Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Về cách viết tên dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Trong lĩnh vực chính tả, viết hoa là một câu chuyện không mới nhưng cho đến nay, xung quanh nó vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được trao đổi thêm, chẳng hạn như cách viết tên dân tộc Việt Nam. Theo Sổ tay biên tập sách giáo dục (1) (STBT), ở mục “1.3. Tên dân tộc”, STBT quy định: “Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết. Ví dụ: Kinh, Tày, Sán Dìu, Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì” (tr.19). Đây là một quy định bình thường nếu tên của tất cả các dân tộc đều được viết hoa như thế. Tuy nhiên, ngay sau đó, ở mục “1.4. Tên người, tên địa lí và tên các dân tộc thiểu số Việt Nam có cấu tạo từ đa âm tiết”, STBT lại quy định: “Đối với mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, viết hoa chữ cái đầu và có gạch nối giữa các âm tiết (Dấu gạch nối được viết sát vào hai chữ cái trước và sau nó, không có dấu cách). Ví dụ: Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà-ôi… Kơ-pa Kơ-lơng, Nơ-trang- lơng… Y-rơ-pao, Chư-pa…” (tr.19). Quan sát quy định cách viết ở hai mục 1.3. và 1.4, có thể nảy sinh một loạt câu hỏi như:

– Tại sao Sán Dìu, Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá… được coi là “dân tộc”, trong khi Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà-ôi… lại được coi là “dân tộc thiểu số” để từ đó có hai cách viết khác nhau? Thậm chí, nếu quả thật có thể (và cần) phân biệt dân tộc/ dân tộc thiểu số thì đó cũng không phải (và không thể) là cơ sở để quy định: tên dân tộc thì viết thế này, còn tên dân tộc thiểu số thì viết khác đi (!).
– Trong mối quan hệ tiếng Việt, cương vị các âm tiết như sándìu (trong Sán Dìu), phù (trong Phù Lá)… cũng hoàn toàn tương tự như các âm tiết êđê (trong Ê-đê), bana (trong Ba-na)… Vì thế không có lí do nào để cho rằng Sán Dìu, Phù Lá… là những từ đơn âm tiết, còn Ê-đê, Ba-na… là những từ đa âm tiết. Tại sao lại phải phân biệt chúng thành hai cách viết khác nhau?
– Tương tự như vậy, cũng không có lí do nào để phân biệt hai cách viết Kơ-pa Kơ-lơng, Nơ-trang-lơng… với Đăm Săn, Đăm Di, Xinh Nhã, Khinh Dú…, Y-rơ-pao, Chư-pa… với Pắc Bó, Nậm Rốm, Mường Xén…, Đăk Lăk với Đắc Nông, (hồ) Lắc… Khi xét về cương vị ngôn ngữ học, tất cả những tên riêng này đều có cấu tạo đa âm tiết tương tự nhau và đều có quan hệ tương tự với tiếng Việt.
Rõ ràng, trong cách viết những tên riêng có yếu tố ngôn ngữ dân tộc, STBT (và theo đó, các xuất bản phẩm của NXB Giáo dục) đã chưa thể hiện được tính nhất quán cần thiết và cũng như chưa lí giải được nguyên nhân vì sao lại phải có những cách viết khác nhau cho những đơn vị ngôn ngữ có cấu trúc giống nhau từ góc độ ngôn ngữ học.
TS. Trần Thanh Bình (Trường CBQLGD TP.HCM)
(1) Sổ tay biên tập sách giáo dục, tập một, NXBGD, 2003. Đây là tài liệu lưu hành nôi bộ phục vụ cho việc biên soạn – biên tập – xuất bản sách giáo khoa nói riêng, sách giáo dục nói chung của NXBGD.

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)