Hội nhậpThế giới 24h

Vatican phủ nhận mối đe dọa từ mafia với Giáo hoàng

Tạp Chí Giáo Dục

Theo phóng viên tại Italy, Vatican đã gạt bỏ mọi quan ngại xoay quanh sự an toàn của Đức Giáo hoàng Francis I, cho rằng không có lý do để lo ngại trước những đồn đoán về mối đe dọa của mafia đối với ngài.

Federico Lombardi, người phát ngôn của Tòa thánh hôm 15/11, khẳng định rằng, Giáo hoàng "cực kỳ bình tĩnh" về mối đe dọa được viện dẫn ra và "Tòa Thánh không có gì phải lo lắng bởi đây chỉ là những tin đồn thường tình."

Vatican đã gạt bỏ mọi quan ngại xoay quanh sự an toàn của Đức Giáo hoàng Francis I. (Nguồn: AP)

Trước đó, Nicola Gratteri, một công tố viên ở Reggio Calabria, một thành phố miền nam Italia, đã đưa ra lời cảnh báo rằng, băng Đức Giáo hoàng Francis có thể là mục tiêu của mafia vì những cải cách của ông đối với Ngân hàng Vatican nhằm cải thiện tính minh bạch tài chính cho Vatican.

Theo Gratteri, băng đảng mafia khét tiếng Ndrangheta tức tối vì Giáo hoàng đang đe dọa lợi ích của mình cũng như chạm nọc bọn tội phạm có tổ chức khi tiến hành công cuộc cải cách Ngân hàng Vatican.

Nicola Gratteri vốn là kẻ thù trứ danh của Ndrangheta khét tiếng tại Reggio Calabria. Mặc dù không chứng minh cảnh báo của mình, nhưng lời nói của Gratteri lan truyền trên các phương tiện truyền thông Italy và nước ngoài, thổi bùng lên mối lo ngại cho sự an toàn của Giáo hoàng.

Ngụ ý trong những lời bình luận của Gratteri là mafia Italy có chân rết trong các cơ quan và các giao dịch tài chính không rõ ràng của Vatican.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 3/2013, một trong những bước đi đầu tiên của Giáo Hoàng Francis là thiết lập một ủy ban đặc biệt có nhiệm vụ điều tra Ngân hàng Vatican và kiểm tra tình hình tài chính toàn bộ Vatican, xử lý nhiều cổ phần bất động sản trong nội bộ ngân hàng Vatican cũng như kêu gọi nhà tư vấn tài chính Mỹ tiến hành đánh giá khách quan các quy luật chuyển tiền lậu của ngân hàng của Vatican.

Ngân hàng Vatican, được gọi là Viện Công trình tôn giáo, cổ đông chính của Ngân hàng Banco Ambrosiano, bị sụp đổ vào năm 1982 trong bối cảnh những cáo buộc rửa tiền cho mafia.

Chủ tịch Ngân hàng Banco Ambrosiano, Roberto Calvi, được gọi là "Chủ ngân hàng của Chúa," đã bị treo trên một cây cầu ở London cùng năm 1982, vụ giết người được nghi ngờ được thực hiện bởi mafia.

Cục Quản lý Di sản của Tòa Thánh, cơ quan của Vatican quản lý tài sản bất động sản cũng đã bị giám sát khi vị giáo sỹ cấp cao Nunzio Scarano của cơ quan này bị bắt vào tháng 6/2013 vì bị tình nghi đóng vai trò chính trong các vụ thanh toán quốc tế không rõ ràng thực hiện thông qua ngân hàng Vatican.

Scarano đã viết thư cho Giáo hoàng để bảo vệ mình đồng thời cũng cáo buộc các hồng y của Vatican đã bao che cho các hoạt động tài chính bất thường được thực hiện bởi cấp trên của mình.

Tại Italy, nhiều nhóm tội phạm có tổ chức khác nhau thường được xem là chịu trách nhiệm về các vụ ám sát và bắt cóc, tuy nhiên nổi tiếng nhất vẫn là tổ chức mafia Calabria Ndrangheta.

Tổ chức mafia Ndrangheta thống trị vùng Calabria, khu vực nghèo khó ở miền Nam Italia, chuyên về ma túy, buôn bán vũ khí, mại dâm, tống tiền và xây dựng trái phép và đóng vai trò chủ chốt trong các hoạt động tội phạm có tổ chức trên khắp châu Âu cũng như các đường dây buôn bán ma túy quốc tế từ Nam Mỹ.

Trong những thập kỷ qua, Ndrangheta đã trở thành tổ chức mafia lớn nhất và đáng sợ nhất trong số bốn băng đảng tội phạm có tổ chức lớn ở Italia./.

Phạm Thành/Rome

(Vietnam+)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)