Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Về Đông Giang

Tạp Chí Giáo Dục

Cái tên Đông Giang gợi cho chúng tôi hình dung về một vùng đất đẹp, hùng vĩ của núi rừng tây Quảng Nam. Chúng tôi đã có một hành trình bằng xe máy thú vị về miền Đông Giang.

Xanh xanh đồi chè Đông Giang- Ảnh: P.Long

Từ ngã tư cầu vượt Hòa Cầm (Đà Nẵng) dong xe theo quốc lộ 14B chừng 15km là đến ngã ba Túy Loan. Từ đây chúng tôi bắt đầu bước vào một cung đường tuyệt đẹp.

Thi vị một cung đường

Dòng Túy Loan xanh mát hiện dần chạy dài theo con đường, lúc ẩn lúc hiện uốn lượn ôm vòng lấy những bến nước, rặng tre. Con đường rợp bóng mát bởi những cây keo lai hai bên đường. Phía bên kia tầm mắt là những đàn trâu nhởn nhơ gặm cỏ, trong khi những đứa trẻ chăn trâu đang bận chơi đánh trận giả trong các lùm cây. Chơi chán cả nhóm kéo xuống sông thả mình theo dòng nước, ngụp lặn và nô đùa. Người dân ở đây nói rằng chính nơi này món mì Quảng đặc sản Quảng Nam mới có hương vị đậm chất đồng quê nhất.

Dọc con sông Túy Loan chỉ có con đường duy nhất để đến với Đông Giang nên không phải lo lắng tìm đường. Chúng tôi chạy thật chậm để được hít thở không khí trong lành thật lâu, để lắng tai nghe tiếng róc rách phát ra từ các con suối nhỏ len lỏi trong các sườn núi, xóa tan cái không gian tĩnh mịch vốn có của núi rừng. Nắng bắt đầu gay gắt lúc chúng tôi dừng lại ở khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Cái tên đẹp như thơ này xuất phát từ con suối với hoa nở quanh năm rất đẹp. Hoa cúc vàng ngợp cả một khoảng trời, đến mùa xuân vào khoảng tháng giêng cả khu vực này sẽ đỏ rực bởi sắc thắm của hoa trang dại.

Nơi đây, người ta dựa vào những hốc đá để tạo thành những hồ tắm tự nhiên sâu chừng 1,5m. Một vòng quay chạy bằng sức nước được đặt tại đây tạo cảm giác thanh bình cho du khách. Trên đỉnh một ngọn núi không tên nằm gần cuối dãy Trường Sơn là một thác nước chảy quanh năm. Buổi trưa, chúng tôi được thưởng thức những món đặc sản của người K’Tu – dân tộc sống quanh khu du lịch – với món bắp chuối rừng, nhấm nháp rau dớn rừng xào tỏi và cá liên suối nướng lá nghệ, cơm lam muối mè và măng điền trúc.

Xanh xanh Đông Giang

Hành trình tiếp tục với con suối chạy dọc men đường. Cung đường lúc này vất vả hơn vì phải vượt đèo với những khúc cua uốn lượn liên tục. Một hai trận mưa đêm trước làm xuất hiện một số điểm sạt lở nhỏ. Những người công nhân đã được huy động nhanh chóng thông đường. Gần 25km đường đèo khiến chúng tôi thấm mệt khi phải liên tục để mắt đến những chiếc xe khuất sau những khúc cua nhằm bảo đảm an toàn. Nhưng khi hình ảnh những ngọn chè xanh tươi mơn mởn như một sự tưởng thưởng cho chúng tôi.

Buổi sáng và giữa giờ chiều đến đây, người ta sẽ thấy cảnh hàng trăm công nhân hái chè nói cười vang rộn cả một góc trời. Đây là nông trường chè quốc doanh cuối cùng của tỉnh Quảng Nam, tạo nên khoảng không gian xanh nhân tạo hiếm hoi giữa những cánh rừng trùng điệp của huyện miền núi Đông Giang.

Mọi cảm giác mệt nhọc của một hành trình và cả những lo toan của cuộc sống nơi phố thị đã tan biến trong chúng tôi. Giờ đây, chỉ còn lại khoảng không gian xanh bát ngát của núi rừng và đồi chè, còn lại không khí trong lành của một miền sơn cước.

Hành trình kết thúc trong sự nuối tiếc và vương vấn với một cung đường tuyệt đẹp, những đồi chè xanh thẳm với dòng suối mát rượi, với cây lá cỏ hoa. Trên đường quay về, chúng tôi thấy một đoàn khách nước ngoài trên bốn chiếc xe máy cũng bắt đầu chinh phục cung đường thú vị này.

PHI LONG (TTO)

Bình luận (0)