Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vậy mới sành điệu?

Tạp Chí Giáo Dục

Ảnh minh họa.

Có những sự thay đổi là tích cực. Nhưng cũng có những sự thay đổi ở họ khiến bạn bè “khó chịu” rồi từ từ xa lánh họ dần. H.Q (THPT.M) nhờ gia đình có điều kiện nên được ba mẹ cho đi du học từ năm lớp 11. Những ngày còn ở Việt Nam, H.Q đã là một người khá tự tin về mình. Sức học khá tốt, nhà giàu có, vẻ ngoài bảnh bao nên việc Q. tự tin không có gì là lạ.  

Nhưng đến khi sang Mỹ, tất cả những ai từng biết Q. ở Việt Nam đều “choáng váng” vì sự thay đổi cấp độ “tự tin” của anh bạn vốn từ 1 nay đã lên tới 100. Trên blog của Q. đầy những bài viết “tự khen” bản thân với một list các thành tích mà anh bạn tự hào gặt được dù chỉ mới qua, có khi lại còn tỏ ý chê bai những bạn cùng lớp hay từ nước khác qua du học mà học “không bằng mình”.  

Mặt khác, cách xử sự của Q. cũng xoay 180 độ. Nhìn avatar hình trong blog của những bạn gái quen ngày xưa học cùng lớp, Q. thường cho những câu bình phẩm về ngoại hình của họ, so sánh với con gái ở Mỹ rồi “kết luận” xanh rờn đại loại như: “Dáng bà có gì hay đâu mà khoe!” khiến cô bạn học cùng hồi đó tức phát khóc vì cô bạn post hình lên không phải chỉ là để “khoe dáng” như Q. nghĩ.  

Có lẽ vì thế mà khi Q. về thăm nhà, gọi cho mọi người, ai cũng né tránh. Thậm chí có người còn phũ phàng cúp máy cái cụp không thương tiếc khi nghe tiếng Q.  

Trường hợp của N.V (18 tuổi) lại là chuyện khác. Năm lớp 10,V. được nhà cho đi Úc du học. Một năm sau đó, V. trở về, rủ nhóm bạn cũ họp mặt.  

Có lẽ sẽ chẳng có gì đáng phải bàn nếu như V. không liên tục “xổ” tiếng Anh dù trong nhóm toàn bạn bè người Việt. Trong câu nói, V. lại hay xen những từ tiếng Anh trộn với tiếng Việt. Nghe một hồi cứ tưởng như hai thứ tiếng đang đấu đá nhau. Giữa đám đông, kêu mọi người,V. cũng sử dụng tiếng Anh mà còn cố ý la to cho mọi người xung quanh ngoái nhìn.  

Mặc dù vậy,V. vẫn không để ý vẻ khó chịu từ bạn bè mình. Vì ai cũng biết, từ nhỏ tới lớn,V. sống ở Việt Nam, học trường Việt Nam, đi du học mới có một năm nên việc quên tiếng Việt là điều không thể. Không biết cô bạn làm như vậy là do “thói quen sống ở nước ngoài” hay là để chứng tỏ mình “sành điệu” và “giỏi giang”.  

***  

Được đi du học là một điều kiện tốt để bạn năng động, tự tin và học hành tốt hơn. Hãy thay đổi theo một hướng tích cực để khẳng định khả năng của mình. Chứ không phải ”thay đổi” theo hướng chỉ để chứng tỏ bản thân “Ta đây được đi du học”. Vì nếu như thế, bạn chẳng những không nhận được sự nể phục nào mà còn đẩy bạn bè xa mình hơn.  

Theo Mực Tím

 

Bình luận (0)