Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Về đâu 10.000 học sinh lớp 10 rớt công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Con trai rớt cả ba nguyện vọng (NV) vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Kim Hoàng, Q.Bình Thạnh phải tất tả chạy đến nhiều trường có điểm chuẩn thấp hơn, mong tìm một cơ may, nhưng từ THPT Lê Thị Hồng Gấm, THPT Thalmann đến THPT Nguyễn Hữu Thọ, ban giám hiệu đều lắc đầu từ chối.
Con trai chị Hoàng chỉ là một trong số 9.803 trường hợp rớt công lập năm học 2011 – 2012, đang bối rối không biết cánh cửa nào dành cho mình.
Bốn cánh cửa còn lại
“Không trúng tuyển lớp 10 công lập, các em vẫn còn những cơ hội lựa chọn khác. Cụ thể, thành  phố có 42.375 chỉ tiêu tuyển sinh tại các trường ngoài công lập, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên dành cho các em”, ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Các trường dân lập, tư thục còn chỗ học là chọn lựa đầu tiên của nhiều phụ huynh học sinh (PHHS), nhưng những trường có tiếng đã “khóa sổ” từ hơn một tháng trước, nên chỉ còn ít cơ hội để chọn lựa. Ngoài ra, với những gia đình có điều kiện kinh tế không dư dả, chi phí trong suốt ba năm học (học phí, đồng phục, tiền ăn, tiền xe đưa rước) là không nhỏ vì chi phí học của trường tư thấp nhất là hai triệu đồng mỗi tháng.
Tuy con đậu lớp 10, nhưng nhiều phụ huynh không vui
Sự lựa chọn thứ hai là các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TT GDTX). Với ưu điểm học phí thấp (65.000 đ/HS/tháng), học theo chương trình Bộ GD-ĐT, HS có thể đăng ký vào bất kỳ TT GDTX nào cũng được, vì TT GDTX không phân tuyến. Đặc biệt, mỗi quận, huyện đều có ít nhất một TT GDTX, thuận tiện cho việc đi học của HS. Tuy nhiên, không ít PHHS vẫn có tâm lý ngại hệ GDTX, lo con em mình bị “bắt nạt” vì phải học chung với người lớn vào ban đêm; cơ sở vật chất nhiều trung tâm xuống cấp, thiếu giáo viên vẫn là tình trạng phổ biến. Thực ra, nhiều TT GDTX mở lớp ban ngày và đề cao kỷ luật học đường không thua gì hệ phổ thông. Mặt khác, bằng tốt nghiệp hệ GDTX có giá trị tương đương với hệ phổ thông, các em vẫn được quyền đăng ký dự thi vào hầu hết các trường ĐH, CĐ.
Các trường nghề sẽ là sự lựa chọn thứ ba của PHHS, nếu muốn con em mình mau chóng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Sau ba năm học, các em vừa có tay nghề, vừa có một trình độ học vấn tương đương THPT. TP.HCM có nhiều trường trung cấp tuyển sinh đối tượng có bằng tốt nghiệp THCS, đào tạo nhiều nghề đa dạng: sửa chữa máy vi tính, sửa chữa khai thác thiết bị cơ khí (ô tô), điện công nghiệp và dân dụng, thi công cầu đường, xây dựng, điện tử, điện lạnh, may và thiết kế thời trang, kế toán, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch… 

HS trúng tuyển sẽ nộp hồ sơ vào lớp 10 từ ngày 18 đến 29/7 tại trường THPT. Hồ sơ nhập học gồm: đơn xin dự tuyển lớp 10 có ghi ba nguyện vọng, phiếu báo điểm, học bạ cấp THCS (bản chính), bằng tốt nghiệp THCS (bản chính) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, giấy xác nhận hưởng chính sách ưu tiên.
Sự lựa chọn cuối cùng dành cho những em quyết chí học trường công là “dùi mài kinh sử” để thi lại vào năm sau. Quy chế thi tuyển lớp 10 cho phép HS rớt năm nay được quyền dự thi lại, với điều kiện các em không được quá 17 tuổi. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ an toàn đối với những em có động lực học tập, có ý chí cao và khả năng tự học tốt. Những HS không thể “vượt qua chính mình” tốt nhất không nên chọn thi lại vì sẽ khó cạnh tranh với “đàn em”. Mặt khác, sự “tính già hóa non” sẽ khiến các em uổng phí hết một năm học.
Nỗi niềm… đậu, rớt
Khi được tư vấn về bốn chọn lựa nếu rớt hệ trường công lập, nhiều PHHS vẫn không toàn tâm toàn ý đi theo “phân luồng” của ngành GD-ĐT. Đặc biệt là những trường hợp rớt oan uổng khi chỉ thiếu 0,25 điểm. “Thi lớp 10 nhiều tính may rủi quá!” – là kết luận không chỉ của PHHS có con “rớt đài” mà cả những người có con trúng tuyển. Sở GD-ĐT không cho phép các trường tuyển bổ sung HS rớt cả ba NV, không nhận đơn và không giải quyết các trường hợp xin chuyển đổi NV của HS. Một hiệu trưởng THCS nhận  định: tính an toàn trong chọn ba NV lớp 10 ngày càng tăng, thể hiện qua số HS rớt năm nay có giảm hơn so với những năm trước. Tuy nhiên, việc giảm này không có nghĩa là phương thức tuyển sinh lớp 10 đã “hoàn hảo”. Sở GD-ĐT chỉ thống kê được 9.803 em rớt lớp 10 nhưng không “đo” được sự tiếc nuối của PHHS. Nếu lãnh đạo Sở GD-ĐT “vi hành” đến các trường THPT sẽ được nghe những nỗi niềm của PHHS. Hậu tuyển sinh lớp 10 vẫn có nhiều trường hợp trúng tuyển mà không vui: HS thi điểm cao nhưng không dám chọn trường mơ ước, kết quả, dư 4 – 5 điểm so với điểm chuẩn của trường trúng tuyển; hoặc HS trúng tuyển trường xa nhà ngoài mong muốn.
Khó có một phương thức tuyển sinh tối ưu vào lớp 10 khi chỗ học ở trường công lập không đảm bảo cho 100% HS tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10. Phương thức tuyển sinh  lớp 10 với các NV đã thực hiện hơn chục năm qua vẫn còn một số hạn chế. Những bất cập cũ rất rõ ràng: HS có điểm thi tuyển cao vẫn rớt, HS phải học xa nhà, thi tuyển gây áp lực đối với thầy trò, PHHS và tốn kém cho xã hội. Mặt khác, chênh lệch điểm chuẩn giữa các trường ngày càng sâu sắc. Năm nay, điểm chuẩn của trường đứng đầu bảng là THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q.Tân Bình là 39 điểm, hơn 25 điểm so với điểm chuẩn của trường đứng cuối bảng (14). Sở GD-ĐT nhìn nhận: điểm chuẩn các trường có độ chênh lệch rất lớn, do đó chất lượng đầu vào không đảm bảo sự công bằng (tương đối) giữa các trường, tạo khó khăn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học cho các trường có điểm chuẩn thấp.
Theo Hồng Liên
(PNO)

Bình luận (0)