Câu chuyện về M.H, một nữ sinh lớp 11 (chuyên toán) trường tôi có hoàn cảnh thật éo le. Cha mẹ ly hôn (nguyên nhân chia tay mà người chồng đưa ra là vợ “không biết đẻ” vì sinh cả hai đứa đều là con gái); cả hai chị em đều chọn ở với mẹ…
Sức học của em xuống thấy rõ khi bước vào học kỳ 2. Tôi gặp em sau những buổi trưa, em ở lại trường; nghỉ trong lớp và ăn cơm ở căng tin trường. Đôi mắt to tròn, ngây thơ như nhìn xoáy vào tôi với câu hỏi “Tại sao? Tại sao?”… Em trở nên ít nói, nhiều hôm như người thất thần vì cú sốc quá lớn đối với tâm lý của em. Em bị mất cân bằng trong tâm lý, trong tình cảm gia đình. Mấy lần giáo viên gọi trả bài nhưng em đều không thuộc; bị điểm kém và ảnh hưởng phong trào thi đua của lớp… Giáo viên các bộ môn khác cũng đều phản ánh; vì trước đây, M.H học giỏi đều các môn!
Trước tình hình đó, tôi kịp thời gặp riêng từng giáo viên bộ môn, nói rõ hoàn cảnh gia đình của em để thầy cô lưu ý, cảm thông. Mỗi lần vô lớp, tôi đều lựa lời khuyên nhủ các em. Chẳng hạn những câu chuyện về những nỗi đau trong cuộc đời; chúng ta hãy nhìn về phía trước để bước tới. Các giáo viên bộ môn cũng góp sức cùng tôi trong việc giáo dục ý chí vượt lên hoàn cảnh…
Trong những buổi sinh hoạt lớp, những buổi dã ngoại; tôi hướng dẫn học sinh khéo léo lôi cuốn M.H vào những cuộc vui chung; hòa đồng trong tập thể, tìm thấy niềm vui trong tình bạn sẻ chia, đồng cảm… Sức học của em ngày càng tiến bộ và cuối năm, em đạt danh hiệu “học sinh giỏi” của trường.
Vào năm học cuối cấp, em tỏ ra vui tươi hơn vì tìm thấy trong tập thể lớp luôn có sự đồng cảm, sẻ chia. Những lời động viên, an ủi của giáo viên bộ môn cũng làm cho em có niềm tin hơn vào cuộc sống.
Từ cú sốc tưởng chừng không vượt qua được; với ý chí, nghị lực của bản thân cùng với sự giúp đỡ về mọi mặt của bạn bè, thầy cô; M.H xuất sắc đạt loại giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp và thi đậu vào ngành kiểm toán.
Giờ em đã ra trường và đi làm tại TP.HCM. Mỗi năm, Ngày 20-11, ngày Tết, M.H thường điện thoại về kính thăm thầy cô, bè bạn. Tôi rất mừng cho em, đứa học trò bé bỏng, tội nghiệp ngày nào nay chững chạc, trưởng thành rất nhiều trong sự nghiệp.
Vậy đó, giờ em đã vượt qua nghịch cảnh! Nghịch cảnh này không tự em gây ra mà do người lớn tạo ra. Xin các bậc cha mẹ, trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng trong cuộc sống gia đình, hãy nghĩ đến con cái, hãy vì con cái… Và trong nhà trường, chúng ta hãy hiểu và nắm được hoàn cảnh gia đình học sinh để có cách ứng xử hợp tình hợp lý; giúp các em vượt qua và học tốt…
Lam Hồng
(Nhà giáo ở Sóc Trăng)
Bình luận (0)