Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Vay online lãi suất 700%: Chuyên gia kinh tế nói gì?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo TS Cấn Văn Lực, cho vay theo hình thức P2P có rất nhiều rủi ro, mà rủi ro nhiều nhất vẫn là ở những người cho vay so với người đi vay.

Cho vay theo hình thức P2P lãi suất 700% vẫn hút khách

Cho vay P2P đang bị biến tướng

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện có 1 công ty hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng P2P (Peer to Peer Lending – cho vay trực tuyến) mới thành lập ở Việt Nam khoảng 10 tháng, nhưng mỗi ngày có khoảng 2.000 đơn xin vay. Điều đó chứng tỏ nhu cầu vay của người tiêu dùng rất lớn.

Theo ông Lực, P2P là cách thức cho vay không thông qua trung gian là ngân hàng thương mại, chỉ có đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và người vay, giống như Uber, Grab dùng phần mềm để kết nối giữa những người có nhu cầu đi lại.

Vay online lãi suất 700%: Chuyên gia kinh tế nói gì? - ảnh 1

TS Cấn Văn Lực

“Sở dĩ phát sinh nhu cầu đó là do nhu cầu của người cần vay, bên cạnh sự phát triển công nghệ đã hỗ trợ cho hình thức vay ngang hàng P2P càng nhanh gọn hơn. Hình thức này không cần thông qua định chế tài chính trung gian, chi phí thấp, không cần chi nhánh, trụ sở… Do vậy mà lãi suất cho người vay không cao nên thu hút người có nhu cầu vay rất cao. Tuy nhiên, hình thức này đang bị biến tướng” – TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Cụ thể, có nhiều người huy động vốn xong không cho vay mà lấy tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác. Mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, nhà đầu tư không rõ ràng… Đồng thời hiện chưa có cơ sở pháp lý để quản lý mô hình cho vay này. Cũng chính vì chưa có khung pháp lý nên các công ty, nhà đầu tư cho vay xong sẽ dùng nhiều biện pháp để đòi nợ, thu hồi nợ, bao gồm cả thuê 'xã hội đen'… Một số công ty cho vay trực tuyến lợi dụng hình thức cho vay này rồi đưa thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên cả 100%/năm, thậm chí 700%/năm. Cũng theo TS Lực, không chỉ Việt Nam mà 1 số nước hiện nay cũng chưa có cơ sở pháp lý đối với hình thức vay P2P này.

“Cho vay theo hình thức P2P theo tôi có rất nhiều rủi ro. Mà rủi ro nhiều nhất vẫn là ở những người cho vay so với người đi vay. Do vậy, bên cho vay, nhà đầu tư mới dùng mọi kiểu để đòi nợ. Thế nhưng hình thức này không thể cấm được” – TS Cấn Văn Lực chia sẻ.

Vay online lãi suất 700%: Chuyên gia kinh tế nói gì? - ảnh 2
Mặc dù hình thức P2P chưa được cấp phép, song vẫn hoạt động rầm rộ

Cần pháp luật quản lý vay online

Mặc dù cho rằng hình thức vay P2P là xu hướng nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đề nghị, cần có khung pháp lý để quản lý hình thức cho vay này.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ có các ngân hàng hoặc công ty tài chính được sự cho phép của cơ quan điều hành mới được phép huy động vốn từ người có tiền và cho vay người có nhu cầu. Thế nhưng những công ty hoạt động cho vay ngang hàng dù chưa được NHNN cấp phép song vẫn hoạt động như một định chế tài chính. Nghĩa là họ cũng huy động vốn rồi cho vay như ngân hàng và công ty tài chính.

Vay online lãi suất 700%: Chuyên gia kinh tế nói gì? - ảnh 3
TS Nguyễn Trí Hiếu

Điều này không chỉ vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng mà còn gây rủi ro rất lớn cho người đi vay lẫn người cho vay. Ví dụ, nếu trong trường hợp những công ty này phá sản hoặc xuất hiện các công ty cho vay ngang hàng lừa đảo, gom tiền của nhà đầu tư rồi biến mất… thì toàn bộ tài sản của người cho vay khó có cơ hội lấy lại.

“Tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm cần cấp bách có các quy định và chính sách để quản lý loại hình cho vay này. Trước hết NHNN nên vào cuộc ngay để đưa ra các quy định của pháp luật cụ thể liên quan đến hợp đồng, lãi, phí, cách thức thu nợ, trả nợ… Qua đó để bảo vệ quyền lợi cho người dân ở cả vai trò là người góp vốn và người đi vay; tránh để xảy ra những biến tướng khó lường, gây rối loạn xã hội.

Đặc biệt, nếu mô hình cho vay online nói chung và vay ngang hàng nói riêng không được quản lý chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất béo bở để “nuôi” lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại TPHCM cho biết, hiện NHNN chưa cấp phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Trên địa bàn TP cũng chưa có bất cứ tổ chức, DN nào được cấp phép đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này. Với hoạt động về huy động vốn và cho vay là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép của NHNN. Một khi đã không được NHNN cấp phép thì cho dù DN cho vay với lãi suất 1%/năm cũng là vi phạm. “Khi cơ quan thanh tra giám sát của NHNN kiểm tra mà thấy vi phạm quy định của NHNN thì sẽ bị xử lý. Tùy theo mức độ mà đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt hành chính” – vị này nói.

UYÊN PHƯƠNG/ TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)