Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Vay nóng với thẻ tín dụng

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh vay tín dụng khó khăn, các nhân viên tín dụng ngân hàng đang phải loay hoay với việc bán thêm các sản phẩm như bảo hiểm, thẻ tín dụng… Để có thể chiều lòng khách hàng, những nhân viên này đã “vẽ đường” để hút khách.
Anh Hoàng, nhân viên văn phòng quận 1 vào trang web chovay…org để nhờ tư vấn mở thẻ tín dụng bằng tín chấp. Đúng với tôn chỉ mà trang web đưa ra “phục vụ khách hàng tận răng”, anh Hoàng được nhân viên tên P. mang hồ sơ mở thẻ cũng như tư vấn tại ngay… quán nhậu. Hỏi ra thì biết nhân viên này vốn làm tín dụng ở một ngân hàng thương mại cổ phần, do hoạt động cho vay khó khăn nên phải đi bán thêm sản phẩm thẻ tín dụng. Sau khi được nhân viên tư vấn chỉ vẽ khâu chuẩn bị một số giấy tờ và cách trả lời để có thể vượt qua cuộc thẩm tra của ngân hàng mở thẻ, anh còn được nhân viên tư vấn cho biết một sản phẩm khá độc của nhóm này đó là có cách để khách hàng rút được tiền mặt đến 99% hạn mức của thẻ tín dụng mà không bị ngân hàng tính lãi.
Người nhân viên này giải thích, đối với các khách hàng có thẻ tín dụng, việc rút tiền mặt thực sự là một điều tối kỵ bởi vì ngân hàng tính đủ thứ phí, từ phí phạt rút tiền mặt đến việc ngân hàng sẽ tính lãi ngay khi giao dịch rút tiền mặt thành công chứ không được cho hưởng lãi suất 0% trong 45 ngày như khi dùng thẻ tín dụng mua hàng.
“Thực chất, các ngân hàng rất “sung sướng” khi chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt ra để sử dụng. Vừa được phạt phí rút tiền mặt, vừa không phải cho khách hàng hưởng lãi suất 0% trong 45 ngày. Anh cứ làm một phép tính nhẩm vậy nhé, giả sử phí phạt khi rút tiền mặt thẻ tín dụng tại máy ATM là 4%, lãi suất thẻ tín dụng là 2% trong 30 ngày tức khoảng 3% trong 45 ngày. Như vậy khi rút tiền mặt, sau 45 ngày khách hàng sẽ thực sự chịu mức lãi suất lên tới 7%. Trong khi đó lãi suất vay nóng thị trường chợ đen hiện tại gần chạm mốc 8%/tháng”, nhân viên này phân tích. Và dịch vụ này của họ có thể xài được với phần lớn các thẻ tín dụng đang phát hành tại Việt Nam.
Với ANZ, nếu khách hàng rút tiền bằng thẻ qua quầy các ngân hàng khác thì ngoài phí 2%, phải trả thêm 5 USD cho một lần giao dịch, Techcombank tăng từ 3% lên 3,49%/giá trị giao dịch của khách hàng ở nước ngoài, HSBC cũng tăng từ 3% lên 4,5%, còn tại ACB, mức phí này đã là 5%/giá trị giao dịch. Riêng với việc thanh toán trong nước thì một tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay là khi khách hàng thanh toán phí dịch vụ, một số cơ sở vẫn “chặt” vài phần trăm. Những hạt sạn đó vẫn khiến cho khách hàng dùng thẻ tín dụng cảm thấy phiền toái.
Một tuần sau khi có thẻ, anh Hoàng liên hệ với nhân viên tư vấn trên và được hướng dẫn vào trang web của nhóm tư vấn này để thực hiện giao dịch rút tiền. Tại trang web này, anh được nhân viên tư vấn gọi điện trực tiếp để hướng dẫn thực hiện một số thao tác tiến hành điền thông tin vào một giao dịch thanh toán tiền với nội dung trả tiền tư vấn tài chính dưới dạng là “quyên góp” chứ không cần phải mua bất kỳ một món hàng nào để tạo ra một giao dịch “cà thẻ”. Thông tin của người nhận cũng chính là nhân viên đang tư vấn cho anh. Mức phí mà phía cho vay thu của anh Hoàng vào khoảng 3%.
Sau đó, anh Hoàng được chính nhân viên của trang web trên xác nhận lệnh chuyển tiền và khi anh Hoàng xác nhận đã nhận được “hàng” lập tức nhân viên tư vấn thông báo đã nhận được tiền và chuyển lại vào tài khoản của anh Hoàng số “tiền thối” sau khi đã trừ phí 3% (tối thiểu là 499.000 đồng và tối đa là 1.999.000 đồng). Bằng cách thức này, anh Hoàng có thể rút được 99% hạn mức thẻ của mình để sử dụng mà không chịu thêm một khoản lãi suất nào từ phía ngân hàng mở thẻ. Để bảo đảm việc chuyển tiền của mình, nhân viên tư vấn này cho hay nếu cần thiết thì họ sẽ đến gặp trực tiếp và có ký giấy tờ xác nhận để làm chứng và khách hàng có thể mang đi kiện nếu họ không chuyển tiền.
Không chỉ vậy, nhân viên tư vấn còn “mách nước” với anh Hoàng là nên thực hiện giao dịch vào những ngày đầu tháng để có thể hưởng trọn khoảng thời gian 45 ngày mà ngân hàng cho phép. Bên cạnh đó, có thể tận dụng tối đa khoảng thời gian miễn lãi này bằng cách mở hai thẻ ở hai ngân hàng.
Và như vậy, những người làm dịch vụ trung gian này, có thể thu về cho mình một khoản phí. Khách hàng tìm đến họ vì một nhu cầu duy nhất đó là tìm kiếm một khoản vay nóng “lãi suất thấp” (chi phí để thực hiện giao dịch), lách ngân hàng bằng thẻ tín dụng khi mà khách hàng không đủ điều kiện vay tín chấp.
Bảo Anh (Theo SGTT)

 

Bình luận (0)