Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Về Củ Chi nghe kể chuyện đào hầm

Tạp Chí Giáo Dục

Khách tham quan đang nghe hướng dẫn viên giới thiệu về hầm chông. Ảnh: I.T

“…Chiến thắng lớn đến từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn… chim bay về núi tối rồi”… Ai đã một lần ghé thăm đền Bến Dược, hẳn sẽ không khỏi ngậm ngùi khi đọc những dòng thơ minh chứng cho sự đau thương, mất mát mà người dân vùng đất Củ Chi phải gánh chịu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Hơn 39 năm đã trôi qua, và cái tên Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước như một huyền thoại rất đỗi tự hào. Ở nơi được mệnh danh là “đất thép thành đồng” ấy, mỗi tấc đất, mỗi nóc nhà đều thấm đẫm những câu chuyện về sự hy sinh, về tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh đi trước. Và ở nơi ấy, hãy còn đó một hệ thống phòng thủ, thành trì gắn liền với nỗi ám ảnh của những cựu binh Mỹ một thời: Địa đạo Củ Chi.
Thành trì bảo tồn sự sống
Ông Đào Văn Khuy – nguyên Chánh văn phòng Phân khu Đoàn, Phân khu I – cho biết: Địa đạo Củ Chi vốn đã hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở các xã Tân Phú Trung, Đức Hòa nhưng vẫn còn rất sơ sài. Đến những năm 1964-1965, trước nguy cơ thất bại của ngụy quyền tay sai và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng miền Nam, Mỹ buộc phải đổ bộ quân vào miền Nam trực tiếp tham chiến. Đảng ta xác định: Phải xây dựng căn cứ để đối phó lâu dài với kẻ địch vốn mạnh hơn ta về quân số và vũ khí chiến đấu. Củ Chi được chọn làm căn cứ chiến lược bởi thế đất cao, nhiều rừng núi, lại tiếp giáp với sông Sài Gòn và căn cứ cách mạng ở Tây Ninh, Bình Dương. Đây còn được coi là “bàn đạp” để ta liên lạc và tiến hành giải phóng Sài Gòn sau này. Phong trào đào địa đạo nhanh chóng được triển khai khắp các xã Phú Hòa Đông, An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Nhuận Đức.
Địa đạo được xây dựng dựa trên kinh nghiệm kế thừa từ trước, tạo một giếng đường kính 0,6m, sâu 3m. Từ đáy giếng, mỗi đội (từ 3-4 người) dùng cuốc tay khoét sâu tạo địa đạo đủ để người bò lom khom dưới lòng đất. Cứ cách 16m lại tạo một giếng, 2 đội đào ngược hướng nhau, chủ yếu dựa vào tiếng đục dưới lòng đất để xác định đúng hướng. Để kịp phục vụ kháng chiến, thanh niên, du kích địa phương tranh thủ đào liên tục cả ngày lẫn đêm, người đào, người gom đất, người kéo đất lên. Đất đào xong phải gánh đi đổ xuống sông, rải khắp rừng để tránh sự phát hiện của địch. Tại một số vùng, đất được đổ ra đồng, sáng sớm nông dân đi cày phi tang lớp đất được đổ từ đêm hôm trước. Miệng giếng sau khi đào xong được lấp lại, ngụy trang theo dạng tổ mối để lấy đường dẫn không khí vào địa đạo. Chỉ trong 2 năm phát động, du kích Củ Chi đã đào được 250km địa đạo phục vụ cho quá trình đấu tranh lâu dài của nhân dân miền Nam. Bà Trần Thị Kim Cúc, nguyên là giao liên Hội Phụ nữ Củ Chi nhớ lại: Ngoài một số nắp hầm được ngụy trang kín đáo ở trong rừng, nhiều nắp hầm khác được đặt ngay tại nhà dân, có khi là ở chuồng heo sát nhà. Ở An Nhơn Tây, du kích còn đào địa đạo ngay dưới con đường tỉnh lộ 8 bây giờ. Quân Mỹ đi tuần tiễu từ Đồng Dù qua ngã tư An Thạnh Đông (ngã tư thuộc 2 xã Trung An – Tân Thạnh Đông bây giờ – PV) không hề biết rằng có một đội quân du kích đang hoạt động ngay dưới chân mình. Địa đạo đào theo dạng “xương sống”, các tổ du kích sẽ đào thêm những đường “xương cá” chằng chịt rẽ ra hai bên dùng làm điểm trú ẩn hoặc ổ chiến đấu cá nhân bảo quản cho riêng mình. Do điều kiện hoạt động bảo mật nên những người du kích không cho đồng đội ẩn náu trong đường “xương cá” của mình, trường hợp bắt buộc cũng phải… bịt mắt lúc vào và lúc ra để đảm bảo bí mật. Càng về sau, hệ thống địa đạo được thiết kế thêm các nắp thượng, nắp hạ (cấu trúc theo hình chữ Z) để tránh ngạt nước khi địch bơm nước vào, “nút chai” để tránh bom ngạt của Mỹ.
Cuộc chiến đấu trong lòng đất
Sự tồn tại của căn cứ Củ Chi chính là nỗi ám ảnh khiếp sợ của kẻ địch. Xác định “Củ Chi còn, Sài Gòn mất” nên từ những năm 1966-1969, Mỹ đã thực hiện nhiều trận càn quét, dội bom, rải chất độc hòng phá hủy thành trì vững chắc, “cho Việt Cộng không còn đất sống”. Những trận càn với tên gọi “Cái bẫy” (1966), “Bóc vỏ trái đất” (1967)… Mỹ liên tiếp dội hàng ngàn tấn bom, hóa chất các loại xuống Củ Chi (tính trung bình mỗi mét vuông đất Củ Chi chứa 3kg mảnh bom pháo, 100,24 gram chất hóa học, nhiều nhất là dioxin). Nhưng với tinh thần đấu tranh “Một tấc không đi, một ly không rời” cùng lối đánh giặc mưu mẹo, sáng tạo, du kích và nhân dân Củ Chi đã đập tan mọi âm mưu của bè lũ bán nước, xâm lược. Ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63 từng bị ngộp trong một trận càn mang tên “Bóc vỏ trái đất” đầu năm 1967 nhớ lại: Địch huy động hàng chục chiếc xe ủi với công suất lớn, dàn quân, cày xới từ sáng sớm cho tới lúc mặt trời lặn hòng tìm ra vị trí các nắp hầm của ta. “Tôi và 6 đồng chí nữa đang trú ẩn thì địa đạo bị sập. Đoạn hầm chúng tôi đang trú ẩn trở nên tối om, thiếu dưỡng khí một cách khủng khiếp. Lúc đó, tôi chỉ ước sao có một lỗ thông hơi nhỏ bằng quả trứng thôi cũng đủ. Nguồn không khí cạn dần, hơi thở anh em ngày càng nặng nề, đầu nhức nhối, mắt hoa lên, các mạch máu căng ra tưởng như sắp vỡ. Các anh em bàn xông lên, dùng súng bắn trả, thế nào cũng có người trong chúng tôi sống sót. Thế nhưng, tôi đã kịp thời động viên anh em bình tĩnh, cố gắng chịu đựng từng giây phút trôi qua. Ra ngoài hít một bụng căng đầy không khí, chúng tôi sẽ phải trả giá bằng việc bị chúng bắn chết, móc xác nơi đầu xe ủi kéo lê qua xóm để về chợ Phú Hòa Đông. Làm thế, cách mạng bị tổn thất, địch hả hê một, đồng bào đau xót mười. Cứ thế, chúng tôi ngồi đợi ròng rã hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, nén lòng chờ kim đồng hồ nhích dần tới 6 giờ 15 chiều mới lên mở cửa hầm. Sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong đường tơ kẽ tóc”.
Chính bởi sự nhẫn nhịn, tính toán kỹ lưỡng của những người con đấu tranh kiên trung cho cách mạng mà Củ Chi đã trở thành mồ chôn giặc Mỹ, nơi ghi dấu sự nhục nhã của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Ông Lê Văn Lên (Ba Lên), nguyên trinh sát vũ trang Ban An ninh khu Sài Gòn – Chợ Lớn nhìn nhận: Mỹ tự tin đổ bộ vào chiến khu Củ Chi với những đội quân hùng hậu, tinh nhuệ cùng vũ khí chiến tranh tối tân nhất thời bấy giờ nhưng chúng lại bị sa lầy, tổn thất nặng nề ngay tại nơi mà chúng tự tin là “không có Cộng sản nào có thể sống nổi”. Những chông, đinh, mìn tự chế của quân dân du kích Củ Chi đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của cựu binh Mỹ. Ngay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất 1969-1970, những tưởng nguồn cung cấp lương thực của ta bị cắt đứt do đồng bào Củ Chi bị gom vào các ấp chiến lược. Nhưng không, du kích vẫn tìm cách móc nối với vợ các sĩ quan, nhận lương thực tiếp tế từ những cách thức mà bọn địch không ngờ đến. Có chị độn vào búi tóc nửa lon gạo, một ngày hai cữ sáng, chiều để đưa gạo ra ngoài. Có anh vác cuốc đi làm đồng, khoét mắt nơi cán cuốc rồi đổ gạo vào đem ra nuôi chiến sĩ. Chính nhờ sự chở che, đùm bọc của đồng bào, du kích và quân dân Củ Chi đã làm nên những chiến thắng vang dội, góp phần giải phóng miền Nam, đưa non sông nối liền một dải.
Ngọc Anh

Bình luận (0)