá gas, điện, nước… vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay, thì việc tiếp tục tăng tiền ăn là điều khó tránh khỏi.
Ngân Anh / Lao Động

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)