Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vay ngang hàng – sân chơi mới của vay nặng lãi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ một mô hình tín dụng trực tuyến được xem là có nhiều ưu việt vì có thể cắt giảm chi phí cho cả người cho vay lẫn người vay lại đang bị biến tướng thành sân chơi của hoạt động tín dụng đen.

Vay ngang hàng (Peer to Peer Lending-P2P) đang phát triển nhanh tại TP.HCM.  Loại hình này sử dụng công nghệ thông tin để kết nối trực tiếp người cho vay (còn gọi là nhà đầu tư) và người đi vay với nhau. Người đi vay chỉ cần lên các website vay ngang hàng (còn gọi là các website cho vay trực tuyến), đăng ký thông tin, gói vay sẽ được hệ thống tự động liên kết với nhà đầu tư, sau đó hai bên tiến hành làm hồ sơ vay rồi giải ngân.

Tuy nhiên, dù hoạt động khá rầm rộ nhưng vay ngang hàng hiện nay lại chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức từ Ngân hàng Nhà nước nên hoạt động này đang bị biến tướng. Các trang vay tiền trực tuyến, vay tiền online, cho vay ngang hàng… mọc lên như nấm. Nhiều trang không thẩm định kỹ nhà đầu tư, quá trình trở thành nhà đầu tư dễ dàng dẫn đến tình trạng những người kinh doanh tín dụng đen, cho vay nặng lãi cũng dễ dàng tiếp cận khách hàng.

Một số trang còn có cả ứng dụng (app) riêng để hoạt động cho vay trực tuyến. Chẳng hạn, công ty TNHH MTV Tư vấn Tài chính LGC tạo ra ứng dụng "Doctordong". Hạn mức cho vay của ứng dụng này cho vay 500.000 – 10 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại 360 Việt Nam cũng tự tạo ra ứng dụng "idong"…

Điểm chung của nhiều ứng dụng theo phản ánh từ những người từng vay là dù lãi suất vay thực tế cao hơn rất nhiều mức niêm yết chính thức. Chẳng hạn Doctor Dong niêm yết trên website chỉ có 10,95%/năm nhưng thực tế lãi suất lên đến 1-2%/ngày (tương ứng 365 – 730%/năm), số lãi suất đó được tính vào phí quản lý, phí làm hồ sơ và đủ loại phí khác mà người đi vay không hề được thông báo trước.

Tại website T.M, sau khi đăng ký hồ sơ vay, trang này chuyển thông tin của chúng tôi cho một nhà đầu tư tên Hùng tại Q.Tân Bình. Theo tìm hiểu Hùng là tay cho vay nặng lãi trả góp trên địa bàn quận với lãi suất 360%/năm. Nhiều người từng là con nợ của đối tượng này chỉ thằng, Hùng đang đăng ký hàng chục website mô hình vay ngang hàng, nhờ vậy mỗi ngày Hùng có thêm chục lượt khách hàng thay vì phải khó nhọc dán tờ rơi như trước đây.

Vay ngang hang- san choi moi cua vay nang lai
Nhiều sàn kết nối vay ngang hàng hiện nay không có hệ thống chấm điểm tín dụng

Hùng chỉ là một trong rất nhiều ông trùm cho vay nặng lãi núp bóng nhà đầu tư tại các website này. Bản chất thực sự của các đối tượng chỉ bộc lộ khi đòi nợ bằng các phương thức dằn mặt, đe dọa người vay. Nhiều khách hàng chậm trả bị “khủng bố” bằng tin nhắn, thậm chí còn công khai đòi trên mạng xã hội bằng cách lăng mạ, hạ nhục con nợ chẳng khác gì hình thức tạt sơn, ném chất thải vào nhà, khiến cuộc sống của người vay bị xáo trộn. 

Ngay cả các trang được cho là tổ chức vay ngang hàng đáng tin nhưng hầu hết đều không được kết nối với các ngân hàng. Đây chính là điểm hở để hoạt động tín dụng đen chi phối các trang P2P. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, hiện nay vay ngang hàng đang bị biến tướng theo hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất cao, rất cần khung pháp lý chính thức từ Ngân hàng Nhà nước để kịp thời giám sát loại hình này. Nếu tất cả đơn vị vay ngang hàng có mức lãi suất thấp như Interloan áp dụng thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người vay, nhất là người lao động có thu nhập thấp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Vay ngang hang- san choi moi cua vay nang lai
Nguyễn Ngọc Dũng (người đứng cầm micro), Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về vay ngang hàng

Ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành Interloan – một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ (fintech) cho rằng, vay ngang hàng là nền tảng kết nối thì tốt nhất sàn kết nối không được đụng vào tiền của khách hàng để giao dịch vay mượn mà phải là các ngân hàng. Vì vậy để minh bạch nguồn tiền, các đơn vị vay ngang hàng cần phải hợp tác với ngân hàng là thiết yếu.

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, các trang vay ngang hàng hầu hiện nay hầu như không đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của hoạt động kinh doanh này. Chẳng hạn, không kết nối với các ngân hàng, hệ thống chấm điểm tín dụng của khách hàng…. Chính vì vậy không tạo ra tính minh bạch, công khai, đảm bảo đúng pháp luật và an toàn cho các bên tham gia.

Theo Thanh Hoa/Phunuonline

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)