Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu tọa lạc tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, từ lâu đã trở thành điểm du lịch và là niềm tự hào của người dân với nhà thơ yêu nước, người thầy giáo mẫu mực, đức độ, người thầy thuốc có tâm, có tài. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể kiến trúc độc đáo mà còn tích lũy thêm nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử.
Du khách nghe thuyết minh tại Khu lăng mộ cụ Đồ, phu nhân và con gái của cụ
Kiến trúc độc đáo
Khu di tích lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu là một quần thể kiến trúc bề thế tọa lạc trong khuôn viên có diện tích hơn 1,5ha, được trùng tu vào năm 2000 gồm cả khu lăng mộ cũ được xây dựng vào năm 1972. Công trình bao gồm: cổng tam quan, nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ và khu mộ.
Cổng tam quan khu lăng mộ mang phong cách kiến trúc truyền thống của các đình chùa Việt Nam với hai mái chồng, hình thuyền, lợp ngói âm dương màu đỏ gạch giả cổ, trên nóc và những bao lam, xiên, xà có đắp hoa văn, phù điêu ước lệ với nét dựng chân phương. Cột trụ tam quan to, vững chãi, sơn màu đỏ son.
Nhà bia được xây dựng kiên cố cách đây không lâu với kiến trúc truyền thống, cao 12m, hai tầng mái. Tường ngoài trang trí hoa văn hoa lá cách điệu, tường trong đắp nổi tứ linh. Đỉnh mái đắp nổi biểu tượng bút lông. Giữa lòng nhà là tấm bia bằng đá có kích thước 2,65m x 2,7m x 1,8m. Mặt trước bia là bài văn ca ngợi công đức của Nguyễn Đình Chiểu và mặt sau tóm tắt tiểu sử của ông.
Văn bia cụ Đồ Chiểu
Đền thờ mới được xây dựng năm 2000-2002 theo mẫu kiến trúc trùng thiềm điệp ốc. Đền có chiều cao 21m, chất liệu bê tông cốt thép nhưng mái là ngói âm dương và trang trí trên tường hoàn toàn là hoa văn truyền thống với những điểm nhấn thể hiện sự thanh cao, trong sáng của nhà thơ yêu nước.
Điều đặc biệt ở khu di tích này là phần mộ của cụ Đồ với phu nhân. Mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu trên bia có khắc chữ Nhật, mộ cụ bà trên bia có khắc chữ Nguyệt. Gần bên đó là nơi yên nghỉ của nữ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Ánh) con gái của nhà thơ – là một trong những nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng. Chủ bút tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam đó là tờ Nữ giới chung.
Các công trình của khu di tích được bố trí hài hòa trong một không gian xanh với những khoảng sân vườn rộng trồng nhiều loại cây cảnh, đem lại cảm giác thư thái cho người thăm viếng.
Đẩy mạnh du lịch văn hóa, lịch sử
Du lịch Bến Tre đến thăm Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu nghe kể lại những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp và ngâm nga câu thơ của cụ Đồ Chiểu không ít du khách lại có cảm giác bâng khuâng, tựa hồ nghe tiếng lòng nặng tình non nước của bậc tiền nhân tài đức ngàn xưa vọng về.
Đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM tham quan Khu di tích Nguyễn Đình Chiểu trong chuyến Về nguồn “Hành trình đất phương Nam” từ 15 đến19-11-2022
Những áng thơ bất hủ của ông đến nay vẫn còn lưu truyền và được cất giữ cẩn thận tại khu di tích. Các tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế Trương Định… không chỉ ảnh hưởng sâu sắc và có sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân ở thời kỳ ấy mà còn lưu dấu cho tới tận bây giờ. Bằng ngòi bút sắc bén, những áng thơ văn của ông tố cáo tội ác của giặc Pháp, phê phán bọn vua quan bán nước cầu vinh, ca ngợi các cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân, giữ vẹn tấm lòng yêu nước, thương dân.
Khu đền thờ cũ Với giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22-12-2016). |
Ông Nguyễn Thiện Chí (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre) cho biết, thực hiện Đề án 02 về phát triển du lịch của tỉnh Bến Tre, song song với phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái…, tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch lịch sử. Bởi nơi đây là một trong những tỉnh giàu truyền thống cách mạng và phong phú về văn hóa ở Việt Nam. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 100 di tích các cấp được xây dựng, gìn giữ và các di tích này đã và đang góp phần lưu giữ, chuyển tiếp các giá trị truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Tiêu biểu là Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu. Hằng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 1 và ngày 3-7 (ngày sinh và ngày mất của cụ Chiểu). Lễ hội với nhiều chương trình phong phú như: Lễ dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hóa trang Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga, thi mâm xôi ngày hội, mâm cơm ngày giỗ, kéo co, nhảy bao bố, đập niêu… “Lễ hội là dịp để ôn lại truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo, học tập về sự nghiệp, những giá trị tư tưởng, nhân cách, đạo đức của nhà giáo, người thầy thuốc và nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đây cũng là dịp để nhân dân vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bậc tiền nhân, đồng thời, góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của địa phương”, ông Chí cho biết.
Thúy Kiều
Bình luận (0)