TPHCM, có đường đã cấm hàng rong, có đường đang chuẩn bị cấm.Vậy mà hỗ trợ, lộ trình, kế hoạch bố trí chỗ buôn bán cho người bán hàng rong chỉ vẫn đang ở “thì tương lai”.
Cố gắng không gây xáo trộn đời sống nhân dân
Trong cuộc họp ngày 6/8, ông Trần Quang Phượng – Giám đốc sở Giao thông Vận tải TPHCM – thẳng thắn: “Cấm hàng rong là một trong những nội dung nhằm thực hiện “Năm văn minh đô thị 2008”. Nhưng đây là vấn đề dân sinh nên cần làm bài bản, quyết liệt, không gây xáo trộn đời sống của người dân”.
Ông Lê Hiếu Đằng – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM – cho rằng: “Nên chú trọng sắp xếp, quản lý việc buôn bán hàng rong đi vào trật tự, đảm bảo văn minh đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giúp người dân nghèo tiếp tục làm ăn buôn bán hơn là cấm hàng rong trên hàng loạt tuyến đường”.
Còn ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, cho việc cấm bán hàng rong cần một lộ trình và giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, ông lo lắng: “Rất khó hỗ trợ khi khá lớn người bán hàng rong là dân nhập cư, không có hộ khẩu hay KT3. Nếu làm, cần điều tra trên diện rộng để có hướng hỗ trợ thích hợp với các đối tượng này”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cũng hứa hẹn: “Thành phố sẽ lắng nghe và cùng người dân tìm ra những giải pháp tốt nhất. Khi áp dụng lệnh cấm, thành phố sẽ đảm bảo người dân không bị ảnh hưởng đến cuộc sống. Thành phố đã chỉ đạo cho các sở, ngành, quận huyện lên kế hoạch hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề”.
Và theo kế hoạch, chính quyền địa phương cũng phải tìm nơi để bố trí hàng rong vào buôn bán cố định, ổn định đời sống trước khi triển khai cấm đồng loạt trên 53 tuyến đường.
Tuy nhiên…
Đến hôm nay, lệnh cấm hàng rong đã chính thức thực hiện trên 4 tuyến đường trọng điểm là Lê Duẩn, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi. Đây là những tuyến đường chính, tập trung các cơ quan chính quyền cấp TP, các cơ sở ngoại giao… nên từ lâu đã có chủ trương cấm hàng rong. Do vậy, việc thực hiện lệnh cấm ở đây không gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, 1 số tuyến trong 15 tuyến đường mẫu như Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Văn Cừ… cũng đang “âm thầm” thực hiện lệnh này. Lực lượng liên ngành gồm quản lý đô thị và công an địa phương thường xuyên tuần tra và tịch thu hàng hóa các xe, các gánh hàng rong buôn bán trên đường.
Trong khi đó, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp thì chưa thấy cơ quan nào đề cập đến. Sở LĐ-TB&XH cũng chưa có kế hoạch gì. Việc bố trí chỗ buôn bán cố định cho bà con cũng chẳng quận huyện nào bàn đến, dù nó nằm trong kế hoạch giúp ổn định đời sống nhân dân trước khi thực hiện lệnh cấm.
Nhiều cán bộ cấp quận, huyện còn cho rằng: việc tìm quỹ đất hay tuyến đường rộng để bố trí cho bà con buôn bán rất khó, vì quỹ đất TP quá hạn hẹp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, có nơi bố trí chưa chắc bà con đã chịu di dời đến… Do vậy, TP cứ thí điểm làm từ từ và bà con bán hàng rong sẽ “tự điều chỉnh”; tức là, người về quê, kẻ vào xí nghiệp…
Nhưng vẫn còn nhiều người như chị Bùi Thị Mai, quê Hà Tĩnh, bán hàng rong trên đường Nguyễn Thái Sơn: “Đã 4 năm nay tôi và hai đứa con đang ăn học ở quê sống được là nhờ vào mấy cái áo mưa, mấy chục cái kính và khẩu trang này. Nếu thành phố cấm tôi không biết phải đi làm gì để lo cho hai đứa con nữa; gần 50 tuổi rồi, xí nghiệp nào chịu nhận. Bán tiếp thì biết bán ở đâu!”.
Ngoài ra, các tuyến đường sẽ cấm trong đợt 2 như Lý Thường Kiệt, Lý Thái Tổ, Nguyễn Ảnh Thủ… là các tuyến đường dài, tập trung cả ngàn xe bán hàng rong, mức ảnh hưởng sẽ rất lớn. Cấm rồi, hàng ngàn số phận người dân nghèo sẽ về đâu?
Tùng Nguyên – Trung Kiên
(dantri.com.vn)
Bình luận (0)