Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Vẻ đẹp của một bài ca dao than thân

Tạp Chí Giáo Dục

Văn bản bài ca dao “Mười cái trứng”

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm, được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái/ Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng: ung/ Hai trứng: ung/ Ba trứng: ung/ Bốn trứng: ung/ Năm trứng: ung/ Sáu trứng: ung/ Bảy trứng: ung/ Còn ba trứng hắn nở ra ba con/ Con diều tha/ Con quạ bắt/ Con mặt cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.

(Ca dao Bình Trị Thiên)

Không biết tự bao giờ, người miền Trung nghèo khó đã truyền cho nhau câu nói: “Giêng hai cắt ngón tay không chảy máu”. Nghĩa là cứ hằng năm, sau cái Tết Nguyên đán về là mùa… đói đến. Tôi nhớ giáo viên dạy tôi môn kỹ thuật nông nghiệp quê gốc Bắc Trung bộ thời phổ thông cũng có nói mấy câu như thế này: “Con đói thì cho ăn ngô ăn khoai/ Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng”. Là vì thời tiết tháng hai ở vùng quê này rất khắc nghiệt, lúa có trổ đòng nhưng hạt lép, sẽ chẳng thu hoạch được gì. Từ tháng hai mà kéo dài ra ba bốn tháng là những tháng khó khăn của người dân miền Trung. Bài ca dao “Mười cái trứng” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Câu mở đầu bài ca dao theo phương thức tự sự, với phép liệt kê, như tiếng thở dài ngao ngán với các tháng liên tiếp cứ kéo dài lê thê: Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn…”. Và cuối cùng khái quát các tháng ấy thành một đối tượng đáng nguyền rủa, để đay nghiến: “…tháng khốn, tháng nạn”. Ông bà mình hay nói “cái khó sẽ ló cái khôn”, trước hoàn cảnh này, người nông dân ở đây đã “sáng dạ” tìm kế sinh nhai, không có vốn thì phải “đi vay, đi dạm”. Nhưng nào có được nhiều, vì đều khó khăn như nhau cả, chỉ được “một quan tiền” mà thôi. Một quan tiền thì làm được gì, bỏ miệng ăn thì hết. Không trồng trọt được thì tính kế chăn nuôi, “đắt đồ đựng hơn rẻ đồ ăn”, người nông dân tính kế “ăn chắc, mặt bền” nên chọn “mua con gà mái về nuôi”. Và quả thật trời đã không phụ người chăm chỉ, sau ba tháng, gà mái đã đẻ ra mười cái trứng, con số tròn trịa, mỹ mãn: 10 quả trứng vàng! Một hy vọng tràn trề trỗi dậy từ đây, trả được vốn và còn dư lãi. Số đời khắc nghiệt, “Cây khô xuống nước cũng khô/ Bạn nghèo đi tới nơi mô cũng nghèo”. Hy vọng vừa nhen nhúm, điều rủi ro đã ùa đến: 7/10 trứng đã ung! Các câu ca dao cứ ngắt ra từng dòng, vơi dần, nhỏ dần niềm hy vọng ấy. Nhưng với tư duy biện chứng, người ta tin rằng “trong cái rủi sẽ có cái may”, và đúng như thế, điều may đã thấy: “Còn ba trứng nở ra ba con”. Không có con vật nào xinh xắn bằng gà con “lông vàng mát dịu, mắt đen sáng ngời”. Hy vọng  một lần đã được nhen nhóm. Thế nhưng, nghịch đời trớ trêu “phước bất trùng lai” mà “họa vô đơn chí”. Ba con gà con ấy không qua khỏi cơn đại nạn bủa vây bởi nhiều thế lực hắc ám: “Con diều tha/ Con quạ bắt/ Con mặt cắt xơi”! Kể đến đây, cơ hồ trong suy nghĩ của nhiều người sẽ tưởng tượng ra cảnh người nông dân ngã gục vì tuyệt vọng. Nhưng không, với nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan bát ngát, người dân miền Trung vẫn điềm tĩnh, tự tại, ung dung. Khúc hát lạc quan được cất lên tràn trề bằng thể thơ lục bát rất đỗi nhẹ nhàng khoan thai: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.

Dạy học ca dao ở lớp 10 hiện nay, nhiều lần tôi hỏi học sinh thì hầu hết các em đều không biết đến bài ca dao này. Thấy tiếc cho một khúc hát lạc quan đang bị lãng quên!

Trn Ngc Tun
(Trưng THPT Tây Thnh, TP.HCM)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)