Trong những ngày tháng 5 lịch sử, về đất mũi, ghé thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.Cà Mau mới hiểu được tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn của người dân nơi đây đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.Cà Mau
Thăm khu tưởng niệm Bác Hồ
Sau khi đến với cột mốc tọa độ quốc gia cuối cùng của cực nam Tổ quốc, hầu hết hội viên Hội Cựu giáo chức Trường ĐH Đồng Tháp đều có mong ước một lần được viếng thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng ngay trong lòng TP.Cà Mau. Được biết nhiều thông tin qua sách báo nhưng chị Trần Hạnh Nguyên, quê ở TP.Cao Lãnh vẫn thật sự náo nức khi lần đầu được đặt chân đến khu tưởng niệm lớn nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Từ một ngôi đền thờ, khu tưởng niệm được xây dựng vào năm 2011 đến nay đã tròn 10 năm tại P.1, TP.Cà Mau. Theo giới thiệu của Ban quản lý khu tưởng niệm, công trình có tổng diện tích 6,7ha được chia ra làm nhiều khu như khu công viên, khu đền thờ, khu nhà sàn…
Con đường thẳng từ cổng chính vào như cây thước kẻ nằm giữa trang sách chia công trình làm 2 khu vực lớn. Nếu bên trái là công viên rợp bóng cây cổ thụ và réo rắt tiếng chim kêu thì phía bên phải là khu nhà sàn thoáng mát yên tĩnh. Dạo bước trên những lối đi rải đầy sỏi đá bên cạnh những luống hoa xinh, du khách như đang đi tản bộ vào khu nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đó chính là ngôi nhà sàn vùng núi rừng Tây Bắc – một phiên bản đầy ý nghĩa lịch sử và văn hóa của mô hình nhà sàn từ ngoài Phủ Chủ tịch đưa vào.
Ngôi nhà sàn của Bác nằm trong khu tưởng niệm
Bên trong phòng ngủ và phòng làm việc đều có những vật dụng mà Bác thường dùng như: Giường chiếu, đèn ngủ, ghế dùng để quạt giấy, quạt lá, bộ bàn để điện thoại, chiếc mũ cối, những quyển sách… Tất cả đều rất đơn sơ, thể hiện lối sống giản dị của Bác. Ngoài ra, xung quanh nhà sàn là khuôn viên cây xanh, cây ăn trái, ao cá cũng được tái hiện đúng theo mẫu khuôn viên nhà sàn Bác Hồ tại thủ đô Hà Nội.
Thăm đền thờ Bác
Đi hết một vòng quanh hồ, khu đền thờ đã hiện ra trước mặt. Những bậc tam cấp cao nâng bước chân du khách leo lên gian thờ chính mà không hề biết mỏi. Bức tượng đồng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mới và đẹp như tấm lòng thành kính của nhân dân và cán bộ vùng căn cứ địa kháng chiến năm xưa.
Bước sang nhà truyền thống với nhiều hiện vật quý giá, nơi đây đã gợi nhớ lên hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ lúc sinh thời và những tình cảm yêu thương của Bác đối với nhân dân cách mạng miền Nam đẹp như ánh trăng rằm. Từng thước phim lịch sử trong nhà chiếu phim một lần nữa đưa mọi người trở về với dòng sông quá khứ hào hùng của đất nước trong những ngày nghe theo lời Bác dạy: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Đứng ở đây có thể phóng tầm mắt ra phía trước để nhìn rõ hơn khu bia đá được đúc nghiêm trang trước những lối đi vào khu đền thờ. Ấn tượng nhất là tấm bia đá tái hiện khu mộ thân mẫu Hoàng Thị Loan tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Một biểu tượng cho đức hy sinh và tình mẫu tử của hàng triệu bà mẹ Việt Nam đã sinh ra những vĩ nhân và thi nhân cho đất nước Việt để làm rạng rỡ non sông như ngày hôm nay. Bên trái là tấm bia đá ghi: “Suốt đời hãy sống học tập làm việc theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.
Nhà truyền thống trong Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Được biết toàn tỉnh Cà Mau có gần 20 đền thờ Bác Hồ. Có thể coi đây là địa phương có nhiều khu tưởng niệm, đền thờ Bác nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó có 8 đền thờ được xây dựng trong năm 1969. Đồng thời, có 3 đền thờ Bác được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, gồm: Đền thờ Bác Hồ tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước; Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển… Tất cả đều là biểu tượng của niềm tin, lòng kính yêu của nhân dân vùng đất cực nam Tổ quốc dành cho Bác. |
Đôi chân của mọi người như thấy vững vàng hơn khi bước vào nơi trưng bày chủ quyền biển đảo Trường Sa – Hoàng Sa ngay trong khu tưởng niệm. Những cột mốc biên cương giữa đại dương như từng thấm máu bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống khi đất nước gọi tên mình vì mỗi tấc đất, tấc biển là mỗi tấc máu của người con đã nằm lại giữa biển Đông.
Anh Phan Văn Hà, một người dân ở TP.Cà Mau đến thăm khu tưởng niệm Bác Hồ, từng xúc động: “Người dân miền Nam chưa từng được một lần đón Bác vào thăm. Nhiều người trong số chúng tôi cũng chưa được một lần ra Bắc, đến Hà Nội viếng Bác. Nhưng khi đến khu tưởng niệm này, tôi như thấy Bác đã ở đây”.
Lúc ra về, chúng tôi bắt gặp đoàn học sinh của một trường THCS tại tỉnh Cà Mau đang được các cô hướng dẫn vào đây tham quan, khăn đỏ trên vai mỗi đội viên bay phấp phới trong gió sớm. Nơi đây đã trở thành địa điểm sinh hoạt chính trị quan trọng của tỉnh; là địa điểm hội tụ truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau; là nơi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thế hệ trẻ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đến tỏ lòng kính yêu Bác; nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và làm theo tấm gương của Người.
Một lần ghé thăm khu tưởng niệm, chúng tôi càng hiểu hơn tấm lòng “Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác” và tình cảm thiêng liêng của đồng bào miền Nam đối với Người. Trong mỗi con tim người dân vùng cực nam Tổ quốc, mỗi đền thờ Bác Hồ luôn gắn với tình cảm, sự tôn kính của người dân đối với Bác, trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần, “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Quang Phan
Bình luận (0)