Nằm ở cuối bản đồ Tổ quốc, cất giấu trong mình nhiều điều mới lạ nên từ lâu Bạc Liêu đã có sức hút chào mời du khách một lần đến để khám phá và trải nghiệm quê hương cố nhạc sĩ nổi tiếng Cao Văn Lầu.
Cổng chính Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Đến với Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, biết bao cảm xúc dâng trào khi được nghe lại bản “Dạ cổ hoài lang” ngay chính nơi mảnh đất nó đã sinh ra.
Vùng quê “đất lành chim đậu”
Bạc Liêu đón chúng tôi bằng buổi bình minh lấp lánh muôn vàn tia mặt trời rực rỡ. Từng di tích ghi dấu buổi đầu ông cha ta khai hoang mở cõi còn để lại trên những cánh đồng lúa bát ngát chạy mãi tới chân trời. Anh bạn tôi vốn là người con của núi rừng Tây Nguyên đã hết sức ngỡ ngàng khi lần đầu tiên đón ban mai ngay giữa vùng chóp mũi dải đồng bằng. Đối với anh, cái gì cũng lạ. Xa xa là cánh đồng muối nhuộm trắng cả chân trời. Từ trong đám lá cây dừa nước, từng đàn chim vỗ cánh bay lên cao.
Tượng sáp nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Sau ngày miền Nam giải phóng, nơi đây là vùng kinh tế mới dồi dào tiềm năng về đất đai, rừng nguyên sinh và biển cả. Đất rộng người thưa đã mở rộng cửa chào đón những gia đình, dòng họ từ miền Trung và cả ngoài Bắc vào sinh cơ lập nghiệp. Câu tục ngữ: “Đất lành chim đậu” ở nơi đây luôn đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Văn hóa Kinh – Hoa – Khmer đã chọn Bạc Liêu làm nơi gặp gỡ từ trăm năm nay. Đi qua những ngôi chùa, đình, nhà thờ mới thấy các công trình văn hóa mang tính độc đáo đã tạo nên vẻ đẹp riêng cho Bạc Liêu. Câu hát vọng cổ: “Trở lại Bạc Liêu” của anh phụ xe cất lên lúc ghé chân vào quán ăn sáng càng làm cho chuyến đi thêm ý nghĩa. Phải rồi, Bạc Liêu là một trong những cái nôi lớn của đờn ca tài tử Nam bộ. Chính vì thế mong ước của du khách đến với Bạc Liêu được một lần đặt chân đến Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cha đẻ của bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng là đã thỏa mãn rồi. Mọi người đến đây không chỉ bày tỏ tình cảm yêu quý với người nhạc sĩ tài hoa mà còn là cách để những người yêu thích môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, tìm hiểu sâu hơn những giá trị của môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới trong niềm tự hào của quốc gia.
“Dạ cổ hoài lang” vang vọng trên đất nhà
Khi chúng tôi đặt chân đến đây, một cơn mưa nhẹ đã gột hết bụi bặm đường xa. Chính giữa khu lưu niệm, tượng đài ống tre mang một biểu tượng nghệ thuật đậm chất đờn ca tài tử soi bóng vào những vũng nước nhỏ còn đọng giữa lối đi. Từng bậc tam cấp làm từ đá xanh mang dáng vóc đôi rồng thể hiện sức mạnh và sự linh thiêng. Đó chính là sức mạnh của một bản sắc dòng chảy âm nhạc được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này. Nhờ cô gái trẻ vận áo bà ba đội nón lá cổ quấn khăn rằn là hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi mới thấy rõ thần thái chiếc đàn kìm hiện ra từ đài ống tre. Lỗ khoét tròn như mặt trăng đêm rằm, tay đàn kẻ chỉ hướng lên trên tạo nên hình dáng nên chiếc đàn kìm còn được gọi là đàn nguyệt thể hiện rất rõ cách sáng tạo có một không hai của nhà thiết kế. Sự huyền bí thiêng liêng của chiếc nhạc cụ bật lên từ cách khoét lõm của đài tre như một lời hoài niệm, tôn kính người nhạc sĩ có công đầu đặt nền móng đầu tiên cho cải lương Nam bộ sau này.
Phục dựng buổi hòa nhạc đờn ca tài tử Nam bộ tại khu trưng bày
Đài tre có hình nhạc cụ đờn kìm
Theo lời cô hướng dẫn viên, di tích lịch sử văn hóa Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu có diện tích 12.000m2 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012. Đây đã trở thành nơi ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đồng thời là nơi bảo tồn trưng bày và lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu và công lao đóng góp của ông mãi mãi vẫn còn trong trái tim người dân Bạc Liêu nói riêng và Nam bộ nói chung. |
Nhìn chiếc đàn kìm, ta như thấy bóng dáng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu đâu đây, nhìn đàn kìm là mọi người liên tưởng đến đờn ca tài tử giống như hệ quy chiếu mà nghệ thuật âm nhạc vùng Nam bộ mặc định. Sau khi thắp hương tưởng niệm, mọi người mới có dịp phóng tầm mắt từ trên cao xuống. Những chiếc đàn đại diện cho 12 loại nhạc cụ được đặt ngoài trời theo lối cấu trúc chữ Trí tạo nên vườn hoa âm nhạc đa âm sắc cho khu tưởng niệm. Phía sau đài tre, tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngồi gảy đờn trong dáng khoan thai tưởng như nghe được cả âm thanh buồn vắng đang vang vọng giữa không gian mỗi khi có khách đặt chân đến. Cũng như mặt trước, những bậc tam cấp nơi đây đã trở thành không gian chụp ảnh lưu niệm cho các đoàn tham quan để lưu giữ những khoảnh khắc mà bao nhiêu năm từng mơ ước. Tuy mới hình thành nhưng khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ ngành cải lương rất phong phú và mang đậm dấu ấn lịch sử. Nhiều người thích thú khi nhìn thấy phục trang của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như NSND Phùng Há, NSND Thành Tôn, NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương… từng vào vai các ông hoàng bà chúa trong thế kỷ trước. Cạnh các bức tượng phục chế dàn nhạc đờn ca tài tử miệt vườn, khi nhìn thấy tượng sáp nhạc sĩ Cao Văn Lầu không ít người dâng trào cảm xúc, thương nhớ và tri ân công lao người nghệ sĩ đã tạo nên một bước ngoặt mới cho nền nghệ thuật sân khấu Nam bộ qua bản nhạc “Dạ cổ hoài lang” với bao giai thoại đẹp được truyền khẩu suốt trăm năm. Trong không gian vắng lặng, bản “Dạ cổ hoài lang” được cất lên trong khu tưởng niệm làm mọi người lắng nghe chăm chú. Thì ra vẫn là giọng ca của anh phụ xế quê ở miền Tây mang theo niềm tự hào là người đồng hương với cố nhạc sĩ. Không ít người dù nói tiếng Bắc hay miền Trung cùng hào hứng hát chung với anh. Bản “Dạ cổ hoài lang” không còn là nét riêng của Bạc Liêu nữa mà đã hòa chung vào dòng chảy âm nhạc của cả 3 miền. Nếu còn sống đến hôm nay chắc nhạc sĩ họ Cao cũng vô cùng mãn nguyện.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)