Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vay dễ, trả khó

Tạp Chí Giáo Dục

Các trường CĐ-TC tư thục rất muốn vay vốn kích cầu để đầu tư trang thiết bị nhưng ngại lãi suất cao, thời hạn vay chỉ 7 năm khó thu hồi vốn và kế hoạch trả nợ rất dễ bị phá sản.

Học sinh ngành điều dưỡng học thực hành với mô hình. Ảnh: D.Bình

Không phân biệt công, tư

“Mua sắm còn thiếu cái gì thì đề xuất vay vốn kích cầu chứ các trường không thể “tay không bắt giặc”. Như muốn đầu tư máy tiện CNC giá 12 tỷ đồng nhưng còn thiếu kinh phí thì vay chứ không có tiền mà đi vay thì không được”. Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) tại buổi làm việc mới đây với hơn 30 trường CĐ và TC tư thục trên địa bàn về đầu tư trang thiết bị để nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Ông Lâm cho biết hiện nay các trường “có cái gì thì dạy cái đó” chứ chưa đầu tư đúng mức, thậm chí có trường còn đào tạo học sinh, sinh viên bằng những thiết bị dạy nghề từ thập niên 80 của thế kỷ trước. “Chúng tôi không phân biệt trường công hay tư, các trường hãy mạnh dạn chia sẻ khó khăn, đề xuất để được vay vốn kích cầu đầu tư trang thiết bị đào tạo hiện đại đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hội nhập và theo mong muốn của người học”, ông Lâm khẳng định.

Cân nhắc trước khi vay vốn kích cầu

Đại diện các trường bày tỏ mong muốn được vay vốn kích cầu để đầu tư trang thiết bị, xây dựng và cải tạo lại cơ sở vật chất. Tuy nhiên, các trường cũng không khỏi lo lắng về các điều kiện ràng buộc khi vay vốn kích cầu trong thời hạn 7 năm. Theo quyết định này, mức lãi suất hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng, cộng thêm chi phí quản lý 2%/năm.

Ông Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cho rằng với thời hạn vay quá ngắn, trong khi lãi suất khá cao, khoảng 7% cộng với 2% chi phí quản lý thì khả năng thu hồi vốn tái đầu tư gặp khó khăn. Tương tự, ông Đặng Văn Sáng (Hiệu trưởng Trường TC Bách Khoa TP.HCM) lo ngại vay thì dễ nhưng hướng trả nợ mới khó, bởi thời hạn vay ngắn mà lãi suất cao thì kế hoạch trả nợ dễ phá sản. Với mức lãi suất này, các trường cũng đề xuất nới thời hạn vay từ 10-15 năm thì nhà trường mới dám “đeo bám” hoặc tính lãi ngang với lãi suất ngân hàng.

Vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án

Theo Quyết định 50/2015/QĐ-UBND về thực hiện chương trình kích cầu của TP, mức vốn vay không quá 100 tỷ đồng/dự án, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 7 năm. Số vốn vay của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị. Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, đầu tư mua sắm trang thiết bị có công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao sẽ được ngân sách TP hỗ trợ toàn bộ lãi suất. Cụ thể là những dự án đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thuộc 4 nhóm ngành trọng yếu, gồm: Cơ khí, ngành nhựa – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm, điện tử – công nghệ thông tin và hai ngành truyền thống là dệt may, da giày. Những dự án được ngân sách TP hỗ trợ 50% lãi suất gồm: Dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cho các ngành sản xuất vật liệu composit, vật liệu mới chất lượng cao… Các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo mở rộng, mua sắm trang thiết bị được ngân sách của TP hỗ trợ toàn bộ lãi suất, gồm: Trường học từ mầm non đến ĐH đạt tiêu chuẩn theo quy định từng bậc, ngành học tương ứng; trường TC, CĐ nghề…

Trong khi đó, đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cho rằng hợp đồng tín dụng là hợp đồng dân sự giữa trường và tổ chức tín dụng, Nhà nước không can thiệp vào thời hạn vay cũng như lãi suất. Đại diện sở này cũng lưu ý, chủ đầu tư có thể vay vốn kích cầu cho nhiều dự án chứ không phải nhiều giai đoạn của một dự án. Nếu dự án nào đã hoàn tất nợ thì có thể làm thủ tục vay cho dự án khác. Số vốn vay này chỉ phục vụ đầu tư trang thiết bị, xây dựng, mở rộng và cải tạo cơ sở vật chất trên cơ sở trường đã sở hữu…

Ông Nguyễn Văn Lâm cũng lưu ý các trường cân nhắc kỹ trước khi tham gia chương trình kích cầu đầu tư. Các dự án phải thể hiện rõ mục tiêu đầu tư, hình thức đầu tư, tính khả thi của dự án… để tránh tình trạng gặp khó khăn bởi hạn vay ngắn. Đặc biệt nên chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, sử dụng lâu dài và tránh đầu tư dàn trải.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)