Xuân Quỳnh không chỉ được người đọc chú ý bởi số phận rủi ro, về câu chuyện tình duyên trắc trở, mà nữ sĩ còn lấy được tình cảm của người đọc ở vị trí đặc biệt trong văn học Việt Nam hiện đại về đề tài thơ tình.
Sóng là một bản tình ca làm thổn thức tâm hồn bao thế hệ đôi lứa thiếu niên từ trước đến nay. Bài thơ Sóng từ lâu đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn lớp 12. So với nhiều tác phẩm khác của nền văn học cách mạng Việt Nam sau 1945, bài thơ này được nhiều thế hệ học sinh yêu thích. Vẻ đẹp của nó khiến cho không biết bao nhiêu bút mực đã cảm nhận. Tuy nhiên vẫn không thể khám phá hết những thú vị riêng của bài thơ này. Dưới đây là những “lát cắt” về vẻ đẹp đa dạng của bài thơ ấy.
Một tiết học môn ngữ văn của học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM). Ảnh: ANH KHÔI |
1. Sóng gần với hình tượng của biển. Đây là đề tài khá quen thuộc, bởi lẽ từ trước đến nay có khá nhiều nhà thơ viết về đề tài này, như Xuân Diệu (Biển), Hữu Thỉnh (Biển, nỗi nhớ và em)… Nhưng hầu hết họ là nhà thơ nam. Điều này là phù hợp, vì hình tượng sóng và biển thì thường mạnh mẽ, mãnh liệt, dễ dàng bộc phát ra ngoài, rất dễ phù hợp với tình yêu chủ động của nam hơn là nữ. Còn nữ thì thường e dè, rụt rè, kín đáo. Xuân Quỳnh là trường hợp hiếm thấy, là nhà thơ nữ “đủ bản lĩnh làm thi sĩ” (chữ Xuân Diệu dùng cho Tản Đà) khi dùng sóng biển để so sánh với tình yêu của mình. Cần thấy ở đây nữa là bài thơ Sóng viết năm 1967, nhân một chuyến đi công tác tại vùng biển Diêm Điền (tỉnh Thái Bình). Theo nhiều nhận định thì lúc này trái tim của Xuân Quỳnh đã có nhiều “vết xước”, tâm hồn nữ sĩ sau nhiều lần vấp ngã đã có phần chai sạn ít nhiều, không còn trẻ trung sôi nổi như trước. Thế mà trái tim của người phụ nữ yêu thiết tha cuộc sống, khát vọng tận cùng của hạnh phúc, tình yêu ấy – một con Hoàng Oanh bị mũi tên xuyên thấu vào lồng ngực: Xuân Quỳnh đã cất lên tiếng hát yêu đời, sôi nổi, lạc quan – con chim Hoàng Oanh vẫn hót trong trẻo, hồn nhiên những khúc nhạc lòng như thế.
2. Nhan đề “Sóng” đặt trong quan hệ với bố cục toàn bài thơ có hai nét nghĩa chính: Nghĩa tả thực, sóng ở đây là sóng biển; nghĩa ẩn dụ, sóng là sóng lòng, tâm hồn, tình cảm, trái tim của người phụ nữ đang yêu… Có nhiều câu thơ chỉ có nghĩa thực, có những câu thơ có nghĩa ẩn dụ, lại có những câu thơ có cả hai nét nghĩa ấy. Nhưng thật thú vị, nếu chịu khó làm một phép thống kê thì có thể thấy: Trong tổng số 38 câu (dòng) thơ, số câu có nghĩa chỉ “sóng” và số câu có nghĩa chỉ “em” ấy nhiều bằng nhau.
Bài thơ Sóng gồm 9 khổ thơ. Để nhớ và hiểu nội dung từng khổ chỉ cần khoanh tròn vào một số từ ngữ chính trong từng khổ: Khổ 1 “tìm ra”; khổ 2 “khát vọng, bồi hồi”, khổ 3 “nghĩ về”, khổ 4 “không biết nữa”; khổ 5 “nhớ”; khổ 6 “hướng về”; khổ 7 “tới bờ”; khổ 8 “vẫn đi qua”; khổ 9 “làm sao”. Phép cộng của những từ ngữ này chính là sắc thái muôn màu của tình yêu! Trong đó khổ thơ thứ 5 có 6 câu (dài hơn các khổ khác 2 câu). Vì khổ này diễn tả nỗi nhớ. Trong tình yêu, nhớ nhung là tâm trạng tiêu biểu, thường trực nhất của con người.
Xuân Quỳnh sinh ngày 6-10-1942, tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở làng La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây, Hà Nội). Xuân Quỳnh mất ngày 29-8-1988 trong một tai nạn giao thông cùng với người bạn đời là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và cô con gái Lưu Quỳnh Thơ. Mặc dù mất khi tài năng còn đang độ chín, nhưng nữ sĩ kịp để lại số lượng tác phẩm đáng kể, phần lớn là thơ tình: Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Tự hát (1984), Sân ga chiều em đi (1984)… |
3. Khi được hỏi tại sao Xuân Quỳnh sử dụng thể thơ 5 chữ cho bài thơ Sóng, nhiều câu trả lời rằng vì lợi thế của thể thơ này là ngắn, khỏe, dễ diễn tả những âm hưởng mạnh, gấp như sóng biển… Nhưng nếu đặt lại vấn đề: Thế bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên cũng sử dụng thơ 5 chữ mà đọc nghe sao buồn làm vậy? thì nhiều người không lý giải được. Đồng ý rằng thể thơ (5 chữ) này có lợi thế để diễn tả những nội dung nhanh, khỏe, gấp… Nhưng quan trọng là ở hai điểm sau: Cách ngắt nhịp và sự phối hợp bằng – trắc. Bài thơ Ông đồ chỉ thuần có hai cách ngắt nhịp 2/3; 3/2. Nó chỉ có hai thanh bằng – trắc ở câu trên và câu dưới trong chỉnh thể một khổ thơ gồm 4 câu. Nhưng bài Sóng thì đa dạng về cách ngắt nhịp (2/3; 1/4; 3/2), lại được hai thanh bằng – trắc không chỉ câu trên với câu dưới mà còn ở các vế trong một câu, khổ thơ này với khổ thơ khác. Ngoài ra nó còn được sử dụng các cặp từ trái nghĩa, đối lập trong câu, ngoài câu… làm cho âm điệu bài thơ sôi nổi, trầm bổng, ngụp lặn… như từng cơn sóng vỗ.
4. Điểm thú vị nhất, điểm có thể nói theo cách “tích hợp”, đó là liên hệ gì giữa bài thơ Sóng – một bài thơ tình yêu và sóng biển – một hiện tượng vật lý. Về khoa học vật lý thì sóng biển là hiện tượng của dao động. Trong một bước sóng có nút sóng, bụng sóng. Nếu ta gọi chân sóng là nơi tiếp giáp các nút sóng, nghĩa là tiếp nối, liên tiếp, và các bụng sóng có khoảng cách, nghĩa là gián cách, thì điều hoàn toàn hợp lý với cách gieo vần của bài thơ Sóng. Bài thơ này có hai cách gieo vần chân (cuối câu): Vần chân liên tiếp (các từ: trẻ-bể, nhau-sâu, thức-bắc, phương-dương, xa-ra) và vần chân gián cách (các từ: lẽ-bể-thế-trẻ, em-lên, đâu-nhau, qua-xa…). Vần chân liên tiếp chính là nút sóng của hiện tượng vật lý, còn vần chân gián cách chính là bụng sóng của hiện tượng này. Điểm này cùng với thú vị Bốn trên giúp cho âm điệu tiết tấu của bài thơ, hình ảnh của hình tượng sóng cứ triền miên không dứt, ngụp lặn vô hồi vô tận như chính con sóng biển của đại dương.
5. Bài thơ Sóng ra đời sau Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) 2 năm, sau Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi) 1 năm. Đây là những năm tháng chống Mỹ ác liệt của dân tộc, cả nước “Ra trận” (tên tập thơ Tố Hữu), Chế Lan Viên viết thơ đánh giặc… Thế mà Xuân Quỳnh lại viết Sóng – tình yêu? Phải chăng tác giả muốn tiếp thêm lửa nhiệt huyết yêu nước cho tuổi trẻ bằng cung bậc của tình yêu đôi lứa. Đó cũng là tiếng nói chung của cả đội ngũ văn nghệ lúc này, như thơ Phạm Tiến Duật với Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, nhạc Hoàng Việt với Tình ca, thơ Nguyễn Mỹ với Cuộc chia ly màu đỏ và Phan Thị Thanh Nhàn với bài thơ Hương thầm… đều là những bài thơ, bài hát thấm đượm tình yêu trong thời lửa đạn chiến tranh – với một thông điệp mạnh mẽ: “Tiếng hát át tiếng bom!”.
Quả thật tình yêu trong sáng sẽ làm tăng thêm sức mạnh, có thêm nghị lực để vượt qua trở ngại, khó khăn. Đó chính là thuộc tính nhân văn nhất của con người để chiến thắng mọi nghịch cảnh, thử thách!
TRẦN NGỌC TUẤN (GV THPT)
Bình luận (0)