Tiến sĩ Peter Shirlow ở Đại học Ulster, người mở một cuộc điều tra sâu về quan hệ giữa các cộng đồng ở Bắc Ireland, đã phát hiện một xã hội cực kỳ phân biệt tôn giáo. Chỉ có 5% người Tin lành sống trong vùng Công giáo và ngược lại có 68% người trẻ từ 18 đến 25 tuổi không nói chuyện với người khác tôn giáo. Càng trẻ càng “cực đoan”! Đó là một điều vô lý và đau lòng, trái hẳn với lời khuyên răn của bất cứ đạo giáo nào vì con người.
Khi đến Belfast hay Derry, taxi sẽ đem bạn đến “vùng xanh” (Thiên chúa), hoặc vùng “da cam” (Tin lành), không bao giờ đem bạn đến cả hai vùng. Hai thành phố được tách biệt bởi một hàng rào kim loại cao 12m, chia ra hai vùng Tin lành và Công giáo. Ngay như trong quảng cáo gà rán Kentucky Fried Chicken cũng có bức vẽ nhắc lại cuộc chiến kéo dài một thế kỷ nay. Nói chuyện với trẻ con, chúng chỉ về phía bên kia hàng rào và chê “bọn bên đó dơ bẩn, lười, đần độn”. Người Anh đã bỏ ra hàng năm 1,5 tỷ livres, tức 1,6 tỷ Euro để tách hai cộng đồng thù địch ấy ra để tránh những xung đột.
Trong bức tranh u ám đó vẫn có một tia hy vọng có thể rọi sáng vào tiềm thức phân biệt tôn giáo của tín đồ hai bên. Đó là những nhà trường hòa hợp, mà những phụ huynh có thiện chí của hai bên rất thiết tha. Ngày nay chỉ có 5% trẻ em chịu đến học ở trường hòa hợp giữa hai cộng đồng. Nghĩa là 95% trẻ em vẫn đăng ký học ở trường thuộc tôn giáo của mình và tất nhiên sự tách biệt này lại càng đào sâu hố chia rẽ; trường này kình địch trường kia, có khi dẫn đến những trường hợp “nói chuyện với nhau bằng vũ lực, vũ khí sẵn có” của đám học sinh quá khích.
Có một điểm sáng là số 5% trẻ em học ở trường hòa hợp đã dần dần hiểu nhau. Một cuộc nghiên cứu trong 6 năm liền do Đại học Hoàng Hậu ở Belfast thực hiện để tìm hiểu hệ quả lâu dài của việc học sinh khác tín ngưỡng học chung với nhau cho biết: những người đã từng học trong các trường hòa hợp, dù chính kiến của cha mẹ họ ra sao, đều tỏ ra không đồng tình với việc phân biệt tôn giáo… Họ có thể kết bạn với những người khác tôn giáo với mình một cách thành thật. Họ tự cho mình là người Ireland phía Bắc hơn là người Anh hay là người Ireland. Chính kiến của họ cũng mềm dẻo, hòa dịu hơn nhiều. Trong số 80% những người Tin lành sẵn sàng hòa nhập với nước Anh, thì trong đó có 65% là những người đã học trường hòa hợp. Khoảng 51% những người Thiên chúa giáo đã học trong những trường phân biệt muốn tái hòa nhập với nước Ireland, nhưng con số đó tụt xuống 35% trong số những người công giáo đã học trong những trường hòa hợp.
Cần chú ý rằng tính cách, xu hướng của một con người lúc nhỏ và khi lớn lên có thể khác xa. Hãy nhìn những chiến sĩ trẻ của hai lực lượng thù địch nhau: Quân đội của IRA (Công giáo) và Lực lượng Phòng vệ Ulster (Tin lành), hàng ngày họ giết hại nhau không thương tiếc nhưng ai biết được, hồi nhỏ, tuy tín ngưỡng khác nhau, họ có thể ngồi học chung bàn, chơi bóng với nhau, thậm chí gửi “bức thư tình đầu đời” cho nhau.
Có thể nói, giáo dục vẫn là một giải pháp hòa giải tôn giáo sâu sắc, bền vững nhất. Một cuộc nghiên cứu rất chi tiết dư luận dân chúng ở Bắc Ireland cho biết: 82% người được hỏi ủng hộ chủ trương trường hòa hợp, 55% phụ huynh nói rằng lý do mà họ chưa cho con học loại trường này là vì ở quận của họ chưa có và rất khó xin cho con học vì đã hết chỗ.
Tại sao loại trường hòa hợp chưa được nhân rộng ra? Vì người lãnh đạo giáo dục ở địa phương chỉ muốn mở trường dành cho con em có cùng đạo với mình. Các nhà thờ của mỗi đạo lại chống đối với trường hòa hợp, từ chối cử đại biểu vào Hội đồng Quản trị và đố kỵ nhau, chỉ lo giữ quyền lợi riêng của bản thân mình.
Bắc Ireland cần có một quyết định táo bạo kiên quyết tương tự như quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1954 để chấm dứt nạn phân biệt tôn giáo trong những quốc gia cực nam.
Phan Thanh Quang
(Theo Courrier international)
Bình luận (0)