Học sinh lớp 12 tại TP.HCM trong giờ học môn ngữ văn. Ảnh: Anh Khôi |
Thơ Nôm của Nguyễn Trãi, đặc biệt là Quốc âm thi tập có thể xem là kho báu về kinh nghiệm sống, những minh triết trong ứng xử với môi trường tự nhiên, với đời sống xã hội, với tha nhân và cả với bản thân mình. Ở đó lấp lánh bản sắc văn hóa Việt trong từng suy nghĩ, quan niệm, cảm xúc, thái độ sống của nhà thơ.
Thơ Nôm Nguyễn Trãi là bức chân dung tinh thần của nhà thơ – chứa đựng phong phú những chiêm nghiệm từng trải được đúc kết thành quan niệm sống và chừng mực nào đó những triết lý sống giàu ý nghĩa. Quốc âm thi tập đã hàm chứa cả 3 tính chất của thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân gian – tâm lý, trí tuệ, tình cảm – để tạo nên một tính cách Việt phổ quát và tiêu biểu.
Có thể nói thơ Nguyễn Trãi, đặc biệt là thơ Nôm đã góp phần đáng kể trong việc lưu giữ, phát huy và trao truyền những tinh hoa văn hóa Việt giàu chất nhân văn của thời đại mình cho những thế hệ đi sau. |
Bao quát toàn bộ tập thơ là một tinh thần hiếu hòa từ hòa hợp với tự nhiên, hòa thuận với con người đến hài hòa ở bản thân trong cách sống, sinh hoạt, ứng xử. Trong mỗi bài thơ, nhà thơ luôn trân trọng môi trường sống, xem vạn vật là bạn bè thiết thân; cỏ cây, chim thú đều là những sinh linh yêu sự sống và có tâm hồn, tình cảm: “Núi láng giềng, chim bậu bạn/ Mây khách khứa, nguyệt anh tam” (Thuật hứng XIX). Từng mảnh trăng muộn, cánh hoa tàn cũng được nâng niu: “Viện có hoa tàn chẳng quét đất/ Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo” (Mạn thuật X). Nhờ hòa hợp cùng thiên nhiên mà nhà thơ trở nên “giàu có” bởi kho báu vô tận của trời đất cũng là của mình: “Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc/ Thuyền chở yên hà nặng vạy then” (Thuật hứng XXIV). Nhà thơ không ngần ngại bộc lộ niềm tự hào vui vẻ hóm hỉnh về sự giàu có tinh thần ít ai sánh kịp khi có được trong tay những châu báu là vẻ đẹp kì tú của đất trời, là tình bạn thâm giao với gió trăng, cây cỏ, chim hoa: “Ai hay, ai chẳng hay thì chớ/ Bui một ta khen ta hữu tình” (Tự thán XIII). Hòa với thiên nhiên rõ ràng đã hóa giải được những muộn phiền do nghịch cảnh đem lại cho cuộc đời Nguyễn Trãi. Đây là một phương thuốc quý mà nhà thơ đã thiện dụng để di dưỡng tinh thần, mang đến sự thanh thản, tự tại trong cuộc sống giản dị nhưng đầy sinh thú.
Luôn bàng bạc tinh thần trọng tình Tuy không phát biểu trực tiếp nhưng trong thơ Nôm Nguyễn Trãi luôn bàng bạc tinh thần trọng tình, một nét quan trọng trong văn hóa Việt. Quốc âm thi tập đã cụ thể hóa và thực tiễn hóa tình yêu thương Nhân dân sâu sắc qua nhiều bài thơ chia sẻ kinh nghiệm sống. Trọng tình gắn với trọng nghĩa, đó là tình nghĩa đồng bào ruột thịt, tình nghĩa làng xóm. Tình yêu thương đó còn dành cho cây cỏ, chim muông: “Rừng tiếc chim về ngại phát cây”. Đa cảm và dạt dào tình thương yêu đối với con người, cuộc sống, vạn vật sinh linh, có lẽ hình ảnh Nguyễn Trãi qua câu thơ: “Tóc hai phần bạc bởi thương thu” đủ để nói lên tất cả. |
Hòa thân với tha nhân, nhà thơ luôn quan tâm nhắc nhở về đức khiêm tốn, sự nhường nhịn và rèn luyện tính nhu. Ông làm hẳn một bài thơ để cảnh báo về những hậu quả mà sự nóng giận sẽ đem lại đã nhọc trí mình lại mất lòng người dẫn tới bao hệ lụy: “Giận làm chi, tổn khí hòa/ Nào từng có ích nhọc mình ta/ Nẻo đua khí huyết quên nhân nghĩa/ Hòa mất nhân tâm, nát cửa nhà”. Đừng nghĩ rằng ông khuyên người sống hèn nhát để bảo toàn thân mình vì con người khảng khái từng tuyên bố: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược/ Có nhân, có trí, có anh hùng”. Trải nghiệm bao thế thái nhân tình, Nguyễn Trãi nghiệm ra con người quá tham đua tranh giành giật, bỏ công sức vào những việc cỏn con, mối lợi vặt vãnh làm rối loạn trật tự gia đình xã hội lại còn tổn hại đến bản thân mình. Ông muốn hạn chế bớt xung đột không đáng có này trong cộng đồng bởi: “Đồng bào có nhục nghĩa càng bền/ Cành bắc cành nam một cội nên”. Ông đề cao đức tính khiêm nhường là để trong hương đảng được bình yên, mọi người đoàn kết thương yêu, cộng đồng có thêm sức mạnh: “Khiêm nhường ấy mới biêu quân tử”. Ông nhắc nhở không những nên thuận thảo trong thân tộc bởi mối dây huyết thống mà còn nên hòa hiếu với người ngoài bởi tình người chính là của cải quý báu mà mỗi người trong chúng ta luôn cần đến: “Yêu trọng người dưng là của cải/ Thương vì thân thích nghĩa chân tay” (Bảo kính cảnh giới XVIII).
Hòa với bản thân, Nguyễn Trãi thường nhắc nhở sống giản dị, ít nhu cầu vật chất: “Áo mặc miễn là cho ấm cật/ Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon”. Với bản thân đó là sự hành xử chừng mực đem đến cái đẹp hài hòa, không thái quá cũng không bất cập. Đừng chạy theo thú vui vật chất mà xa hoa, phung phí, tự biến mình thành kẻ giá áo túi cơm vô giá trị: “Làm biếng ngồi ăn lở núi non”. Tuy nhiên, cần kiệm, giữ gìn không có nghĩa là sống quá khắc kỷ, tự biến mình thành nô lệ cho của cải vật chất. Trong cuộc sống cũng cần có sự hài hòa giữa làm việc và vui thú sao cho trong công việc lao động không có sự khổ nhọc mà đầy hứng thú và niềm vui. Sự hài hòa, cân đối trong cách sống đã đem đến cho nhà thơ cuộc sống mỗi ngày một mới mẻ, thú vị và đáng sống.
PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân
(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Bình luận (0)